21/07/2020 08:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nền bóng đá toàn thế giới ảnh hưởng trầm trọng và dù vẫn được diễn ra nhưng LS V-League 2020 cũng không thể gọi là bình thường. Nhờ thế năm nay các chân sút nội được trao cơ hội nhiều hơn, nhưng những gì diễn ra cho thấy mọi thứ với họ lại không phải màu hồng.
1. Đề cập đến vấn đề chân sút nội ảnh hưởng đến chất lượng nền bóng đá là chuyện không hề mới mẻ với V-League suốt 20 năm qua. Các tiền đạo nội thường bị cho là thiếu đất diễn trầm trọng và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến ĐTQG. HLV Park Hang Seo cũng thừa nhận việc này, nhưng trong mùa giải đặc biệt như V-League 2020 hiện tại, các chân sút nội cũng không thể chứng minh được họ có thể gánh vác phần việc của ngoại binh.
Tình hình Covid-19 khiến bóng đá đình trệ, việc di chuyển giữa các quốc gia bây giờ dù không khó như lên trời nhưng ở góc độ nào đó, nó cũng gần như tương đương. Các ngoại binh từ đầu mùa không thể cập bến V-League đã đành. Hiện tại, khi thị trường chuyển nhượng giữa giai đoạn đã khởi động, đa phần các CLB đều nín thinh.
Điều đó giúp các chân sút nội vô tình “lên ngôi”. Và ngoại trừ CLB đầu bảng Sài Gòn, hay Nam Định, gần như mọi đội bóng ở V-League hiện tại đều để rất nhiều đất diễn cho các nội binh.
Tại TP.HCM, Công Phượng và Xuân Nam đã đá 18/20 trận của CLB, hơn cả ngoại binh Amido Balde. Ở SLNA, cặp Văn Đức - Tuấn Tài đá 20/20 trận cho SLNA, hơn cả bộ đôi ngoại Peter - Sosseh (18/20 trận). Thanh Hóa đã cho bộ đôi Samson - Văn Thắng đá đủ 20 trận, Đình Tùng cũng chơi 8/10 trận, hơn cả ngoại binh Gassissou quá kém chỉ được ra sân 5 trận mùa này.
HLV Lê Huỳnh Đức sử dụng cặp Đức Chinh - Văn Long đến 16/20 trận, nhiều hơn bộ đôi ngoại binh Akinade - Tanda (chơi tổng cộng 14 trận). Những CLB khác đa số đều sử dụng một nội binh đá cặp với ngoại binh như TP.HCM (Công Phượng - Amido), Hà Nội (Văn Quyết - Rimario), Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (Tuấn Hải - Bruno), Quảng Nam (Minh Tuấn - Kebe), B.Bình Dương (Tiến Linh - Đại Dương), HAGL (Văn Toàn - Walsh) …
Các CLB trung thành với 2 “Tây” trên hàng tiền đạo có Nam Định (Merlo - Rafaelson); Than Quảng Ninh (Fagan - Lynch), Hải Phòng (Mpande - Claudecir), Viettel (Caique - Bruno). Riêng CLB Sài Gòn chỉ đá 1 tiền đạo ngoại Pedro nhưng hiệu quả gần như tuyệt đối.
Đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành đang dẫn đầu bảng với phong độ thuyết phục khi 10 trận bất bại (6 thắng, 4 hòa, có 22 điểm), ghi 16 bàn và chỉ thủng lưới 3 bàn. Pedro cũng là một trong những trung phong nằm trong danh sách ghi bàn hàng đầu V-League hiện tại với 4 bàn thắng, kém 1 bàn so với Geovane Magno, chân sút đa năng của chính Sài Gòn, có thể đá tốt tiền đạo và tiền vệ. Cặp ngoại binh này đã mang về 9/16 bàn thắng để giúp Sài Gòn ngự trị trên đỉnh bảng.
Đội nhì bảng Viettel cũng cho thấy công thức chỉ có ngoại binh trên hàng công mới có thể đưa họ bay cao, bởi bộ đôi Bruno - Caique đã có 7/18 bàn cho đội bóng áo lính năm nay. Cặp Fagan - Lynch cũng chỉ chơi cùng nhau 16/20 trận nhưng cũng đã 8 lần lập công trong tổng số 13 bàn thắng của Than Quảng Ninh năm nay.
59 bàn thắng đến từ 13 chân sút ghi bàn hàng đầu (chỉ tính những cầu thủ ghi 4 và 5 bàn) giải đấu tới hiện tại, chỉ có Công Phượng và Văn Long (cả 2 cùng có 4 bàn thắng) là có thể đua tranh với ngoại binh.
2. Trong số 5 CLB Top 5 đến 10 vòng đấu, chỉ có TP.HCM và HAGL là 2 CLB có các chân sút nội đóng góp tích cực cho đội nhà. Đơn cử như Công Phượng với 4 bàn thắng đang dẫn đầu danh sách ghi bàn cho TP.HCM, giúp đội nhà tạm xếp thứ 3.
HAGL với sự tỏa sáng của Văn Toàn với 2 pha lập công và vô số lần kiến tạo cho đồng đội ghi bàn cũng đưa “Gỗ” vào Top 4, thành tích tốt nhất trong lịch sử CLB đến hiện tại. Nhưng nỗ lực của Văn Toàn có thể sẽ là công cốc nếu HAGL không có Walsh rất có duyên khi đang dẫn đầu danh sách ghi bàn với 5 pha lập công.
Tuy nhiên, xét về vai trò độc lập tác chiến, các chân sút nội khó lòng “gánh team” một thời gian dài. Trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng, các CLB như B.Bình Dương, SLNA đã cảm thấy sự khó khăn khi kỳ vọng lớn vào nội binh.
B.Bình Dương đang khốn khó do Tiến Linh mới chỉ có 2 bàn sau 10 trận, tịt ngòi suốt 5 trận gần nhất. SLNA thì “chết” bởi 2 tiền đạo ngoại quá kém cỏi khi chưa có bàn nào sau 10 trận. Văn Đức và Tuấn Tài ghi 5/7 bàn cho SLNA năm nay nhưng không đủ để giúp CLB có được vị trí tốt hơn hạng 10.
Quảng Nam “rơi tự do” cũng bởi Hà Minh Tuấn quá vô duyên với 7 trận, không ghi nổi bàn thắng nào. Cánh cửa ĐTQG có thể cũng đã đóng với chân sút 29 tuổi. Một chân sút khác của ĐTQG là Tiến Linh cũng đang cảm nhận áp lực ở B.Bình Dương khi 5 trận chưa ghi bàn và vị trí thứ 7 của đội nhà (hơn CLB thứ 9 SHB Đà Nẵng chỉ 3 điểm) đang rất chông chênh theo phong độ của tiền đạo 23 tuổi.
Tuy nhiên, một thực trạng khác cũng đáng chú ý với Top 5 từ dưới đếm lên chính là nguy cơ “vỡ kế hoạch” khi kỳ vọng ngoại binh sẽ gánh vác hàng công CLB. Điển hình như SLNA đã đề cập ở trên. Xếp ngay sau họ là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh với Mansaray (1 bàn/6 trận) không hiệu quả như Bruno (5 bàn/10 trận). Đỗ Merlo và Rafaelson (đã ghi 8/11 bàn) cũng không thể đưa Nam Định thoát khỏi vị trí 12. Hải Phòng sau khi Mpande có vấn đề cũng “chết” khi dựa vào bộ đôi Diego - Claudecir có lẽ chỉ chờ ngày thanh lý. Sự thiếu đồng đều trong chất lượng đội hình đang là vấn đề của nhóm cuối.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn rất khó lường trên toàn thế giới, thị trường chuyển nhượng giữa mùa với bóng đá Việt Nam có vẻ là điều xa xỉ. Đó chính là một phần lý do những cựu binh như Anh Đức, Tấn Tài, Tấn Trường… vẫn còn nhiều đất diễn ở các CLB tưởng chừng dư thừa tài năng trẻ.
Nếu các tiền đạo nội không nắm được thời cơ này để khẳng định mình có thể chơi tốt như ngoại binh, tình hình rất khó cải thiện ở thì tương lai, nhất là sau những số liệu thống kê đã đề cập.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất