20/06/2014 15:07 GMT+7 | Bảng D
(Thethaovanhoa.vn) - Ông hiểu rất rõ Costa Rica cũng như nhiều đội bóng khác. Ông đã dẫn dắt 5 đội tuyển dự World Cup và 4 trong số đó đã vào được đến vòng hai, là Mexico năm 1986, Costa Rica năm 1990, Mỹ năm 1994 và Nigeria năm 1998. Năm nay đã ở tuổi 70, nhưng HLV người Serbia Bora Milutinovic vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá thế giới, nhất là các nền bóng đá đang phát triển. Ông trả lời phỏng vấn nhật báo La Repubblica (Ý) về đội Costa Rica.
* Chúng ta hãy bắt đầu bằng Navas, chàng thủ môn luôn để Kinh thánh dưới gối…
- Hồi tôi dẫn dắt đội tuyển Mexico, thủ môn của đội là Abuelo Cruz, một người cực kì sùng đạo, đi đâu cũng tốn cho anh ta thêm một chỗ nữa. Vì Chúa đi cùng với anh. Kể cả trong khách sạn, trên xe bus lẫn trên bàn ăn, anh ta luôn lấy hai chỗ, vì anh ấy bảo, anh cần giữ chỗ cho Chúa. Lúc nào tôi cũng thấy anh ấy đọc Kinh thánh. May quá, bây giờ thì Cruz đã trở thành một linh mục rồi. Còn Navas, 27 tuổi, nhanh, bùng nổ, thì xứng đáng hơn nhiều. Cậu này đang chơi cho Levante ở La Liga. Hồi ở Italia 90, anh chàng Luis Gabelo Conejo, thủ môn của chúng tôi ở đội Costa Rica, cũng sùng đạo lắm. Anh ấy mang vào để ở một góc khung thành chuỗi hạt và cây thập giá. Chúng tôi thường cầu nguyện trước khi ăn, nhưng ngoài việc ấy, Conejo còn mang một bức tượng Đức mẹ vào phòng thay đồ và trước khi vào sân, anh ấy chạm tay vào bức tượng. Costa Rica là một nước nhỏ xíu. Họ có những cây lan, cá sấu và buổi sáng, họ ăn thịt gà. Một đất nước không có quân đội. Mà nếu có, họ sẽ làm gì với quân đội ấy nhỉ?
* Sự khác biệt của Costa Rica bây giờ với đội Costa Rica của ông ngày trước là ở đâu?
- 24 năm đã qua rồi, tất cả đã thay đổi, từ xe hơi cho đến máy tính. Đội tuyển hiện tại có nhiều cầu thủ đang chơi ở nước ngoài, như Đan Mạch, Nauy, Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Hà Lan. Họ đã hòa nhập vào bóng đá Châu Âu và có kinh nghiệm quốc tế. Đội của tôi thì không. Nhiều người thậm chí chưa nhìn thấy sân bay, chưa ra khỏi biên giới nước mình, chưa sờ vào cái hộ chiếu. Đấy là lần đầu tiên họ vượt qua vòng loại. Không chỉ thế. Không ai trong số họ có xe hơi riêng, không ai biết đòi tiền thưởng. Chỉ sau Italia 90 thì mới có vài cầu thủ Costa Rica ra thi đấu ở nước ngoài. Nhưng đội tuyển ngày đó đã có tài năng rồi. Bây giờ cũng thế. Chẳng hạn Oscar “Nica” Duarte, người sút tung lưới Uruguay, hiện đang là một người tị nạn từ Nicaragua. 5 năm trước, anh ấy chạy từ đó sang vì đói và để đoàn tụ với mẹ. Duarte đang chơi mùa thứ 2 cho Bruges. Celso Borges, 26 tuổi, tiền vệ, 14 bàn mùa qua, là con trai của Alexandre Borges, từng chơi trong đội tuyển của tôi vào năm 1990.
- Đúng rồi. Vấn đề của tất cả các đội đối đầu với Costa Rica là luôn đánh giá thấp họ. Trong bóng đá, Costa Rica chẳng là gì cả và Thụy Điển nghĩ đó sẽ là một cuộc dạo chơi. Sau khi đến Ý, chúng tôi thậm chí còn hòa một đội nghiệp dư từ Rumania trong trận giao hữu trước giải. Sau khi qua được vòng bảng, chúng tôi mua 50 chai rượu vang để ăn mừng. Tôi tin là Italy sẽ không đánh giá thấp Costa Rica bây giờ. Đội bóng này khá mạnh, chắc chắn, có một thủ môn giỏi trong khung thành, trên hàng công là Campbell. Cậu này trẻ, khao khát thể hiện, nhưng tiếc là không có nhiều cơ hội đỉnh cao ở Châu Âu. Arsenal cho Olimpiakos mượn cậu này và sau đó cậu cùng đội này vô địch Hy Lạp. Costa Rica là như thế đấy. Nếu chúng tôi không phải là Brazil hay Argentina, người ta chỉ coi chúng tôi như là một lũ ma cà bông.
* Nhưng Ochoa, thủ môn đã cứu Mexico, đang thất nghiệp…
- Đúng thế. Thủ môn không có hợp đồng lại trở thành đấng cứu thế. Cậu ta đã dùng mọi bộ phận cơ thể để chống lại Brazil. Brazil nổi giận là đúng rồi. Neymar thì lại sống trong một thế giới ảo, nơi mà cậu ta có quá nhiều thứ, nhất là tiền. Nhưng tiền không phải là tất cả. Mà tôi cũng cần cám ơn Boniperti (cựu chủ tịch CLB Juventus-A.N).
* Tại sao?
- Ở Italia 90, chúng tôi chơi ở sân Turin chống lại Brazil. Chúng tôi chỉ thua 0-1 với bàn phản lưới nhà của Montero. Họ sút về phía Costa Rica 22 lần, chúng tôi không phát nào. Chúng tôi không có áo đấu. Tôi phải bỏ tiền túi ra mua giầy đá bóng cho cả đội, trong khi vợ tôi, Maria, trả tiền ăn cho cả đội. Đội Costa Rica cũng như đội Partizan Belgrade sau đó tôi dẫn dắt đều mặc áo sọc trắng-đen, vì ông Boniperti đã tặng cho chúng tôi 44 cái áo. Khi đội bước vào sân Turin, đám khán giả la lên “Juve Juve Juve” và các cầu thủ của tôi thì không hiểu nổi điều gì đang xảy ra nữa.
* HLV Jorge Pinto của Costa Rica thì đã học 3 năm ở Đức…
- Không quan trọng là học, mà là hiểu hay không. Cậu ấy đem đến sự kỉ luật cho đội. Tôi không biết là sau 3 năm học ở Đức, cậu ấy có vỡ ra cái gì không, nhưng nói chung là vẫn có vấn đề. Sau khi Costa Rica thắng Uruguay 3-1, tôi chỉ biết nói lời chúc mừng. Họ có một hàng tiền vệ mạnh, nhưng họ không có Pirlo, người có khả năng thắp sáng mọi góc u tối. Nhưng nếu chủ quan, Italy sẽ bị trừng phạt”.
A.N (lược dịch)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất