Nghịch lý Văn Toàn

08/11/2017 09:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong số các tiền đạo được HLV Park Hang Seo triệu tập lên Tuyển lần này, chỉ số của Văn Toàn xem ra khiêm tốn nhất: 24 trận V-League 2017, Toàn thậm chí không thể ghi nổi một bàn thắng.

Trong khi đồng đội của anh, Vũ Văn Thanh chẳng hạn, một người chơi hậu vệ nhưng đã có 6 bàn thắng dằn túi, tức chỉ kém Công Phượng 1 bàn. Vậy thì tại sao Văn Toàn vẫn được cất nhắc?

Không giỏi ghi bàn nhưng tầm ảnh hưởng lớn

Điểm mạnh của Văn Toàn, đấy là những pha bứt tốc, đi bóng lắt léo và những đường căng ngang đủ lực, có điểm đến. Toàn cũng là một người trẻ bản lĩnh, tiểu tướng kiểu thiếu niên anh hùng, chơi bóng không biết sợ, khát vọng tận hiến luôn ở mức cao nhất. Cái thiếu duy nhất của Văn Toàn, đấy là các bàn thắng. Song, ngay cả điều này cũng không mới, bởi Toàn vẫn được biết đến như một tiền đạo rất vô duyên trước cầu môn đối phương, dù anh đã và đang nỗ lực cải thiện mình.

Kỹ năng dứt điểm cầu môn của Văn Toàn có thể nói là rất kém, bằng chân và bằng đầu. Ngay cả khi mở được góc sút, thì Toàn hoặc đưa bóng chệch khung gỗ, hoặc sút như chuyền về cho người gác đền. Ngoài ra, Văn Toàn cũng không phải mẫu tiền đạo sát (hay hút) bóng, tức là việc chọn vị trí, "đánh hơi" bóng có vấn đề.

Toàn không "ngủ dậy là có bàn thắng". Có thể chia sẻ phần nào, khi đôi ba năm qua, Toàn được kéo ra biên phải, chơi như một cầu thủ chạy cánh và phục vụ, nên cơ hội tiếp cận cầu môn cũng giảm thiểu.

Nhưng, ở vị trí và vai trò như của Văn Toàn, Đinh Thanh Trung đã có 7 bàn thắng, Quang Hải 5 lần làm rung mành lưới đối phương, còn Văn Thắng, Văn Quyết mỗi người có 8 bàn... So sánh có phần khập khiễng, khi các môi trường thi đấu khác nhau, dẫn đến thuộc tính lối chơi của cầu thủ và đội bóng cũng khác nhau. Tuy nhiên, bóng đá là những con số. Và tiền đạo, hay một tiền-vệ-đạo, phải thở bằng bàn thắng. HAGL trong 3 năm qua thi đấu lẹt đẹt, bởi họ thiếu một chân sút ghi trung bình 15 bàn/mùa.

Vị trí nào cho Văn Toàn?

Văn Toàn vẫn là một cầu thủ chất lượng trên hàng công, nhưng bóng đá Việt Nam lúc này không phải không có những chọn lựa khác. Chìa khóa mở ra các bàn thắng và chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam lúc này phải là bộ 3: Văn Quyết - Anh Đức - Thanh Trung, những người đã ghi tổng cộng 27 bàn thắng ở V-League 2017, tính đến thời điểm này. Thậm chí nếu dùng Quang Hải với suất còn lại trên hàng công, thì khả năng bùng nổ vẫn lớn hơn so với Văn Toàn hay Công Phượng, ở cả khía cạnh cá nhân lẫn lối chơi tập thể.

Đội bóng phải chuẩn bị nhiều phương án khác nhau, song chắc chắn, muốn giành chiến thắng phải có những cầu-thủ-chìa-khóa (key player). Xuân Trường là một nhạc trưởng tuyệt vời, với khả năng giữ nhịp, phối bóng và những đường chuyền kiểu "một phát ăn ngay". Nhưng Trường không phải một "key player". Người giải quyết tình huống cuối cùng, kết thúc một pha tấn công, mới là chìa khóa trận đấu. Anh Đức hoặc Văn Quyết, hoặc cả 2 là những mẫu cầu thủ như thế. Họ cũng là những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm bậc nhất, bên cạnh Đinh Thanh Trung.

Tuyển Việt Nam và 3 điểm đặc biệt thời HLV Park Hang Seo

Tuyển Việt Nam và 3 điểm đặc biệt thời HLV Park Hang Seo

Danh sách đội tuyển Việt Nam đầu tiên dưới thời HLV Park Hang Seo có nhiều điều thú vị. CLB SLNA sạch bóng cầu thủ hay một loạt tân binh ra mắt là những điểm đặc biệt ấy.

Vấn đề của Công Phượng và Văn Toàn, như đã nhắc, không phải là năng lực, mà là tâm lý đè nặng, khi sự kỳ vọng luôn ở trên cao. Cần phải xác định rõ tiêu chí, rằng đây không phải là trận cầu rửa mắt để bán vé, mà là chuyện được mất ở một chiến dịch quan trọng. Cởi được nút thắt Afghanistan, những người trẻ như Văn Toàn, Công Phượng hay Minh Vương, Quang Hải..., sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình ở tương lai. Để xử lý cả núi công việc, HLV Park Hang Seo phải thật tỉnh táo, đồng thời đội ngũ giúp việc cũng phải mách nước cho ông nữa mới mong thành công.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm