Vất vả đời sống công nhân cuối năm

20/12/2010 11:07 GMT+7 | Thế giới

Trưa. Bà chủ nhà trọ kẹp cuốn sổ vào tay, rảo bước qua từng cánh cửa nhỏ. Trong những căn phòng chật hẹp, công nhân ở mướn hồi hộp. Ngày chủ nhật vừa bị phá toang bằng thông báo: “từ tết dương lịch tiền phòng sẽ tăng thêm 200.000 đồng”.


Có khi cả tuần, công nhân chỉ dám thưởng cho mình một bữa cá tươi.
Dù đã quen với việc chủ tăng tiền thuê nhà hai lần trong một năm, nhưng cô gái Trương Thị Mỹ Duyên không khỏi cảm giác bẽ bàng. Vậy là chỉ chưa đầy nửa tháng nữa, cô sẽ phải trả tiền thuê nhà từ 900.000 lên 1,1 triệu đồng. Áp lực cơm áo gạo tiền như phủ thêm lên vai những công nhân như Duyên. Cô nói như mếu để mong bà chủ thông cảm mà khoan tăng giá, nhưng rồi cũng như lần trước, Duyên đành chấp nhận với lý do “nhiều người cho thuê chứ có phải mình tôi đâu, chỗ nào giá thấp thì ở”.

“Bòn tro đãi sạn”

Duyên kể thêm, cô đi làm được bốn năm, tính từ năm 2006. Ngày Duyên mới từ Tiền Giang lên thành phố làm công nhân cho khu chế xuất Tân Thuận, tiền thuê nhà chỉ có 600.000 đồng. Ngoài ra, các loại hàng hoá khác cũng rẻ hơn rất nhiều lần. Duyên nhẩm nhớ: Thời đó một ký rau muống là 4.000 đồng, tiền nước khoảng 8.000 đồng/m3… Bây giờ, tiền nhà lên gần gấp đôi, rau muống thì 10.000 đồng/kg, nước đã là 14.000 đồng/m3… Trong khi đó theo thâm niên thì mỗi năm lương công nhân như Duyên chỉ tăng lên thêm 100.000 đồng. “Lương của tôi hiện nay là 2,5 triệu, không thể để dành thì lấy đâu dám mơ các nhu cầu nhỏ nhoi khác như xem phim, đi ăn kem với bạn bè. Lương công nhân không chạy theo kịp giá cả tăng cao”, Duyên tâm sự.

Cách không xa nhà trọ của Duyên là căn phòng bé xíu của cô gái trẻ Lê Thị Thiêm. Bữa cơm trưa công nhân của bốn người ngày chủ nhật như “tươi” hơn với nồi cá ngừ kho. Thiêm bộc bạch, ngày nghỉ ăn ngon hơn một chút để có sức làm việc cả tuần, ngày thường chỉ có rau và đậu hũ là “túc trực” trên mâm. Bởi lẽ nếu ăn ngon hơn một chút xíu, cha mẹ ở quê sẽ nhận tiền hàng tháng ít lại.

Thiêm kể, năm nay cô 25 tuổi, quê tận ngoài Bình Định. Nhà nghèo, đông con nên lần lượt các chị của Thiêm kéo nhau vào Sài Gòn bán sức mưu sinh và chu cấp cho cha già mẹ yếu. Công việc may xuất khẩu cho một công ty trong khu chế xuất Tân Thuận đem lại cho Thiêm mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, với thu nhập như vậy muốn tiết kiệm mỗi tháng 1 triệu đồng thì cô phải “ăn nhín nhịn thèm” đủ thứ. “Những khi trời nóng cũng không dám mua đá. Mới tuần trước thôi người bán tạp hoá đã không còn bán 500 đồng đá lẻ nữa. Bây giờ phải trả 1.000 đồng thì mới mong được uống nước mát”.
Ước mơ đổi đời

Những công nhân mà chúng tôi gặp ngày qua, mỗi người đều có ước mơ về một tương lai sáng sủa hơn. Họ lo sợ khi tuổi cao, sức khoẻ không còn tốt thì sẽ bị sa thải như một quy luật tất yếu nên ai cũng muốn đi học thêm văn hoá. Phúc khoe, anh đang theo học khoá quản trị kinh doanh ở một trường trung cấp. Còn Lê Thị Thiêm cũng gần lấy được bằng trung cấp kế toán. Mỹ Duyên thì bộc bạch: “Còn một năm nữa thôi, tôi sẽ lấy bằng dược sĩ. Khó khăn đã giục mình không được nản chí. Tôi đã mơ thấy những năm về tết không phải đau đáu vì túng thiếu”.

Tại dãy nhà trọ ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, chúng tôi gặp anh Thành, một công nhân của khu chế xuất Tân Thuận. Khi được hỏi về chuyện sinh hoạt của công nhân trước giá cả ngày một cao, Thành chùng giọng: “Nếu bữa ăn có một con cá rô thì bạn gái không tội nghiệp bằng bạn trai đâu. Bạn gái ăn hai chén cơm là đủ con cá. Sức trai ăn bốn, năm chén cơm thì không đủ chia đều phần cá cho từng chén cơm…”

Những công nhân như Duyên, Thiêm hay Thành đều quay quắt trong lúc mọi thứ hàng hoá đều tăng giá. Công thức chung để đủ chi tiêu tối thiểu của họ là: gồng mình tăng ca, dẹp hết những nhu cầu khác có tốn tiền. Thậm chí tết không về quê, chấp nhận “nỗi buồn phương Nam”…

Ở lại để dành dụm tiền gửi ra quê

Mấy ngày cuối năm, báo chí, truyền hình liên tục đưa tin bán vé tàu, xe. Những siêu thị lớn trong thành phố rộn ràng khuyến mãi với nhiều băngrôn hình ảnh hàng hoá bắt mắt khiến anh Hoàng Minh Phúc suy tư.

Phúc sinh năm 1978 ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Vợ anh quê Quảng Ngãi. Mấy năm nay, hai vợ chồng “chia ca” về quê. Một năm chồng về Huế, năm sau đến lượt vợ về Quảng Ngãi. Ai ở lại thì giữ con. Theo anh Phúc, mỗi lần về quê chi phí rất nhiều, vé xe đò mỗi năm mỗi cao…

Anh Phúc cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng anh hơn 5 triệu đồng. Mỗi tháng tiền học của con gái năm tuổi là 1,5 triệu đồng. Hôm qua, tiệm tạp hoá gần nhà thông báo với anh là chai dầu ăn đã tăng thêm vài ngàn đồng nữa. “Đàn ông mà so đo từng ngàn thì không hay chút nào nhưng không thể hồn nhiên được. Tháng nào tôi cũng tăng ca bốn chủ nhật mà vẫn lay lắt, ăn sáng cả nhà không dám vượt quá 150.000 đồng/ tháng”, Phúc nói.

Còn công nhân Lê Thị Thiêm cũng cho biết năm nay không về quê. Số tiền đi tàu, xe sẽ được dồn thêm cho cha mẹ ăn tết. Với Thiêm, ăn tết phương Nam có buồn, nhưng “biết sao được, ráng đắp mền ngủ mấy ngày thì sẽ hết xuân thôi”.

Nếu như trước đây, những công nhân thường có tâm lý mỗi tháng đổ một chỉ vàng tích luỹ thì giờ đây, điều đó với họ là chuyện trên… cung trăng. Hỏi chuyện giá vàng, Phúc phì cười: “Có may miệng lại thì lương cũng chưa đủ một chỉ vàng mà. Xài một tháng mà không phải vay mượn thêm là may mắn lắm rồi”.

Theo SGTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm