24/08/2023 07:01 GMT+7 | Văn hoá
Làm thế nào để công nghiệp văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam tiếp tục phát huy hết tiềm năng của nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú của mình? Đó là câu hỏi và cũng là chủ đề chính của buổi Hội thảo "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số" diễn ra sáng 23/8 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng phân tích, chỉ ra các cơ hội, những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, đồng thời lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay.
Trong cái khó đã "ló cái khôn"
Trong phần trao đổi giữa các khách mời về cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định: Công nghệ số đã làm thay đổi quan niệm, cách tiếp cận đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, làm cho di sản trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn, sống động hơn đối với công chúng. Thực tế những gì diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Theo ông Minh, có một thời gian rất dài Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không phải là điểm đến thú vị vì ít được du khách quan tâm. Thậm chí, các hướng dẫn viên du lịch rất ngại dẫn khách vào đây, khi họ cũng họ không hiểu gì về tác phẩm để giới thiệu.
Để giải bài toán trên, ông Minh đã trình đề án để xin được phối hợp với một công ty công nghệ trong việc khai thác các di sản mỹ thuật của bảo tàng. Kết quả sau hai năm triển khai kể từ tháng 5/2021, dự án Thuyết minh đa phương tiện IMuseum VFA đã được đưa vào sử dụng. Đây là một trong những hệ thống thuyết minh đa phương tiện rất thông minh với 8 ngôn ngữ (chuẩn bị bổ sung 9 ngôn ngữ khác) giúp du khách có thể tham quan, trải nghiệm bảo tàng này bất kỳ khi nào và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
"Trong năm đầu tiên, mức phí chúng tôi thu về từ khách sử dụng công nghệ là khoảng 500 triệu - 600 triệu đồng. Đây là con số nhỏ những cũng thể hiện sự thành công của dự án" - ông Minh nói.
Những "nút thắt"
Nhưng, như chia sẻ tại hội thảo, không nhiều đơn vị có thể "trong cái khó ló cái khôn" như trường hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khi họ vướng không ít rào cản khác.
Điển hình, khi trao đổi về chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong môi trường số ở Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Trung cho hay nhiều quy trình quản lý của chúng ta chưa theo kịp thời đại công nghệ số.
"Tôi ước gì những thủ tục hành chính có thể tự động hoá như AI thì sẽ mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều" - nhạc sĩ Quốc Trung nói. Dẫu vậy, vị "nhạc trưởng" của Festival âm nhạc Gió mùa cũng thừa nhận, không có công nghệ AI nào có thể làm được công việc này, khi đặc thù tiếng Việt rất đa tầng đa nghĩa, đa nội dung. Bởi thế, như lời anh, vấn đề cuối cùng vẫn nằm ở con người, ở quan hệ giữa doanh nghiệp và những cơ quan quản lý. Cụ thể, cơ quan quản lý và các nhà sáng tạo cần phải xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp vì cùng một lợi ích, từ đó góp phần phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả.
"Nếu chúng ta không xây dựng được mối quan hệ này một cách chuyên nghiệp và có sự tin tưởng để hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ xảy ra rất nhiều bất cập. Điều này giống như việc giáo dục con cái ở nhà. Chúng ta luôn muốn có một đứa trẻ khoẻ mạnh về thể chất, trưởng thành về tư duy, có năng lực, có kỹ năng sống. Vậy nhưng nếu chỉ chăm chăm bắt nó làm theo tất cả những gì mình muốn, rất có thể đứa trẻ sẽ mất đi nhiều cơ hội để phát triển" - anh nói.
Ở một góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cũng cho rằng nút thắt trong vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số là về mặt con người. Như phân tích của chuyên gia này, Việt Nam là một quốc gia chưa có bề dày về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi thế, những người tham gia vào trong những quá trình này ít nhiều cũng chưa thật sự hiểu bản chất các ngành công nghiệp văn hoá gắn với môi trường công nghệ số.
"Chúng ta chưa có một hệ sinh thái về mặt nhận thức, chưa nắm được bản chất, chưa có nhiều kinh nghiệm thực hành. Vì vậy, cần phải có nguồn kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực, từ đó phát huy được nguồn tài nguyên di sản văn hóa vô cùng giàu tiềm năng của Việt Nam - bà Phương nói - "Bên cạnh đó, cần có các cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế, từ đó tạo ra một môi trường thật sự giúp công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột của nền kinh tế".
Hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Netflix tổ chức. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ VH,TT&DL với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam mà Netflix là thành viên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất