Công nghệ giáo dục: Rào cản từ định kiến

11/09/2018 06:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những tranh cãi về bộ sách "Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại đã bước đầu khép lại, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức lên tiếng. Vắn tắt, đây là tài liệu đã được thẩm định, và cho phép các địa phương lựa chọn sử dụng nhằm nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt lớp 1.

Và trên thực tế, việc một số cơ sở đào tạo sử dụng tài liệu này để giảng dạy cũng đã diễn ra từ nhiều năm, riêng tại trường Thực nghiệm (do GS Hồ Ngọc Đại thành lập năm 1978), tài liệu này đã được sử dụng từ rất sớm. 

Câu hỏi ở đây: tại sao sau nhiều năm tồn tại, bộ sách này đột nhiên lại "gây bão" và trở thành tâm điểm tranh luận của cộng đồng?  

Thậm chí, vượt hơn một cuộc tranh luận, đã có rất nhiều ý kiến quá khích chuyển sang quy chụp, mạt sát GS Hồ Ngọc Đại và những người biên soạn tài liệu. 

Công nghệ giáo dục, Tiếng việt cải cách, tiếng việt mới, chữ cải cách, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, bảng chữ cái tiếng việt cải cách, tròn vuông tam giác, Hồ Ngọc Đại

Không liên quan, nhưng câu chuyện ấy khiến chúng ta nhớ lại cuộc tranh cãi về ý tưởng cải cách chữ viết của PGS Bùi Hiền vài tháng trước. Ở cả hai trường hợp, cơn... nóng giận của cộng đồng lan rộng tới mọi cuộc tranh luận ở các hội nhóm nghề nghiệp, trên mặt báo,  không gian mạng và cả nơi quán xá vỉa hè. 

Với người viết, lý do của "cơn bão" ấy không khó hiểu: Đó là những phản ứng quanh một khái niệm mới, xa lạ với cách tư duy thông thường, và đặc biệt lại nằm ở một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm là giáo dục.

***

Thẳng thắn, nếu đặt câu hỏi về sự hay - dở trong cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại (thay vì sa vào khái niệm đúng - sai), cuộc tranh cãi sẽ còn rất dài. Và, đến thời điểm này, cũng chưa có đủ lý lẽ để thuyết phục các bên rằng phương pháp ấy hoàn toàn ưu việt hơn cách đánh vần truyền thống. 

Nhưng, nếu nhìn vào cách mà bộ sách "Công nghệ giáo dục" tồn tại, chúng ta sẽ thấy một thực tế: GS Đại và cộng sự từ nhiều năm đã làm cái việc mà ngành giáo dục đang hướng tới với phương thức "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa".

Ở hàng chục cuộc hội thảo về vấn đề này, nhiều chuyên gia đã khẳng định: Cơ chế “một chương trình - một sách giáo khoa” đã được duy trì quá lâu, và trở thành chướng ngại vật cho các động thái cải cách tích cực, đặc biệt là động thái “cải cách từ dưới lên” thông qua thực tiễn giáo dục của giáo viên và sự chủ động chương trình của nhà trường. Vô tình, cơ chế này khiến những người tâm huyết và có năng lực không thể tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa, cũng như hạn chế cơ hội để giáo viên lựa chọn bộ sách phù hợp với địa phương, trường học và học sinh của mình.

Và đa dạng hóa sách giáo khoa còn là giải pháp để xóa bỏ lối tư duy đơn giản theo kiểu đúng - sai tuyệt đối, thu hẹp thế giới quan, sự sáng tạo hay tinh thần khoan dung, chấp nhận sự khác biệt của học sinh.

Sự khoan dung, bình tĩnh tiếp cận với những quan điểm khác biệt cũng chính là điều mà chúng ta ít gặp, trong cuộc tranh luận liên quan tới bộ sách "Công nghệ giáo dục" vừa qua.

Kêu gọi đổi mới, nhưng lại phản ứng quá gay gắt (thậm chí là không tìm hiểu thấu đáo) với một khái niệm bị coi là lạ trong ngành giáo dục - thực tế ấy cho thấy: Việc đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ không thể diễn ra thuận lợi trong một sớm một chiều.

***

Nhưng cũng cần nói thêm, cách dư luận phản ứng cực đoan với bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại không chỉ đơn giản là chuyện khó chấp nhận sự khác biệt - hoặc việc thiếu văn hóa tranh luận, như lập luận của một số người.

Thực tế cho thấy: Những năm qua, các thay đổi về hình thức thi, về phương pháp giảng dạy, về hệ thống đánh giá học sinh... của ngành giáo dục không phải bao giờ cũng thành công. Và, ở mỗi lần không thành công như vậy, dư luận rõ ràng lại càng thiếu kiên nhẫn hơn với hai chữ "cải tiến".

Và thực tế ấy dẫn tới một hệ quả: Rất nhiều người đang có định kiến về những sự thay đổi trong giáo dục. Định kiến ấy chính là rào cản vô hình, ảnh hưởng không nhỏ tới công cuộc đổi mới giáo dục.

Bởi thế, trong lộ trình thay đổi sắp tới, vai trò của ngành giáo dục trong việc thẩm định và đánh giá các hệ thống sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, chất lượng trường học... sẽ là yếu tố sống còn, để cộng đồng vượt qua được định kiến sẵn có của mình, cùng đi tới sự đồng thuận.

Anh Bảo

Vị đắng dịp khai trường

Vị đắng dịp khai trường

Gần 1/4 dân số tựu trường ngày khai giảng, nên giáo dục luôn là vấn đề nóng nhất, thu hút đông đảo dư luận.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm