Lụa Hà Đông

26/10/2009 14:30 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì  em mặc áo lụa Hà Đông

Lụa Hà Đông vào Sài Gòn lần đầu năm nào, Nguyên Sa viết những dòng thơ ấy năm nào, tôi không biết.

Nhưng tôi biết một nơi vào năm 1938, ở một ngôi nhà trên con đường nhỏ giữa trung tâm Sài Gòn có một người phụ nữ gốc bắc đã mở một cửa hàng tơ lụa, những súc lụa Hà Đông được gửi vào từ Hà Nội, những súc lụa sắc trắng, sắc ngà và những đường tơ óng lên trong nắng Sài Gòn.

Những súc lụa ấy  đã đi con đường nào đến đấy. Con đường của sự giao thương hàng hóa hay con đường của số  phận con người.

Đã có những nhiều câu chuyện về lụa, bắt đầu từ lụa, số phận con người như bị cuốn vào cái vòng giăng tỏa của thứ vải mềm óng ánh đầy mê hoặc ấy.

Những súc lụa có  thể đẩy đưa, dẫn dắt đời người. Lụa của cái cửa hàng nép mình trên con phố cũ nhỏ bé kia là như thế.

Một ngày tôi đọc được câu chuyện về lụa từ những bức hình đen trắng cũ của gia đình. Chúng như những tấm hình dừng lại của một cuốn phim.

Là câu chuyện về  những người đàn bà tài sắc đã mà cuộc đời đã gắn liền, đã biến chuyển cùng với những súc lụa Hà Đông.


Quê gốc họ là một làng nghèo, đến cái tên nghe cũng mộc và nghèo. Làng Bồ Nâu. Chả có nghĩa gì to tát, chỉ là tên của một loại củ dùng nhuộm vải, cho ra những tấm vải gụ nâu sồng.

Nhưng lụa không phải là hình ảnh dẫn dắt đầu tiên.

Mà bắt đầu là một khuôn mặt chùm khăn mỏ quạ giữa Paris tuyết trắng.

Hai người đàn bà  đẹp, sang trọng và quý phái trong hai tấm áo lông.

Họ đã bán lụa Hà Đông ở Hà Nội, mang lụa vào Sài Gòn.

Nhưng lụa đã dẫn họ đến Paris.

Người đàn bà chít khăn mỏ quạ xuất thân từ ngôi làng ấy, ngôi làng có nghề nhuộm vải bằng củ nâu. Theo chồng ra Hà Nội sống một cuộc đời êm ả của một công chức thời tây. Trong bốn người con, nổi bật là hai cô giữa, là hai nhan sắc mặn mà, thông minh, sắc sảo . Cô chị ưa hoạt động xã hội, mê văn chương theo nghề báo. Cô em ở nhà bán lụa. Họ có 1 cửa hàng ở phố Sinh Từ, lấy tên gái thứ ba (đẹp nhất nhà) đặt tên cho cửa hiệu, tiệm Nguyễn Hải.

Lụa lấy từ Hà  Đông, vừa bán, vừa bỏ cho những cửa hiệu khác nổi tiếng trên phố Hàng Đào, rồi những nhà buôn có tiếng ở Hải Phòng. Những mối quan hệ với mấy nhà mà sau nầy gọi là “tư sản” bắt đầu từ đây, chuần bị cho một “con đường tơ lụa” xuôi nam. Vào cái thời của họ, một cách sang trọng, lụa Hà Đông phủ lên những tấm thân ngà ngọc của các bậc phu nhân, các tiểu thư Hà Nội, tha thứơt trên phố Hàng Đào, con đường được gọi là “Rue de la soie”.

Năm 1932, nhân có cuộc triển lãm đấu xảo ở Paris,cô chị nhà báo sang Paris dự hội chợ, có lẽ là một chuyến đi định mệnh, vì đã dẫn đến cuộc gặp gỡ định mệnh.

Có một  người đàn ông tây học, một chủ bút báo, tờ Tân Thế  Kỷ ở Sài Gòn, cũng sang Paris lúc đó để tham dự cuộc triển lãm đấu xảo. Ông Cao văn Chánh.

Cao văn Chánh sinh năm 1903, là con một điền chủ nam bộ, du học ở  Pháp trong những năm đầu thế kỷ XX, tốt nghiệp cử nhân văn chương. Tân Thế kỷ là  một trong số ít những tờ báo tiếng Việt có tinh thần yêu nước. Và họ gặp nhau, Cao văn Chánh và Nguyễn Thị Khang, tại cuộc triển lãm đấu xảo Paris (1932).


Sau khi về nước, lấy rồi theo chồng vào Sài Gòn. Bà Khang vẫn cùng chồng tiếp tục những năm viết báo.

Nhưng còn một dòng máu nữa vẫn chẩy trong người phụ nữ ấy, máu kinh doanh.

Gia đình ngòai Hà  Nội vẫn nghề buôn lụa. Từ chuyến xuất giá  theo chồng, một con đường mới mở cho những súc lụa Hà Đông đi vào Sài Gòn.

Cô em gái ở Hà Nội là người lo đầu cung cấp hàng cho chị trong Sài Gòn, những súc lụa đi bằng tầu hỏa, tầu biển, máy bay.

Ông Cao Văn Chánh vừa viết báo vừa họat động chính trị, có tinh thần chống Pháp. Vào năm 1940 bị bắt và đi đầy ở Bà Rá vì có liên can đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Đầu 1942 Cao Văn Chánh tuy đã được thả nhưng vẫn bị quản thúc, chính quyền thực dân cấm không cho đi khỏi nam kỳ, đến nỗi khi bố vợ mất cũng không ra được HN chịu tang.

Năm 1945ở Sài Gòn,  một ngày sau 23 tháng chín, ngày nam bộ kháng chiến, ông mượn ô tô của bạn chở gia đình về Cần Thơ, sau đó vào một ngày khi trở lại Bến Lức, Long An trả xe thì mất tích. Từ biệt vợ con ngày 31 tháng 10 năm 1945.

Lộn về Sài Gòn, bà chủ cửa hàng tơ lụa vừa phải đi khắp lục tỉnh tìm chồng, vừa phải lo buôn bán, một mình tất tả ngược xuôi. Lũ con gửi dần sang Pháp học. Vẫn còn hình ảnh bà ngồi bàn giấy, tóc vấn cao, áo dài sang trọng, gọi tê lê phôn đi các nơi điều hành công việc, tầng dưới là cửa hàng với những súc lụa chật mấy dẫy tủ cao, tầng trên là văn phòng xuất nhập khẩu, trong tình cảnh chồng mất tích nhưng gương mặt vẫn đầy quyết đoán. Thời gian này lụa đang bán chạy, những súc vải đầu tiên sắp lên tầu sang Pháp.


Hai năm sau, với những dòng thông tin chắp nối lại, bà được biết  là chồng đã bị thủ tiêu vào một buổi chiều bên một bờ sông, những người du kích nghi là  việt gian vì ông không mang theo giấy tờ, lại lái xe, đeo kính trắng, ăn mặc kiểu tây.

Một mình bà ở Sài Gòn điều hành công việc, lụa xuất cảng sang Pháp, thành đồng franc, trở về thành đồng Đông Dương, thành nhà, cửa hàng, dẫy phố ở Gia Long, biệt thự trên đường Phan Thanh Giản.

Năm 1943 cô em xinh đẹp lấy chồng là một kiến trúc sư, 1946 theo chồng  lên Việt Bắc tham gia khánh chiến. Nhưng những súc lụa vẫn được gửi vào Sài Gòn. Đến 1954 hiệp định Gieneve kí kết, từ Việt Bắc trở về, bà cắp hai đứa con vào Sài Gòn, gặp lại mẹ, gặp lại chị và những súc lụa Hà Đông.

Đường Catinat, charner, Bonnar người đẹp tơ lụa phất phới tà áo dài, quần lụa trắng, giầy cao gót, tay lủng lẳng ví đầm.

Bà chị đưa mẹ  và cô em sang Pháp chơi, bà cụ nhà quê vẫn khăn mỏ quạ chùm đầu, phu nhân ông KTS ngòai khóac áo lông nhưng bên trong vẫn lộ cái cổ áo dài lụa đứng trong tuyết trắng Paris.

Nhưng con đường của lụa từ Hà Nội vài Sài Gòn bị cắt đứt ngang vĩ tuyến 17 từ 1954.

Vào thời Mỹ, có một thứ gọi là “soie Pháp” tràn ngập Sài Gòn, những súc lụa từ sợi hoá học.

Chiến tranh và hàng nhập khẩu đã khai tử lụa Hà Đông trên đất Sài Gòn. Và khai tử luôn cái cửa hàng bán lụa trên con phố nhỏ mang tên Carabelli năm nào.

1975 lần đầu vào Sài Gòn, tôi vẫn nhớ h ình ảnh những dẫy tủ cao trống rỗng, căn nhà hoang vắng, một tấm biển đề “tổ bán gạo phường”.

Hơn 20 năm sau đó, chúng tôi bắt đầu một con đường khác. Đi từ ngã tư Bẩy Hiền, và những xóm toàn dân Bắc di cư ở quận 8, Gò Vấp, cũng bắt đầu từ lụa. Nhưng là một thứ lụa dệt trên những cỗ mấy thủ công, được gọi với một cái tên đã được Việt hoá, là “soa”.

Những kiện hàng đóng đi Đông Âu, những kiện kimono, áo soa thêu tay, thêu máy. Khép lại ký ức buồn, chúng tôi bắt đầu một ước mơ mới về lụa từ chính ngôi nhà mà những người đàn bà đã mang lụa đến Sài Gòn hơn năm mươi năm trước đã sống.

Tạ Mỹ Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm