Đề xuất cấm ôtô 5 ngày trong tuần để giảm ùn tắc

23/04/2012 15:09 GMT+7 | Thế giới

Trước đề xuất cấm ôtô cá nhân mỗi ngày 5 giờ, 5 ngày trong tuần ở khu vực nội đô của cựu phi công quân sự Mai Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu.

Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển thư đề ngày 13/3/2012 của ông Mai Trọng Tuấn về việc chống ùn tắc giao thông tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM. Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/5.

Trong văn bản đề xuất, ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng”) cho biết, ngày 2/2 ông gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”. Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng phương án đó nếu muốn làm được phải có thời gian chuẩn bị vài năm, phải có sự đồng thuận xã hội.

Do đó, để có bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên ông Tuấn đưa ra giải pháp 5x5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.

Lý giải cho việc chọn cấm ôtô thay vì xe máy, ông Tuấn cho rằng, thời điểm cấm xe máy là đánh thẳng vào đời sống trên 95% người lao động đang sống và làm việc ở trung tâm thành phố. Phần lớn họ là người hàng ngày vẫn lưu thông bằng xe máy, kể cả đi xe ôm. Việc cấm xe máy sẽ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gia đình thêm khó khăn… nên thời điểm hiện tại biện pháp này không thỏa đáng.


Đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn đã được UBND Hà Nội tiếp nhận. Ảnh: Hoàng Hà.

Để bảo vệ quan điểm chọn ôtô cá nhân là diện bị cấm lưu thông, ông Tuấn đưa ra nhiều lý do như ôtô chiếm dụng đường, bãi đỗ lớn hơn xe máy; số lượng người có ôtô không nhiều; người có ôtô cũng thường có xe máy và trước khi có ôtô họ vẫn dùng xe máy…

Dẫn chứng cho việc ôtô chiếm dụng đường lớn hơn xe máy, ông Tuấn đưa ra số liệu thống kê tại TP HCM. Theo đó, đến 31/1/2012 xe hơi các loại là gần 500.000 chiếc (trong đó 11.000 taxi) và xe máy trên 5 triệu chiếc. Mặc dù số ôtô chỉ bằng khoảng 10% xe máy nhưng lại chiếm diện tích mặt đường khi lưu thông là 55%, chiếm chỗ đỗ 65%. Cũng theo ông Tuấn, việc ùn tắc, rối loạn giao thông thường do 4-5 ôtô đối đầu nhau nằm giữa giao điểm dẫn tới tất cả hướng đều kẹt cứng và rối loạn.

Theo số liệu ông Tuấn thu thập, số lượng những người có ôtô chỉ chiếm 2-3% dân lao động. Khác với các nước phát triển, ôtô là phương tiện đi lại chủ yếu thì ở Việt Nam việc sở hữu ôtô mới chủ yếu bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây. “Những người vốn trước đây vẫn đi xe máy, gần đây mới đổi đời, lên đời nếu có phải hy sinh một chút thói quen (chưa ăn sâu, bám rễ) để nhường cho xe máy, chắc chắn số ít này sẽ vui lòng”, ông Tuấn nhận định.

Ngoài ra, theo ông Mai Trọng Tuấn, nên vận động các xe hơi biển xanh (xe nhà nước) cùng thực hiện giải pháp 5x5 (trừ các xe công vụ đặc biệt, xe đưa đón đoàn…). Người có tiêu chuẩn dùng ôtô công nếu tự nguyện thực hiện giải pháp 5x5 thì cơ quan nhà nước nên trả tiền cho để họ đi taxi, tiết kiệm được cả về chi phí lẫn lao động đồng thời thể hiện được sự gương mẫu hòa đồng với quần chúng.

Vị cựu phi công này cho rằng nếu lãnh đạo hai thành phố lớn chấp thuận phương án thì có thể triển khai được ngay sau khi quy định và ấn định thời gian cụ thể yêu cầu người dân thực hiện. “Thực tiễn chứng minh chân lý. Hà Nội đã đổi giờ học, giờ làm, cấm đỗ xe… mà vẫn chưa rút ra được kết luận chính xác nào. Thực hiện giải pháp 5x5 chắc chắn chỉ trong một tuần lễ là đã có thể kết luận được”, tác giả khẳng định.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm