01/06/2011 12:49 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH) - Trong số 11 đời HLV ngoại của ĐTQG và ĐT Olympic QG, chưa một nhà cầm quân nào giành được HCV ngay trong lần đầu tiên tham dự sân chơi khu vực, cho dù là SEA Games hay Tiger Cup (và sau này là AFF Cup). May mắn như HLV Calisto hồi năm 2008 thì cũng không thể coi là người mới, bởi chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã quá quen thuộc với bóng đá Việt Nam và ông cũng từng dẫn dắt ĐTQG ở Tiger Cup 2002.
Thế mà khi ký hợp đồng với HLV Falko Goetz, VFF lại giao nhiệm vụ cho ông thầy này phải giành HCV SEA Games 26, cho dù nhanh nhất thì HLV Goetz cũng chỉ có chưa đầy nửa năm để chuẩn bị cho nhiệm vụ vô cùng xương xẩu này. Tất nhiên, VFF cũng thòng thêm rằng trong trường hợp xấu nhất không giành được HCV SEA Games 26 thì chiếc ghế của HLV Goetz cũng không bị ảnh hưởng, song chỉ nhìn chỉ tiêu như vậy cũng thấy sức ép dành cho nhà cầm quân người Đức là rất lớn.
Trao đổi với TT&VH về vấn đề nói trên, một thành viên kỳ cựu của Hội đồng HLV QG giải thích: “Thuê HLV ngoại là phải đặt ra chỉ tiêu vô địch, còn nếu chỉ HCB hay HCĐ thì HLV nội cũng được, cần gì phải tốn tiền thuê thầy ngoại”. Điều đáng nói là không chỉ ủy viên Hội đồng HLV QG này có ý kiến như vậy, mà quan điểm nói trên cũng nhận được sự đồng thuận từ một bộ phận không nhỏ lãnh đạo VFF.
HLV Falko Goetz sẽ sang Việt Nam trong tuần này hoặc tuần sau.
Tại sao chúng ta không đặt ngược vấn đề rằng, 11 đời thầy ngoại trong gần 20 năm qua vẫn không thể giúp bóng đá Việt Nam lấy vàng SEA Games, vậy tại sao không thử giao phó niềm tin cho HLV nội, biết đâu vận hội sẽ khác? Không có gì bảo đảm rằng cứ hễ ĐTQG hoặc ĐT Olympic QG được đặt dưới sự dẫn dắt của HLV ngoại thì đồng nghĩa với việc có thêm nhiều cơ hội giành thành tích khả quan.
Người ta hay lấy lý do khi có HLV ngoại đứng mũi chịu sào thì nhiều công việc tưởng chừng như rắc rối lại trở nên dễ dàng, chẳng hạn HLV Calisto đã làm được một nhiệm vụ mang tính chất cách mạng, đấy là đưa ĐTQG và ĐT Olympic QG ra khỏi Trung tâm huấn luyện QG, vốn là địa điểm đóng quân truyền thống nhưng điều kiện cơ sở vật chất không tốt, để ra ngoài ở tại khách sạo 4 sao và hàng ngày tập luyện ở sân Mỹ Đình.
Công việc mà HLV Calisto đã làm nếu gọi là kỳ tích thì hơi quá lời, nhưng trên thực tế nó cũng na ná như thế, bởi trước ông, không một nhà cầm quân nào đặt ra vấn đề như vậy, nhất là với HLV nội, và bao nhiêu lâu Trung tâm huấn luyện QG vẫn mặc định là nơi tập trung dành cho các tuyển thủ, vì lý do VĐV các môn khác đều tập trung ở đây thì bóng đá cũng không phải ngoại lệ.
Dường như người ta quên mất rằng cơ chế làm việc là do con người tạo ra thì việc thay đổi cơ chế cũng hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta, vấn đề là có muốn làm và có dám làm hay không mà thôi. Phải chăng sự tồn tại này xuất phát từ hạn chế tâm lý cố hữu của người Việt nói chung, đấy là căn bệnh “sính ngoại”, khi bất cứ điều gì có dính dáng yếu tố nước ngoài cũng nhận được sự e ngại và vì nể nhất định?
Nó cũng tựa như việc các đội bóng ở V-League đua nhau nhập quốc tịch cho ngoại binh để thi đấu với suy nghĩ “yếu trâu còn hơn khỏe bò”, nhưng thử nhìn vào danh sách các nhà vô địch V-League 10 năm qua, có mấy CLB phải nhờ cậy vào năng lực của các ông Tây nói tiếng Việt? Có phải ngẫu nhiên không khi các CLB đã và đang rất hăng hái trong trào lưu sử dụng “Tây nhập tịch” hiện tại đều không có thành tích tốt ở V-League, chẳng hạn như V.NB, ĐT.LA hay mới đây nhất là HN.ACB.
Nhật Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất