1.600 km hành trình vì Hoàng Sa, Trường Sa

14/09/2012 13:49 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Một ngày mưa tháng 3 năm 2011, tại ga Hà Nội, có hai chàng sinh viên năm thứ 2, nghỉ học, mua vé tàu loại rẻ nhất từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Hành trang họ mang theo là 4 triệu đồng và một ba lô to nặng trĩu với 1.500 tờ phiếu điều tra xã hội về nhận thức của giới trẻ với Hoàng Sa và Trường Sa.

Họ là Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc (Sinh viên khoa Khoa học Chính trị Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội), nhóm tác giả của đề tài nghiên cứu "Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay", đề tài nghiên cứu đạt giải Đặc biệt năm 2012 của Chương trình hỗ trợ nghiên cứu biển Đông do Học Viện Ngoại giao tổ chức.

Bản cam kết vì Hoàng Sa, Trường Sa

Hiệp nhớ lại: "Không biết có duyên thế nào, hai chúng tôi học cùng trường, cùng lớp, rồi lại trọ cùng phòng và cùng day dứt chuyện biển đảo nên thường xuyên trò chuyện chủ đề này. Một đêm mất ngủ cả hai mới tâm sự và tự hỏi, những người trẻ đều hướng về Hoàng Sa, Trường Sa của đất nước  bằng tất cả tấm lòng của mình nhưng mức độ hiểu biết cụ thể về hai quần đảo đó ra sao, rồi phải làm gì để tăng cường hiểu biết cũng như để nhân lên tình cảm với Hoàng Sa, Trường Sa? Rồi chúng tôi bật ra ý tưởng đi khảo sát nhận thức của giới trẻ trên khắp cả nước với Trường Sa và Hoàng Sa. Từ đó, chúng tôi muốn đưa ra kiến nghị về những giải pháp giáo dục phù hợp với từng độ tuổi từ học sinh tới sinh viên về biển đảo quê hương".



Cao Huy Hiệp (trái) và Nguyễn Bá Phúc (phải) đồng tác giả đề tài nghiên cứu "Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay"

Ngay trong đêm hôm đó, Hiệp và Phúc lên kế hoạch cho ý tưởng của mình, cụ thể nội dung khảo sát những gì, những điểm phải đến, chi phí chuyến đi… Sáng hôm sau, hai người làm văn bản "cam kết" theo đến cùng ý tưởng này và cùng ký tên. Trong đó có điều khoản, mỗi tháng hai người phải ăn tiêu dè xẻn để góp một số tiền vào quỹ chung.

Theo kế hoạch, mỗi người sẽ tích quỹ 5 triệu để có đủ tiền đi vào TP.HCM rồi ra Đà Nẵng, sau đó là Vinh cuối cùng mới ra Hà Nội. Song dù "bóp mồm bóp miệng" rất lâu, điều kiện tài chính của hai chàng sinh viên  vẫn không đủ số tiền đã định. Không lẽ lại bỏ cuộc, chắt bóp mãi, hai người được 4 triệu. Thế là xách ba lô và lên đường, thay vì tới TP.HCM rồi rẽ ngang dọc khắp cả nước, các bạn chỉ tới Đà Nẵng để điều tra.

"Điều tra" ở cổng trường

Gần 800 km ngồi ghế cứng từ Hà Nội, Đà Nẵng những ngày tháng 3, chào đón họ với nắng chói của biển miền Trung. Những người trai đất Bắc lần đầu đặt chân tới đây thấy háo hức vì sắp hiện thực ý tưởng đã chuẩn bị bao ngày. Chưa vội tìm nhà trọ, họ hồ hởi tới một số trường Đại học, Cao đẳng. Song, bước đầu các bạn đã bị từ chối bởi họ mới chỉ là sinh viên lại không có giấy giới thiệu.

Phúc kể lại: "Chưa tới mức muốn bỏ cuộc, nhưng chúng tôi thực sự hoang mang. Chúng tôi đã tính tới nhiều trường hợp như hết tiền, sự bất hợp tác từ các bạn trẻ, hoặc rủi ro mất phiếu điều tra trong balô. Vậy nên dù chỉ định phát 150 tờ, bọn mình mang cả 1.500 tờ đi, đấy là chưa kể mang cả laptop có file đầy đủ đi để in nếu cần".

Không vào tận giảng đường xin viết phiếu được thì họ đứng ngoài cổng. Thế là trong vài ngày, mấy cổng trường Đại học ở Đà Nẵng có hai chàng trai chạy như con thoi, thuyết phục, vận động từng người trả lời phiếu điều tra.

Những tấm lòng đồng cảm

Suốt mấy ngày ròng, Phúc và Hiệp đi xe ôm chạy vòng vòng các trường Đại học và các xưởng, các công trường khắp thành phố để có được những kết quả điều tra khách quan và trung thực nhất.

"Khi đi xe ôm đến Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, tôi xin số điện thoại của bác xe ôm để xong việc sẽ gọi bác đi tiếp. Song bác bảo đi xe ôm làm gì nhiều cho tốn tiền, bắt xe bus cho rẻ. Rồi bác hướng dẫn chi tiết bến đỗ và đường đi của xe bus theo lộ trình dự kiến của bọn mình" - Hiệp hào hứng kể về bác.



Sinh viên trường Cao đẳng Bách Khoa Đà Nẵng điền phiếu trắc nghiệm về Hoàng Sa – Trường Sa

Sau bác xe ôm "đuổi khách" buổi sáng, đến trưa, cô bác sĩ phòng y tế trường Trường Cao Đẳng Tài chính Thương mại Đà Nẵng thấy hai cậu sinh viên lạ phát phiếu điều tra, cô ra hỏi. Nghe hai bạn trẻ trình bày xong xuôi, cô bảo xong việc vào phòng y tế của cô nghỉ ngơi. Không có giấy giới thiệu để vào giảng đường phát phiếu thì cô sẽ dẫn lên ký túc xá".

Phúc và Hiệp đều kể rằng, điều họ thích thú nhất là khi gặp lãnh đạo trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng. Khi nghe qua ý tưởng bằng của hai bạn trẻ đất Bắc, Ban giám hiệu nhà trường lập tức đồng ý và tạo điều kiện tối đa để các bạn vào từng giảng đường vận động và phát phiếu điều tra.

"Khi trình bày xong ý tưởng của bọn mình, các bạn đều rất nhiệt tình hưởng ứng. Không phải chỉ ở trong giảng đường Cao đẳng Bách Khoa Đà Nẵng không thôi đâu mà ở cổng trưởng, ở các công trường, hay những nơi khác…cứ nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa là mọi người cùng nhiệt tình trả lời lắm" - Hiệp chia sẻ.

Mọi chuyện cứ thế êm xuôi qua 4 ngày, hai bạn đã có đủ số phiếu cần thiết và "rút quân" về Hà Nội làm tiếp theo vé khứ hồi mua sẵn. "Từ ga, bắt xe bus về nhà, hai thằng vừa vặn hết sạch tiền"- Hiệp cười ròn tan.

Sau 150 phiếu ở TP Đà Nẵng, các bạn phát tiếp 150 phiếu ở Hà Nội. Ở Hà Nội họ điều tra ở hai trường KHXH& NV Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi đã có đủ 300 phiếu, họ mới tổng hợp, phân tích số liệu rồi đưa ra những nhận xét.

Sản phẩm làm ra là đề tài nghiên cứu "Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay" sau một năm đã "đậu trái ngọt". "Giải đặc biệt năm 2012 của Chương trình hỗ trợ nghiên cứu biển Đông do Học Viện Ngoại giao tổ chức là một sự động viên rất lớn cho những nỗ lực của hai bạn trẻ.

"Chúng tôi muốn mở rộng thêm đề tài, đi nhiều hơn vùng miền, để có những khảo sát chất lượng hơn về thực trạng hiểu biết Hoàng Sa- Trường Sa của các bạn trẻ. Vì mình thấy các bạn trẻ hiểu biết còn ít về hai quần đảo này. Nhưng đến lúc này, tài chính vẫn là vấn đề với chúng tôi" - Hiệp trầm tư.

Đưa Hoàng Sa, Trương Sa vào chương trình đào tạo

Theo nghiên cứu "Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay": 82,7% số người được hỏi đều cho rằng chương trình giáo dục hiện nay về biển đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là thiếu cả về chất và lượng. 92% số người được hỏi đều cho biết việc đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào giảng dạy ở các bậc học, là việc làm hết sức cần thiết.

Phú Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm