Thông tin về liveshow Số phận của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang thu hút sự chú ý của dư luận, bởi không chỉ chi phí đầu tư rất lớn, ý tưởng độc đáo mà còn ở sự tham gia của hơn 250 nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, diễn viên, vận động viên và… 500 con bướm. Bạn đọc đã gửi một số thắc mắc: liệu khán giả tiếp xúc với bướm có hại cho sức khoẻ? Nếu bị bệnh thì có được Đàm Vĩnh Hưng bồi thường? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của êkíp thực hiện chương trình và các chuyên gia để giải thích cho vấn đề khá thú vị này.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang thả thử bướm bay trong sân khấu Lan Anh tối 8.7.
“Vẽ” đường cho bướm bay
Để chuẩn bị tốt cho tiết mục thả 500 con bướm trong chương trình chính thức diễn ra ngày 21, 22.7 tại sân khấu Lan Anh (TP.HCM), tối 8.7 êkíp của Đàm Vĩnh Hưng đã thực hiện buổi “bay phúc khảo” với hơn 200 con bướm thật. Theo thông tin từ êkíp thực hiện, 1.000 con bướm (500 con cho mỗi đêm diễn) đã được Đàm Vĩnh Hưng, đạo diễn Trần Vi Mỹ đặt hàng từ trại nuôi bướm làm tranh mỹ nghệ của nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Dự kiến vào 9 giờ sáng ngày 21.7, bướm sẽ nở từ trong kén, rồi khoảng 14 giờ bướm được chuyển máy bay xuống TP.HCM để kịp đêm diễn.
Sau thử nghiệm vào đêm 8.7, đạo diễn Trần Vi Mỹ cho biết việc thả bướm trong một tiết mục của liveshow xem ra rất ổn. Êkíp thực hiện đã dùng máy tạo tiếng côn trùng, máy tạo từ trường, quạt và thiết bị phát sáng để thu hút bướm bay về hướng sân khấu. “Theo quy luật tự nhiên, bướm sẽ bay theo hướng ánh sáng nên không khó để bướm tập trung về trên sân khấu chính. Những lo ngại như bay về hướng khán giả gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ khó xảy ra, vì ánh sáng trong khu vực khán giả trong tiết mục đó sẽ được tiết chế rất nhiều”, đạo diễn Vi Mỹ nói. Cũng theo đạo diễn Vi Mỹ, nỗi lo duy nhất của anh hiện nay là vào sáng 21.7, nếu trời Đà Lạt gặp mưa thì khả năng bướm sẽ bị… rụng cánh và như vậy, êkíp thực hiện phải tính toán phương án thay thế.
Có gì khán giả tự chịu!
Theo luật sư Nguyễn Thị Quỳnh, văn phòng luật Giải Phóng, chương trình biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sắp diễn ra là chương trình công khai, đã được cấp phép biểu diễn, nên nếu vô tình bất kỳ khán giả nào bị dị ứng với bụi phấn từ cánh bướm thì tự cá nhân ấy phải điều trị cho mình. Về mặt pháp lý, công ty cũng như ban tổ chức chương trình không có trách nhiệm trong vấn đề này. “Vì vậy, nếu biết rõ cơ địa dị ứng, hoặc có bệnh lý về da, khán giả không nên tham gia chương trình, hoặc đứng quá gần sân khấu kẻo vô tình gặp phải những hiệu ứng không tốt cho sức khoẻ”, luật sư Quỳnh nói. |
Muốn coi bướm, đừng mặc hở
Trao đổi với phóng viên, BS.CK2 Nguyễn Xuân Bích Huyên, nguyên trưởng khoa hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng phòng khám ngáy và ngưng thở lúc ngủ tại trung tâm Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng TP.HCM cho biết trong các loài côn trùng, bướm là loài ít gây dị ứng cho con người, ngoại trừ những trường hợp cơ địa đã có tiền sử dị ứng với phấn hoa, côn trùng, thời tiết. “Những người mắc các bệnh như hen suyễn, phổi, bệnh lý hô hấp nên hạn chế đến nơi có nhiều côn trùng, phấn hoa. Nếu không may gặp phải dị ứng do côn trùng, nhẹ có thể gây ho, ngứa thì không sao, nhưng nếu là bệnh nhân mắc hen suyễn, bệnh hô hấp thì nên mang theo thuốc sẵn trong túi, balô để dùng khi có bệnh, nếu cần thì tìm đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, điều trị”, BS Bích Huyên nói.
Theo ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu, đại học Y dược TP.HCM, những côn trùng như bọ xít, ong, kiến khoang nếu tiếp xúc, chích vào da người, có thể tiết ra chất độc gây dị ứng. Ngoài ra, sự tiếp xúc giữa da và bụi phấn hoặc chất tiết từ cánh côn trùng cũng có thể gây dị ứng cho da. Những trường hợp có làn da mẫn cảm, bị viêm da kích ứng thì càng dễ dị ứng khi vô tình tiếp xúc với các loài có cánh như bướm, nhất là ấu trùng của bướm. Nếu da bị dị ứng nhẹ có thể gây ngứa, nổi đỏ; nặng thì nổi ban đỏ, mụn nước, nóng rát. Đặc biệt trong thời tiết ẩm ướt, độ ẩm cao thì bệnh dễ phát sinh. “Nếu phát hiện bị dị ứng, bệnh nhân nên thay quần áo, tắm rửa vệ sinh cơ thể ngay. Sau đó, dùng thuốc (có chỉ định của bác sĩ da liễu) thoa vào vùng ngứa. Khi côn trùng bám trên da, nên tìm cách xua đuổi chúng, vì nếu diệt côn trùng ngay trên da, dịch của chúng sẽ tiết ra gây bệnh. Với những người dễ bị viêm da, nên mặc đồ kín hoặc hạn chế đến nơi có nhiều côn trùng”, BS Vân Thanh lưu ý.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị