Con hổ và dấu ấn trong đời sống văn hoá Việt

28/01/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong văn hoá Việt Nam, hổ là một trong 12 linh vật theo lịch phương Đông, là con vật dũng mãnh, biểu tượng của sức mạnh vô song, có uy quyền nhất, buộc tất cả các loài thú trong núi rừng phải khuất phục.

Loạt linh vật hài hước: Hổ Đồng Nai 'hờn cả thế giới'

Loạt linh vật hài hước: Hổ Đồng Nai 'hờn cả thế giới'

Chỉ còn ít ngày nữa mọi người sẽ chính thức đón Tết Âm lịch, chào đón 1 năm mới với mong ước gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Mỗi năm, cứ gần tới Tết, dân tình lại bàn tán xôn xao trước những linh vật được làm để trang trí.

Cùng với diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến văn học, mỹ thuật…

Hình tượng hổ trong tín ngưỡng của người Việt   

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ là loài vật linh thiêng, được tôn thờ, sùng bái và gọi một cách trân trọng là ông, ngài, cậu, chúa… Thần hổ uy linh và đầy huyền bí đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, trở thành nhân vật được thờ cúng ở rất nhiều điện, đền, phủ… Trong điện thờ đạo Mẫu Việt Nam, Thần hổ được thờ cúng với tư cách là một sơn thần, có ban thờ riêng với một số nghi thức, nghi lễ đặc trưng.   

Tục thờ cúng Thần hổ của người Việt có nguồn gốc sâu xa từ việc con người phải đối đầu với nhiều loài động vật hung hãn, ghê sợ trong quá trình sinh tồn và phát triển. Tâm lý sợ hãi những loài động vật có quyền uy đã tác động trực tiếp đến việc tôn sùng, lễ bái động vật của con người. Việc phụng thờ Thần hổ chính là một cách giải tỏa tâm lý, tâm linh. Mặt khác, trong thời kỳ sơ khai, khi trình độ nhận thức của con người còn hạn chế, người ta không thể giải thích được tường tận, thấu đáo nhiều hiện tượng đang diễn ra, vì vậy họ đã đi tìm lời lý giải trong trí tưởng tượng.

Chú thích ảnh
Bình rượu hình con hổ chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Lê Ngọc Phước- TTXVN

Cách giải thích nguyên sơ cho rằng, con người được sinh ra từ một loài động vật nào đó, tôn sùng và coi là vật tổ đã được toàn thể cộng đồng chấp nhận. Một vài dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như họ Hoàng, Lường, Lộc của người Thái coi hổ là vật tổ; họ Lò, Cầm thờ quạ, họ Hà thờ cuốc... Bên cạnh đó, thờ hổ cũng là vật tổ của một số dân tộc như: Khơ mú (Tây Bắc, miền tây Nghệ An), Tà Ôi (vùng núi phía tây miền Trung), Cor (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi)…   

Từ việc tôn sùng hổ, một số dân tộc đã coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống. Con người đã thần thánh hóa vai trò của hổ để tạo biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng. Người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ) có nghi lễ cúng ma nhà (hrôigang). Họ diễn lại các động tác của vật tổ vào dịp tết Nguyên đán, hội hè…, kiêng động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú khóc than thật sự như tổ tiên mình qua đời. Đặc biệt, người ta đặt bên cạnh người chết một chiếc chăn giống màu lông hổ, để hồn được siêu thoát, trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.   

Ở nhiều gia đình Việt Nam ngày nay vẫn treo tranh thờ ngũ hổ như một lá bùa trấn tà ma. Tranh hổ thường được treo chính giữa gian thờ hoặc dưới ban thờ thần thổ công. Khi treo tranh luôn phải chú ý đến địa điểm, tránh treo gần nơi ăn ngủ, tốt nhất là thẳng gian chính điện. Một số gia đình kỵ treo tranh thờ riêng một thần hổ, đó phải là Hoàng hổ mới an thịnh, nếu không phải thờ ngũ hổ. Theo quan niệm dân gian, ngũ hổ có thuật biến hóa khôn lường.   

Ngoài việc thờ hổ để cầu sức khỏe, bình an, trong tín ngưỡng tâm linh, người ta còn cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở theo quy luật trời đất. Từ xưa dân ta đã cho rằng thần hổ trấn bốn phương, bốn cõi, có uy quyền trong tay, vạn vật có sinh tồn được hay không là do ngài phán quyết. Việc thờ thần hổ còn ngụ ý mong cho gia đình sung túc, mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, vật nuôi trong nhà được hưng thịnh. Như vậy, có thể thấy, hổ có vị trí, vai trò rất đặc biệt trong mọi mặt đời sống xã hội.

Chú thích ảnh

Hình tượng hổ trong văn hóa dân gian và các loại hình nghệ thuật   

Hổ đi vào đời sống dân gian, lưu dấu ấn qua phương thức truyền miệng. Theo thống kê sơ bộ, người Việt có khoảng 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca có liên quan đến loài hổ.   

Khi nói về người có tướng giỏi, khỏe mạnh người ta có câu “mình hổ, tay vượn”. Ca ngợi tình sâu nghĩa nặng của cha mẹ với con cái, dân gian ví “hùm dữ không ăn thịt con”. Đặc biệt, ông bà cũng thường khuyên răn con cháu phải tu nhân tích đức, xử thế cho phải đạo. “Hổ chết còn để lại da/ Người ta chết để lại tiếng”, mục đích khuyên răn mọi người sống ra sao để có thể lưu lại mãi tiếng thơm cho đời, được người đời ca ngợi chứ chớ để lại tiếng xấu mà người đời trách móc, cười chê.  

Chú thích ảnh
Bức tranh "Ngũ Hổ lệch" được vẽ bằng tay trên giấy gió, sử dụng kĩ thuật dát vàng

Trong quan hệ giao lưu, bè bạn hay đối tác làm ăn, người ta thường có câu: “Họa hổ, họa bì, nan hoả cốt/Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” (Có nghĩa là: Vẽ da hổ thì dễ, vẽ xương hổ thì khó. Cũng như có thể biết mặt người nhưng chẳng thể đoán được lòng dạ con người ra sao). Do đó, ông cha khuyên chúng ta không thể nhìn hình thức bên ngoài để đánh giá bản chất con người mà quan trọng hơn là phải tìm hiểu, điều tra cũng như cẩn trọng trong việc chọn bạn mà chơi, tìm đối tác để giao thiệp, làm ăn.    

Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều truyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại; là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ để họ viết, vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật lớn. Ở nước ta, tác phẩm hội họa dân gian tiêu biểu nhất vẽ về hổ mang tính cộng đồng thuộc về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tranh Hàng Trống khắc họa hình tượng ngũ hổ, còn được gọi là tranh ông Năm Dinh. Hình tượng ông Năm Dinh sau được kết hợp độc đáo trong bản điện thờ tín ngưỡng tam, tứ phủ với đủ phong cách thể hiện.   

Hình tượng hổ không những phổ biến trong tranh dân gian, mà còn được thể hiện trong các điêu khắc cổ bằng đá và bằng gỗ. Tiêu biểu hơn cả là tượng hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình) là một tác phẩm nghệ thuật đẹp trong nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam.

Hình ảnh hổ cũng được thể hiện trên một số cổ vật bằng đồng và gốm sứ. Chẳng hạn trên một số choé, lọ sứ Móng Cái vẽ cảnh một con đại bàng đậu trên cành cây cùng một con hổ đứng dưới đất với ý nghĩa anh hùng tương ngộ. Hay như trên một số bình đồng hình con tiện, trên vai gắn một đôi mặt hổ phù ngậm vòng...   

Trong nghệ thuật múa, người ta cố gắng thể hiện những động tác diễn tả lại hành động của hổ với những cử chỉ hết sức tinh tế. Điệu múa “Long hổ hội” là đỉnh cao nghệ thuật múa của nghệ nhân cung đình Huế. Bên cạnh đó, hầu đồng, một trong nghi lễ thờ tam, tứ phủ cũng có giá đồng hầu ngũ hổ. Nghệ thuật miêu tả lại sức mạnh thần hổ thể hiện rất rõ trong nghi lễ này.   

Trong võ thuật, hình ảnh con hổ thể hiện khả năng chiến đấu, sự hung hãn, tinh ranh, xảo quyệt liều lĩnh cũng như bản năng tự vệ và chiến đấu cao, oai phong lẫm liệt, không chịu khuất phục….   

Diệp Ninh/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm