Chương trình Giai điệu Tự hào tháng 5: Sẽ vẫn 'nóng' từ đối thoại

13/05/2014 07:47 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Góp mặt trong thị trường các chương trình giải trí đang nở rộ trên truyền hình, tưởng như Giai điệu tự hào (phiên bản Việt của Tài sản quốc gia) đang đi ngược với xu thế giải trí hiện nay khi trở lại với những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng. Tuy nhiên, sau bốn số phát sóng (diễn ra vào thứ 7 cuối cùng của tháng), chương trình đã có được những hiệu ứng đa chiều với khán giả khi đưa đến những bất ngờ từ cách thể hiện âm nhạc cho đến những nội dung tranh luận trên trường quay.

Dám “mổ xẻ” về đời sống xã hội, về lịch sử qua những ca khúc trên truyền hình là những điểm lần đầu có ở một chương trình ca nhạc như Giai điệu tự hào. Vì vậy, không như những chương trình âm nhạc khác chọn âm nhạc là chủ thể, với Giai điệu tự hào, có lẽ những màn tranh luận của các khách mời mới là phần thu hút nhất đôi tai của khán giả.

Từ tranh cãi…

Sự cộng hưởng từ những thước phim lịch sử về đời sống gắn liền với những ca khúc kinh điển, hay cách dàn dựng các tiết mục cũng chính là “gia vị” khơi gợi các khách mời vào cuộc “phát ngôn”. Và dù là lời khen hay chê của những khách mời nổi tiếng, chương trình cũng đã đem đến sự thú vị, làm thỏa mãn trí tò mò của khán giả.

Như trong chương trình số 3, khi bình luận ca khúc Một đời người, một rừng cây, nếu nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng: “Chúng ta đừng nghĩ nhiều tới quá khứ” thì PGS Nguyễn Thị Minh Thái lại cho rằng: “Không thể quên được, chỉ nên khép lại quá khứ”. Còn với họa sĩ Đinh Công Đạt, anh nhìn nhận “nếu tách phần lời triết lý của ca khúc ra thì xét về phần nhạc, đây là một bản nhạc rất buồn chán và rất tệ”.


Màn song ca của hai thế hệ: NSND Thanh Hoa và ca sĩ trẻ Dương Hoàng Yến trong Giai điệu tự hào số 4

… đến “phản ứng” với thử nghiệm

Cũng không chỉ dừng lại ở phần đối thoại, với phần âm nhạc của chương trình, việc mang tư duy âm nhạc hiện đại vào những ca khúc kinh điển theo cách làm của đạo diễn âm nhạc Quốc Trung hay Thanh Phương đều “gây ra” phản ứng.

Ở những số đầu, nhạc sĩ Quốc Trung đã thử nghiệm rap hiphop với ca khúc Tiến lên chiến sĩ đồng bào, bản phối rock với Đất nước trọn niềm vui, phong cách dance dubstep với Tàu anh qua núi…, đến nhạc sĩ Thanh Phương (chương trình số 4 Ăn no đánh thắng), anh tiếp tục làm mới Hò kéo pháo với rock, guitar, Lên ngàn với bản phối cổ điển.

Tuy nhiên, không phải cứ làm mới là được đón nhận vì không khó để nhận thấy, trong đa số các trường hợp, nếu giới trẻ hào hứng trước sự phá cách thì lớp già lại lắc đầu ngao ngán. Chỉ hiếm những màn trình diễn được thể hiện bởi những ca sĩ trẻ, với phong cách mới như Thu Minh với Tàu anh qua núi hay Tùng Dương với Ca ngợi Hồ Chủ Tịch là được cả “già và trẻ” đều gật đầu tán thưởng.

Một không gian phê bình mới?

Nếu nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa phê bình một cách trực diện vốn không phổ biến ở đời sống hiện nay, thì Giai điệu tự hào đã công khai, mở ra một không gian mới dành cho văn hóa phê bình âm nhạc? Tuy nhiên, có lẽ vì chương trình phát sóng gián tiếp nên phần “kiểm duyệt” đã làm mất đi cao trào trong nhiều cuộc tranh luận.

Ở khía cạnh âm nhạc, cũng phải thấy rằng, những ca khúc của Giai điệu tự hào không chỉ gắn liền với giai đoạn lịch sử một thời, gắn liền với đời sống của nhiều lớp người, mà còn gắn liền với cả một thế hệ những nghệ sĩ “anh tài”. Nên nếu mong chờ một lối trình diễn nguyên bản với những ca khúc này, thì quả thật là làm khó cho nghệ sĩ thời nay. Hơn nữa, giá trị nhất với những ca khúc “tự hào” là luôn sống được ở mọi thời đại. Và việc làm mới của ê-kíp chương trình khi được khán giả trẻ đón nhận, đó mới thực sự là thành công bởi không ai khác, chính khán giả trẻ mới là những “sợi” dây kết nối giữa các thế hệ.

Giai điệu tự hào số 5 - Bé bé bằng bông (dự kiến phát sóng lúc 20h15 ngày 31/5 trên kênh VTV1), sẽ được thể hiện qua những ca khúc hay nhất của thiếu nhi qua các thời kì như Đi học, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Bé bé bằng bông, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Mùa hoa phượng, Lỳ và Sáo…

Chương trình tiếp tục đưa ra những chủ đề tranh luận: Liệu có bất nhẫn khi giảng dạy cho trẻ em về những mất mát, đổ máu của chiến tranh, dạy trẻ em về sự hận thù, phe phái trong cuộc chiến.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm