Con đường 50 năm của WTA

25/02/2023 17:10 GMT+7 | Thể thao

Một trong những sự kiện đáng chú ý của Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) là cột mốc tròn 50 tuổi. Đó là quãng thời gian đủ để tất cả nhận ra con đường đưa quần vợt chuyên nghiệp đến với phái nữ chông gai ra sao.

Trước khi nhắc về thời điểm ra đời của WTA, quần vợt chuyên nghiệp nữ đã có những bước tiến mạnh mẽ từ năm 1970. Đó là thời điểm một hệ thống giải đấu có tên Virginia Slims Circuit ra đời (tiền thân cho hệ thống WTA Tour hiện nay). Lúc đầu, đó chỉ là hai sự kiện có tổng giá trị giải thưởng chỉ ở mức 15.700 USD trước khi tăng dần tiệm cận với các nam đồng nghiệp.

WTA ra đời cùng nhận thức bình đẳng giới

Điều trùng hợp là quá trình ra đời WTA lại đi song hành với những thay đổi về nhận thức xã hội về phụ nữ ở Mỹ. Susan Ware, một nhà sử học và là tác giả cuốn sách với tựa tạm dịch: "Trận đấu quần vợt: Billie Jean King và Cuộc cách mạng trong thể thao cho phụ nữ" chia sẻ: "Chuyển dịch nhận thức xã hội về phụ nữ đã đi theo một quy luật riêng. Quần vợt chuyên nghiệp nữ may mắn có được khoảnh khắc bùng nổ vào giai đoạn đầu những năm 70 (của thế kỷ trước). Đó là một thời khắc chuyển giao quan trọng cho thể thao phụ nữ trên phạm vi toàn cầu".

Không hề nhầm lẫn chút nào, bởi tháng 12/1971 là quãng thời gian tạp chí dành cho phái đẹp có tên Ms Magazine ra đời. Số đầu tiên của cuốn tạp chí này có hình trang bìa là Nữ thần chiến binh, một siêu anh hùng hư cấu trong những bộ truyện tranh của Mỹ. Một năm sau đó là việc Luật bình đẳng giới được nhiều tiểu bang ở Mỹ thông qua, mở đường cho sự bình đẳng giữa nam và nữ trong thể thao.

Vậy đâu là nhân vật mang đến bước tiến mạnh mẽ mở đường cho sự ra đời của WTA? Đó là một nữ ký giả tờ New York Times có tên Grace Lichtenstein. Khi được một nhà xuất bản ngỏ lời viết một cuốn sách về giải đấu quần vợt dành cho nữ giới, Lichtenstein đã mô tả giống như một nền văn hóa quần vợt, gắn vào trong cuốn sách cá tính của các tay vợt, khả năng tiếp cận giải đấu cũng như thế giới ngầm bên trong giải đấu ấy. Chính bà cũng không thể ngờ cuốn sách ấy lại mở đường để WTA ra đời vào tháng 6/1973, ngay trước thềm giải Wimbledon: "Tôi không hề nghĩ năm 1973 lại là bước ngoặt cho làng quần vợt nữ. Đó là thời điểm các tay vợt chuyên nghiệp nữ trỗi dậy mạnh mẽ nhất". Ngay khi WTA ra đời được vài tuần, US Open trở thành giải Grand Slam đầu tiên thiết lập tiền thưởng cân bằng giữa các nam và nữ tay vợt.

Con đường 50 năm của WTA - Ảnh 1.

Sự ra đời của WTA năm 1973 chính là bước tiến rõ nhất cho tiếng nói mạnh mẽ của các nữ tay vợt

WTA Tour và bước ngoặt trận đấu Riggs-King

Đã có rất nhiều cuốn sách ra đời sau cảm hứng từ Lichtenstein, trong đó có một cuốn sách có tựa "Court Hustler" do cựu tay vợt Bobby Riggs, một nhà vô địch trong giai đoạn thập kỷ 30-40, chắp bút. Năm 1973, bà Riggs từng chơi các trận biểu diễn với hai tay vợt nữ hàng đầu thế giới thời điểm ấy là Margaret Court và Jean Billie-King. Trong đó, trận đấu giữa Riggs và King chính là thời khắc quan trọng để quần vợt nữ chuyển mình.

Theo lời nhà sử học Ware, trận đấu giữa Riggs và King là khoảnh khắc tất cả bắt đầu nói về những vấn đề của phụ nữ bao gồm tranh luận về những điều phụ nữ làm và không được làm. Từ những vấn đề thường nhật như việc các ngân hàng từ chối cấp thẻ tín dụng cho phụ nữ độc thân, các giám đốc có thể sa thải một phụ nữ mang bầu cho đến vấn đề liên quan đến thể thao như việc các cô gái liệu có được phép chơi bóng chày, làm thế nào các nữ ký giả có thể viết tin bài về thể thao. Chừng đó vấn đề về giới đủ khiến nhiều người nghi ngờ trận đấu quần vợt giữa Riggs và King có thể bị lu mờ. Trận đấu ấy còn được gọi dưới cái tên mĩ miều: "Cuộc chiến về giới tính" diễn ra trong thời điểm các nhà đài có quá nhiều lựa chọn về thể thao, như kênh ABC là các sự kiện về thể hình và quyền anh, còn Thế vận hội khi ấy cũng thu hút lượng xem khổng lồ.

Bà Ware giải thích về tính hấp dẫn của trận đấu quần vợt này: "Đó là cuộc đấu giữa một tay vợt có hiểu biết về truyền thông và một tay vợt có sức hút với truyền thông". Theo lời bà, Riggs đại diện cho một hình mẫu hiểu biết về phụ nữ, trong khi King mang đến tiếng nói không chỉ cho quyền chơi thể thao của phụ nữ nói riêng, mà còn là bình đẳng giới nói chung. Rốt cuộc, hiệu ứng của trận đấu quần vợt này đã vượt xa mong đợi. King đã đánh bại Riggs sau ba séc đấu với các tỷ số 6-4, 6-3, 6-3 trong một trận đấu thu hút đến 30.492 khán giả theo dõi trực tiếp trên sân và 90 triệu lượt theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Ngày 20/9/1973, thời điểm diễn ra trận đấu quần vợt ấy, bỗng chốc trở thành thời khắc lịch sử đáng nhớ cho quần vợt nữ thế giới.

Chiến thắng của King vì thế không chỉ đơn thuần là một trận quần vợt thuần túy. Nó mở ra những nhận thức mới về quần vợt nữ và cả sự ra đời của WTA, tổ chức đang là ngôi nhà của những tay vợt nữ hàng đầu thế giới. 

 Đức Hùng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm