Con cá của ông Táo

24/01/2019 06:52 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ vài hôm nữa là tới ngày 23 tháng Chạp - thời điểm mà chúng ta làm lễ cúng ông Táo về trời.

Năm nay nên cúng ông Công, Ông Táo vào giờ nào, ngày nào?

Năm nay nên cúng ông Công, Ông Táo vào giờ nào, ngày nào?

Năm 2019, giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp là trong khung giờ 9 - 11 giờ sáng, không nên cúng sớm trước vào ngày 22 tháng Chạp.

Dám chắc, với người Việt, chẳng ai không biết tới truyền thuyết Táo quân - vị thần cai quản bếp núc mỗi nhà - lên trời để thưa với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong năm dưới trần gian. Và tất nhiên, cũng chẳng ai xa lạ với con cá chép - vốn được coi là “ngựa” đưa ông Táo lên Thiên đình, như cách gọi của học giả Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục viết đầu thế kỷ XX.

Nhưng, con cá chép mà rất nhiều gia đình sắp mua ấy cũng mang theo nó nhiều câu chuyện đặc biệt.

Như cách lý giải đang được chấp nhận, tục cúng Táo quân bắt nguồn từ việc thờ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của đạo Lão tại Trung Hoa. Để rồi, du nhập vào Việt Nam, tập tục này được “bản địa hóa” bằng truyền thuyết rất cảm động về tình nghĩa vợ chồng của nàng Thị Nhi và hai chàng Trọng Cao, Phạm Lang.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Và, dịp cuối năm, khi tiễn một ông Táo “tượng trưng” lên thiên giới, chúng ta lại có thêm một sáng tạo nữa khi cúng bằng cá chép - thay vì cúng ngựa giấy và thủ lợn như tại Trung Quốc.

Theo giới nghiên cứu, sáng tạo này đến từ sự tâm đắc của người Việt với truyền thuyết cá chép hóa rồng khi vượt vũ môn - vốn được coi là biểu trưng của tinh thần bền chí vượt khó để thăng hoa và thành công lớn.

Dù vậy, không tư liệu nào ghi rõ trong quá khứ, người Việt “dâng” cá chép để cúng ông Táo theo hình thức nào - khi mà ở hiện tại, chúng ta thường có hai hình thức phổ biến là phóng sinh (cá sống) và hóa vàng (cá bằng đồ mã).

Chỉ có một điều chắc chắn: trong ngày này, có những gia đình chỉ cúng ông Táo mà không phóng sinh cá sống lẫn hóa vàng cá giấy. Xa hơn, trong quá khứ, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, mâm cơm cúng ông Táo còn được giản lược để thay bằng gạo, muối hoặc đĩa trầu quả cau. Như lời các chuyên gia văn hóa, đó là điều bình thường và hoàn toàn có thể chấp nhận, miễn là gia chủ thành tâm.

***

Bây giờ, cuộc sống tốt hơn, nhưng cũng phức tạp hơn. Chuyện gửi gắm thêm những cầu mong, kì vọng vào lễ cúng ông Táo là điều tất yếu. Không chỉ cá chép đỏ, cá chép vàng nghệ, có những gia đình có điều kiện còn mua hẳn chép Koi - giống cá chép đỏ vốn được coi là “quốc ngư” của Nhật Bản - với giá không rẻ. Và khi cúng xong, có người phóng sinh và cũng có người tiếp tục bỏ chép Koi vào bể cá cảnh để nuôi cho không lãng phí.

Rồi, bên cạnh cá chép “mã”, nhiều gia đình vẫn hì hục sắm vô vàn “phụ kiện” đồ mã khác như vàng, tiền, hình nhân, ô tô… - dù nhiều chuyên gia từng lên tiếng rằng ngoài cá chép và mũ táo quân, những món vàng mã ấy không hề có trong tập tục.

Riêng người viết quan tâm tới một câu chuyện khác. Đều đặn mỗi năm nay, vào “Tết ông Táo”, dư luận lại rộ lên câu chuyện bảo vệ môi trường. Bởi sau khi phóng sinh, rất nhiều túi nilon đựng cá vẫn được thoải mái xả xuống sông, hồ, ao trong nội thành. Thậm chí, để cho tiện, có những trường hợp cá phóng sinh được ném xuống hồ trong tình trạng vẫn còn nguyên túi nilon nước bao ngoài.

Và, để tránh tình trạng ấy, vào mỗi dịp 23 tháng Chạp, người ta lại thấy những nhóm tình nguyện trẻ cùng túc trực ở các mặt hồ trong nội thành để thu gom túi nilon với biểu ngữ nhắc nhở trên tay.

***

Như thế, quanh chuyện con cá, ta có thể thấy được sự thay đổi về nhu cầu, cũng như nền kinh tế của một xã hội đang phát triển. Xa hơn, ta cũng vừa chứng kiến vấn nạn của xã hội hiện đại - khi túi nilon bịxả bừa bãi - và vừa thấy được sự quan tâm tất yếu của cộng đồng với một chuyện cũng rất thời sự: bảo vệ môi trường.

Điều ấy hoàn toàn phù hợp với lý thuyết rằng các tập tục lễ tiết văn hóa luôn có sự biến đổi phong phú, đa sắc màu theo thời gian, không gian - và cả chủ thể hành lễ.

Chỉ mong, trong sự biến đổi ấy, cái tinh thần “lễ đa không qua tâm thành” của những tập tục văn hóa Việt vẫn luôn giữ được.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm