Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Người bật đèn xanh cho “xé rào phát triển”

27/06/2015 08:17 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày đầu sau giải phóng, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng gặp nhiều khó khăn. Thực trạng này đặt ra bài toán khó cho những vị lãnh đạo thành phố ở thời điểm đó. Lúc đó, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh cùng với tập thể Thành ủy đã có những cách làm mới để đưa thành phố đi lên, đặt nền móng cho những đổi mới mạnh mẽ của đất nước sau này.

(LTS) Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, hai lần trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh - người thường được gọi bằng những cái tên trìu mến, thân thương như Anh Mười Cúc, Chú Út, Chú Mười Cúc đã luôn bám sát thực tiễn, tổng kết những cách làm hiệu quả, rút ra những bài học kinh nghiệm để lãnh đạo thành phố vượt qua thử thách của những năm đầu giải phóng, thời kỳ đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn sinh động của thành phố, đồng chí đã góp phần tạo nên những tiền đề quan trọng cho việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta.

Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí (1/7), Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu loạt 2 bài viết về những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.


Bật đèn xanh cho “xé rào phát triển”

Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý chi phối nên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh chịu hậu quả nặng nề nhiều mặt. Chính quyền cách mạng phải đương đầu với vô vàn thử thách như thiên tai, chiến tranh biên giới, các thế lực trong và ngoài nước liên tục chống phá. Sự thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh tế, xã hội, quản lý đô thị đã gây trở ngại cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển thành phố.

Để ổn định tình hình chính trị, xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng với tập thể lãnh đạo thành phố tập trung giải quyết nhiều vấn đề cấp bách. Đồng chí đã xuống tận cơ sở, thâm nhập các khu dân cư, dự họp với các phường, xã, tổ dân phố để trao đổi cách tháo gỡ tình hình. Đồng chí cũng dành nhiều thời gian tham khảo ý kiến các chuyên gia về phương hướng đổi mới quản lý kinh tế của thành phố, ủng hộ những mô hình tiên tiến trong sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lúc này trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số mô hình “bung ra”, đổi mới sản xuất và kinh doanh với việc áp dụng chế độ khoán lương sản phẩm như các xí nghiệp dệt Thành Công, dệt Thắng Lợi…Qua nghiên cứu khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề nghị Thành ủy cho phép nhân rộng mô hình; đồng thời phát triển ra ngoài phạm vi thành phố bằng việc liên kết với xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp trung ương; bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, buôn bán với nước ngoài. Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó, muốn sản xuất “bung ra” thì các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp.


Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ lãnh đạo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Khánh-TTXVN

Đánh giá về thời kỳ đó, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhờ sự chỉ đạo năng động, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền Thành phố mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Linh, sau một thời gian ngắn, tình hình sản xuất lưu thông, phân phối hàng hóa trên địa bàn đã có những bước chuyển động lớn, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất “bung ra”. Trong giai đoạn này, đã có hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động vượt qua những quy định không còn phù hợp về phát triển kinh tế để giải phóng sức sản xuất, giải tỏa phân phối lưu thông.

Theo ông Lê Hoàng Quân, thành phố cũng đã mạnh dạn thử nghiệm kế hoạch 3 phần và mở rộng xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có để chủ động nhập khẩu vật tư nguyên liệu, tự cân đối sản xuất cho địa phương, đồng thời bổ sung cho các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn. Thành phố đã chủ động liên kết với các địa phương có sản phẩm nông nghiệp để thực hiện mối quan hệ công – nông nghiệp – thương mại, tạo ra nông sản phẩm xuất khẩu. Việc thử nghiệm này mang lại kết quả to lớn, giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện, Thành phố có nguồn hàng hóa phục vụ cho mạng lưới thương nghiệp bán lẻ.

Từ việc “xé rào" để tìm chân lý từ thực tiễn của cuộc sống và trong công tác lãnh đạo, có thể thấy rõ dấu ấn nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc góp phần kiến tạo đường lối đổi mới của Đảng trên lĩnh vực kinh tế, tập trung ở các nghị quyết quan trọng. Ông Lê Hoàng Quân khẳng định, Đảng bộ và chính quyền Thành phố, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vừa biết căn cứ vào đường lối của Đảng, vừa biết bàn bạc với quần chúng, tổng kết cách nghĩ, cách làm của quần chúng, đúc kết thành kinh nghiệm, chỉ đạo thực nghiệm, rút ra lý luận.

Ông Lê Hoàng Quân khẳng định, bằng cả lý luận và thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh được coi là một trong những người có công đầu trong việc tìm tòi, khai phá con đường đổi mới ở nước ta.

Kiên định con đường đổi mới

Từ điển hình xí nghiệp dệt Thành Công, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng “Chỉ có một Thành Công không đủ mà phải cả trăm, cả nghìn cơ sở như vậy, thành phố tiến mạnh vào mục tiêu chống quan liêu bao cấp, tháo gỡ để sản xuất bung ra, hiệu quả kinh tế tăng lên; đồng vốn, tay nghề của người thợ, của tiểu chủ thành phố phải được huy động, công nhân phải có việc làm” và đề nghị phải nhân rộng mô hình.

Sau khi thảo luận trong Ban thường vụ Thành ủy và chính quyền thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã chấp nhận việc lập một hình thức sinh hoạt diễn đàn gọi là “Câu lạc bộ giám đốc” và cử Trưởng ban Công nghiệp Thành ủy làm chủ nhiệm. Buổi sinh hoạt đầu tiên đã có 80 giám đốc các cơ sở xản xuất tham dự để nghe Giám đốc xí nghiệp dệt Thành Công báo cáo kinh nghiệm, cùng thảo luận, rút ra những bài học về quản lý tổ chức sản xuất. Sau đó, theo đề nghị của Câu lạc bộ giám đốc, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 34 về hoạt động của các xí nghiệp công nghiệp nhỏ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nền kinh tế thành phố đã có những bước chuyển động lớn, mang tính đột phá, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất gia đình trước đó bị đình trệ đã được khôi phục và hoạt động trở lại, một số mô hình công tư hợp doanh mới được thử nghiệm.

Những chủ trương “cởi trói” trên của Thành phố đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong giải phóng sức sản xuất, động viên tinh thần lao động của quần chúng nhân dân. Nhớ lại điều này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết “Chúng tôi tiến hành làm thử một số việc như lập hợp tác xã công, nông, thương, tín, cho sản xuất và cho xuất khẩu một số mặt hàng tiêu dùng sang các nước Đông Nam Á, cho xí nghiệp vay vốn để tự mua nguyên liệu, tự cân đối sản xuất; hủy bỏ việc bán gạo hai giá, bỏ luôn cả cách phân phối gạo hai cấp… Các công việc này có tiếng vang ra ngoài thành phố”. Những chủ trương của thành phố đã tháo gỡ khó khăn, hé mở những hướng đi mới cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng điều đó cũng phát sinh nhiều hiện trạng lộn xộn, tiêu cực… khiến cho quan điểm bảo thủ lúc bấy giờ đặt lại vấn đề, phê phán gay gắt cách làm của thành phố…

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Thị Gấm, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị khu vực II, Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chính lúc đó, bản lĩnh, kinh nghiệm, sự tâm huyết, tỉnh táo, tính kiên nhẫn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được thể hiện. Đồng chí cho rằng “Cái mới không dễ được sớm chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả, mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành đất nước theo lề lối cũ”.

Nhận định về người Bí thư Thành ủy đã gắn bó với thành phố trong những năm đầu sau giải phóng, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong bước ngoặt lịch sử, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện sự dám nghĩ, dám làm, một khi đã thấy cái cũ không còn phù hợp, cản trở thì kiên quyết thay đổi. Còn đổi mới thế nào thì sẽ có lời giải qua thực tiễn. Chính thực tiễn năng động sáng tạo của thành phố đã góp phần hình thành đường lối đổi mới và hoàn thiện dần cơ chế quản lý kinh tế - xã hội.

Bước ngoặt “Sự kiện Đà Lạt"

Từ thực tiễn, sau khi trở lại cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng các đồng chí lãnh đạo ở thành phố bàn bạc, trao đổi, tìm cách thay đổi cách làm ăn cũ. Trước hết, nhằm giải quyết tình hình căng thẳng về lương thực phục vụ đời sống nhân dân, thành phố quyết định thành lập các tổ thu mua lương thực ngoài kế hoạch ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoặc trao đổi lương thực với xăng dầu, vải, thuốc… Từ cơ sở này, thành phố xin được thành lập Công ty Kinh doanh lương thực đầu tiên của cả nước và từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp lương thực. Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa IV) và Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, Thành phố đã đề ra chủ trương, phương hướng toàn diện đối với nông thôn ngoại thành.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Thị Gấm phân tích, sau một thời gian tìm tòi năng động, nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển động lớn, mang tính đột phá, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất đình trệ đã được khôi phục lại, làm ăn có hiệu quả, đưa tổng giá trị sản lượng của thành phố năm 1984 tăng lên 78% so với năm 1976. Từ những kết quả bước đầu theo hướng gắn hiệu quả sản xuất, kinh doanh với người lao động và thị trường, tháng 7/1983 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã báo cáo thực tế “làm ăn đổi mới” của một số xí nghiệp với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, đồng thời mời các đồng chí tới thăm những cơ sở sản xuất năng động của thành phố. Đây được xem là “bước ngoặt” trong công cuộc đổi mới tại Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó và cả nước sau này.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ thành phố (4/1983) xác định nhiệm vụ nông thôn ngoại thành có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo lương thực và thực phẩm cho nhân khẩu nông nghiệp, đảm bảo một phần nhu cầu thực phẩm cho nội thành, một phần nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tham gia xuất khẩu. Đi vào thực tiễn, thành phố đã tiến hành cải tạo nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn và gắn với cải tạo công thương nghiệp để sản phẩm nông nghiệp không qua tay tư thương, đưa công nghiệp và khoa học - kỹ thuật đến với nông nghiệp, nông thôn hình thành mối liên kết công – nông khá chặt chẽ.

Đánh giá về "Sự kiện Đà Lạt", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là sự kiện có vai trò rất lớn trong việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới mà đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong số những người đóng góp công sức rất lớn.

Anh Tuấn - Tiến Lực (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm