12/06/2022 19:13 GMT+7 | Văn hoá
Vàng (Au) là là một nguyên tố nhóm 11 với số nguyên tử cao tồn tại ngoài tự nhiên, khá hiếm và có một số tính năng rất đặc biệt - đó là kiến thức mà ta học ở trường phổ thông. Ta biết đến nó không chỉ là vật liệu đúc tiền, làm đồ trang sức hay tác phẩm nghệ thuật. Vàng có thời được coi như tiêu chuẩn của tiền tệ, thậm chí còn ẩn chứa trong vũ khí hạt nhân...
Trong những bản trường ca bất hủ của mình, Homer không tiếc lời tôn vinh các đô thị Mycenae và Troia mới là nơi bắt nguồn của thứ kim loại mềm có màu óng ánh nọ, hay ít nhất cũng là kinh đô của vàng.
Khởi thủy là vàng
Nhờ sự trợ giúp của các phương pháp phân tích tối tân, các nhà khoa học có thể xác định xuất xứ của vàng, và qua đó phát hiện ra một số dữ liệu mới về các mối quan hệ chính trị cũng như tuyến đường thương mại ngày xưa. Người Công giáo quen nói “Khởi thủy là Lời”, Lời của Chúa, và Lời chính là Chúa, song cũng chính trong lịch sử văn chương phương Tây, vàng mới được coi là nguồn gốc của thương mại và văn minh.
Nguyên tố vàng (Au) trong tự nhiên vốn không hề có ý nghĩa thực dụng gì, càng không thể dùng làm công cụ vì quá mềm, nhưng màu sắc và độ tinh khiết khiến nó trở thành biểu tượng của phú quý và tầm vóc lớn lao. Văn hóa Ai Cập gọi vàng là máu thịt của Thần Mặt trời, và vàng có vị thế chắc chắn ở tầng lớp tinh hoa của xã hội cổ đại. Bất cứ ngôi mộ cổ nào của người giàu được khai quật cũng có thể minh chứng điều đó, không chỉ ở Mycenae và Troia. Người có quyền thế và giàu có rất biết cách thu thập vàng. Nhưng vàng từ đâu ra lắm vậy?
Ba khu vực có thể được coi là nguồn cung cấp. Một nhóm nghiên cứu do Ernst Pernicka đứng đầu đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Là một nhà hóa học, giám đốc Trung tâm Khảo cổ học Curt Engelhorn ở Mannheim (Đức) đã phát triển một loạt phương pháp cơ bản để ứng dụng khoa học tự nhiên vào khảo cổ học. Suốt từ năm 2019, ông nghiên cứu về nguồn gốc của vàng Mycenaea, hợp tác với Reinhard Jung từ Viện Khảo cổ học Áo cũng như các đối tác Hy Lạp từ Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Athens. Phương pháp mà Pernicka cùng với nhà vật lý Moritz Numrich phát triển đến độ hoàn hảo đã mở ra những quan điểm mới về các mối quan hệ chính trị và kinh tế trong thời đại đồ đồng, không chỉ ở Mycenae mà còn ở thành Troia.
Các mỏ vàng
Vùng Nam Hy Lạp, nơi cái gọi là nền văn minh Mycenae phát triển rực rỡ giữa 1650 và 1100 TCN, không hề có mỏ vàng nào. Theo cách giải thích của Pernicka thì vàng được cung cấp từ ba nguồn chính: Vùng núi Rhodope (Bulgaria), Tây Anatolia (Tiểu Á) và Ai Cập, nơi vàng được khai thác ở mạn Nam và Đông sông Nile.
Lượng kim loại quý được khai thác trong thời kỳ đồ đồng rất lớn. Nổi tiếng nhất là các mặt nạ vàng được nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann khai quật ở Mycenae vào năm 1876. Ngày nay, chúng thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Hy Lạp ở Athens. Vì không thể mượn được các hiện vật từ kho báu để phân tích tư liệu, Pernicka cùng các đồng nghiệp của ông đã thực hiện một số chuyến thăm bảo tàng với một thiết bị di động cỡ nhỏ được thiết kế tại Đại học Bách khoa Zurich. Thiết bị công nghệ cao di động bắn chùm tia laser để làm bốc hơi các thành phần cực nhỏ của hiện vật, ước chừng vài phần triệu gam. Không thể nhìn thấy vết lấy mẫu bằng mắt thường, tức là phương pháp này không gây ra thiệt hại. Mặc dù vậy, “dấu vân tay hóa học” này đủ để phân tích trong phổ kế. Nhờ cách này, không chỉ có thể kiểm tra được diện tích bề mặt như với cách phân tích huỳnh quang tia X, mà còn cả thành phần khác nhau của vật liệu bên dưới. Kết quả cho phép so sánh với các hiện vật bằng vàng khác có nguồn gốc rõ ràng.
Do Ai Cập hiện nay từ chối bất kỳ phân tích nào về các đồ tạo tác khảo cổ ở nước ngoài - chẳng hạn như từ lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun, người ta đành phải trông cậy vào các bộ sưu tập Ai Cập trong Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật ở Vienna và Bảo tàng Ai Cập ở Berlin, thường có nguồn gốc và niên đại được biết đến khá rõ ràng và đáng tin cậy. Kết quả so sánh khiến các nhà khoa học kinh ngạc. Pernicka cho biết: “Các phân tích về vàng từ các kho báu Mycenaea mà chúng tôi đã nghiên cứu và kiểm tra kỹ ở Athens đã chỉ ra nguồn gốc thực sự là từ Ai Cập. Chúng tôi gọi đó là vàng rửa, vì nó đã bị mưa gió rửa trôi khỏi lớp trầm tích”. Giờ thì có thể bác bỏ giả thuyết xưa nay rằng nó đến từ mỏ tiền sử trên núi Ada Tepe ở Bulgaria.
Nhiều minh chứng khác cho thấy rằng các lãnh chúa của Mycenae đã lấy được vàng của họ từ Ai Cập. Những lãnh chúa ấy đã xây dựng một loạt các khu định cư ở miền Trung và miền Nam Hy Lạp từ khoảng năm 1650 TCN. Ở trung tâm các khu đó là các cung điện lớn mà cung điện của Mycenae là một, nếu không muốn nói là quan trọng nhất.
Sau khi đã nhập khẩu nhiều đồ có giá trị từ đảo Crete hồi thế kỷ 17 TCN, người Mycenae từ khoảng năm 1450 TCN bắt đầu bành trướng về mặt chính trị tới Crete là nơi nơi đã kiểm soát các tuyến đường biển ở phía Đông Địa Trung Hải. Từ đó chỉ còn một bước nhỏ là đến Ai Cập, thời ấy đã được coi là cường quốc lớn. Cả văn bản lịch sử lẫn di sản vật chất như đồ gốm hoặc vũ khí đều chứng minh sự hiện diện của người Mycenaea ở đồng bằng sông Nile, ít nhất là với tư cách nhà ngoại giao và thương gia.
Chép sử bằng vàng
Số lượng vàng cho phép dự đoán nhiều mối bang giao sâu rộng. Mycenae và các trung tâm khác của nền văn minh mang tên nó là một trong những cường quốc của thời đồ đồng quanh khu vực Địa Trung Hải. Thậm chí có thể nhận định là người Mycenae, chủ yếu là thủy thủ và cướp biển, không hề từ chối món bổng lộc hậu hĩnh mà hôm nay ta vẫn gọi là “tiền bảo kê”.
Tuy nhiên, việc họ lấy vàng từ Ai Cập chứ không phải từ Tây Anatolia cũng đặt ra một câu hỏi. Nếu ta đọc lại Chiến tranh thành Troia của Homer, dễ nhận thấy nhà thơ nhắc đến sự mở rộng của vương quốc Mycenaea sang các vùng của bờ biển phía Tây Tiểu Á, thì câu hỏi đặt ra là tại sao Mycenae không lấy được vàng từ đó?
Pernicka còn nêu một chi tiết thú vị khác. Từng chỉ đạo các cuộc khai quật tại Troia từ năm 2006 đến năm 2012, ông rất quen thuộc với các hiện vật được tìm thấy từ địa điểm này. Hầu hết trong số 8.000 đồ vật mà một nhà khảo cổ khác phát hiện ở đó vào năm 1873 đã được đưa từ Berlin đến Bảo tàng Pushkin ở Moskva vào năm 1945 như một dạng “chiến lợi phẩm”, nhưng một vài hiện vật bằng vàng còn sót lại ở Berlin - cùng với những di vật vàng được lưu giữ trong Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia ở Athens - đủ để cung cấp một mẫu thử tiêu biểu cho phổ kế.
Kết quả thật đáng kinh ngạc: Kim loại quý từ thành phố giàu có ấy có lẽ không đến từ phía Tây Tiểu Á, mà có thể đến từ Troia từ phía Nam Kavkaz. Hơn nữa, những đồ trang sức được tìm thấy cách 2.700km từ lăng mộ hoàng gia Ur ở miền nam Lưỡng Hà được làm bằng vàng rất giống về mặt hóa học, cho thấy cùng một nguồn gốc.
Của quý hay đồ chơi
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã giả định rằng vàng của Ur đến từ Afghanistan, nơi có những viên đá quý lapis lazuli (lam ngọc). Các phân tích của Pernicka chứng minh hợp lý một tuyến đường thương mại khả thi khác. Tuy nhiên, như Pernicka thừa nhận, vàng cũng có thể đi từ Ur đến Troia hoặc ngược lại như một món quà ngoại giao. Đây sẽ là một dấu hiệu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa hai cường quốc thời ấy.
Vàng từ Mycenae và Troia cho thấy những quan điểm mới mà các nghiên cứu cổ đại đang đạt được thông qua sử dụng các phương pháp khoa học và kỹ thuật. Ernst Pernicka không ngồi yên. Viện của ông đang thực hiện một dự án mới nhằm xác định tuổi vàng đã qua gia công. Điều này sẽ cung cấp cho khảo cổ học một phương pháp khác để xác định tuổi tuyệt đối của hiện vật.
Cho đến lúc đó, vàng được dùng để tích của, để giao dịch như một loại tiền tệ không chính thức, thậm chí làm đồ chơi: Người ta rắc vàng lên thực phẩm, pha vào cocktail v.v... với niềm tin rằng một thứ quý hiếm sẽ có lợi cho sức khỏe. Thực tế thì một học sinh cấp 2 cũng có thể dạy cho ta biết rằng vàng kim loại trơ với mọi chất hóa học trong cơ thể, nó không mang lại hương vị cũng không có hiệu quả dinh dưỡng hay trị liệu nào, nó sẽ đi qua dạ dày và bị tống khỏi cơ thể ở một dạng khác - tuy cũng màu vàng nhưng ít quý hiếm.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất