15/12/2014 12:25 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, yếu tố nền tảng giữ vai trò quyết định. Tức là phải có đầu tư, có chăm sóc, với một chiến lược dài hơi nghiêm túc, mới hy vọng có được “đầu ra” tốt đẹp. Thành tích thể thao không tự nhiên mà đến kiểu lúa trời, mà ngược lại, để có được nó cũng khó như hái sao trên trời vậy.
Và bóng đá Việt Nam, vốn dĩ vẫn xây nhà từ nóc, khó có thể đòi hỏi thành công trong ngày một ngày hai.
Đội tuyển Việt Nam trước khi bước vào AFF Cup 2014, vốn dĩ đã chịu nhiều ánh mắt nghi ngại. Chúng ta khởi đầu không thật hanh thông với trận hoà 2-2 trước Indonesia, nhưng chỉ số lạc quan bắt đầu được nhen nhóm. Và đến khi thầy trò HLV Miura hạ đo ván Philippines để giành quyền chơi bán kết, khái niệm gọi là tình yêu bắt đầu được nhắc tới nhiều hơn. Sau khi thắng chủ nhà Malaysia ở bán kết lượt đi, chúng ta muốn chức vô địch.
Phải chăng không có thứ tình yêu nào bùng phát nhanh như tình yêu bóng đá?! Cũng dễ hiểu, bởi với bóng đá, môn thể thao mang tính giải trí, nếu người ta thích thì đến sân, còn không thích thì ở nhà. Thấy vui thì vỗ tay vào, hội tan rồi thì ai về nhà nấy. Tâm lý đám đông và các giá trị ảo tự tạo mới là điều nguy hiểm bậc nhất. Bóng đá không có khái niệm “bất chiến tự nhiên thành” và cũng tựa như bao địa hạt khác của xã hội, nó cần sự tích luỹ.
Chúng tôi còn nhớ là khi bầu Đức bứng các gốc cao su đang vào vụ thu hoạch, để xây sân bóng, làm Học viện HA.GL Arsenal JMG, nhiều người lắc đầu bảo ông là “gã khùng”. Nhưng khi Học viện thành hình và bước đầu tạo được tiếng thơm, thì ai cũng muốn là một phần của nó. Cũng như U19 Việt Nam, đội tuyển Việt Nam mới chỉ mang những biểu hiện lạc quan dưới thời HLV Toshiya Miura, song chúng ta đã tưởng mình vừa hoá rồng!
Cách đây 10 năm, thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Malaysia chỉ ngang với Việt Nam. Nhưng hiện tại, khi chúng ta đạt 2.000USD thì họ đã gấp 5-7 lần. Vậy có gì ngạc nhiên đâu, khi Malaysia tiếp tục đi trước chung ta một bước, với cụ thể là bóng đá, môn thể thao được yêu thích bậc nhất?! So sánh thì khập khiễng, nhưng vẫn phải so sánh, phải liên tưởng, xâu chuỗi lại thì mới ra kết quả được.
Thất bại thì ai mà không buồn và cổ nhân vẫn có câu: “Một mất mười ngờ”. Đấy là điều các cầu thủ đang phải chịu! Nhưng nếu được, hãy nghĩ lại xem chúng ta đã gieo gì, trồng gì cho đội tuyển Việt Nam và thậm chí cho cả nền bóng đá mà đã vội đòi hái quả ngọt?! Nền bóng đá đã từng phải trải qua bao cuộc bể dâu, bao tàn dư, bao hệ luỵ, song dường như chúng ta chưa rút ra được những kinh nghiệm máu xương!
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất