Cái chết của tê giác làm nóng tranh cãi vườn Cát Tiên

01/11/2011 19:47 GMT+7 | Thế giới

Sau cái chết của con tê giác cuối cùng ở Cát Tiên, các nhà khoa học càng mạnh mẽ yêu cầu bảo vệ vườn quốc gia, trong khi các nhà phát triển thủy điện lập luận rằng các dự án trên sông Đồng Nai không ảnh hưởng đến vườn.


Tê giác một sừng cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh: WWF.

Sau thông tin loài tê giác một sừng ở Việt Nam biến mất hoàn toàn, nhiều chuyên gia lo ngại, đây là điều kiện cho các dự án thủy điện, nhất là thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - vốn đang gây nhiều tranh cãi - có đà tiến tới hiện thực hóa và đe dọa vườn quốc gia Cát Tiên.

Theo các nhà khoa học, hai dự án thủy điện trên sẽ lấn một phần diện tích vườn quốc gia Cát Tiên. Bên cạnh đó, khi được xây dựng, hai bờ sông Đồng Nai nối kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu vào săn bắt thú rừng và khai thác gỗ vườn quốc gia Cát Tiên một cách dễ dàng.

"Tôi phản đối việc xây dựng các đập thủy điện gần vườn quốc gia Cát Tiên", ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên nhấn mạnh. "Việc xây đập thủy điện, phá rừng, đang là nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của nhiều động, thực vật có trong Sách Đỏ thế giới và Việt Nam".

Theo ông Thành, trong vườn quốc gia có hơn 1.400 loài, đặc biệt có tới 40 loài nằm trong Sách đỏ, tất cả tổng hòa

Vườn Quốc Gia Cát Tiên là nơi có một trong hai khu vực đất ngập nước Ramsar duy nhất của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam, Sinh cảnh sống trên đất liền cuối cùng của loài Tê giác Java đặc biệt quý hiếm. Vườn quốc gia Cát Tiên còn được chú ý nhờ có đàn bò tót mỗi con nặng vài tạ sinh sống. Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Vườn rộng 71.350 ha.

tạo thành đa dạng sinh học.

"Dù tê giác mất, chúng ta vẫn phải cứu các loài loài khác ở vườn quốc gia Cát Tiên", ông Thành kêu gọi.

Chủ tịch hội động vật học Việt Nam, tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh cũng cho rằng, trước nay các dự án thủy điện dè chừng là do còn loài tê giác một sừng sống tại vườn quốc gia. Nay loài vật này không tồn tại, nhưng cũng không nên xây hàng loạt dự án thủy điện ở khu vực lân cận.

Tiến sĩ Huỳnh nói: "Các công trình thủy điện đang dần tiến vào vùng lõi của vườn quốc gia, ảnh hưởng lớn đến sinh cảnh của nhiều động vật vốn đòi hỏi có sinh cảnh lớn như voi, hổ".

Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam cũng lo ngại tác động của thủy điện đến vườn quốc gia. "Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển với giá trị đất ngập nước nhưng nay nước không còn do thủy điện thi nhau mọc lên. Nếu xây thêm hệ thống thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, không sớm thì muộn vườn quốc gia này sẽ bị xóa sổ”, bà Trần Minh Hiền, giám đốc WWF tại Việt Nam, cảnh báo.

Theo khảo sát của tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện phó Viện sinh học nhiệt đới, người trực tiếp khảo sát, điều tra, đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, khu vực xây hai thủy điện là khu vực sinh cảnh rừng nguyên sinh đặc trưng của vườn quốc gia Cát Tiên.


Cây trong vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: CNP.

Dự án thủy điện sẽ ảnh hưởng tới nhiều loại cây gỗ quý có tên trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam như cẩm lai, trắc, mun, gõ mật, sao đen, dầu, kơ nia… và nhiều loài động, thực vật đặc hữu đặc trưng khác.

Ông Long cho hay, theo tính toán, nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 va 6A xây dựng sẽ làm ngập gần 171 ha đất rừng, trong đó có 87 ha đất rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc Cát Tiên.

"Thủy điện Đồng Nai 6A nằm trong vùng lõi vườn quốc gia sẽ làm ngập hơn 110 ha đất rừng, trong đó trên 50 ha đất rừng thuộc phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Tính chung, hai dự án thủy điện sẽ ăn 137,5 ha đất rừng của vườn quốc gia", ông Long nói.

Lập luận của dự án thủy điện

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sỹ, đại diện nhà đầu tư dự án thủy điện 6 và 6A cho rằng, dự án thủy điện này cách vườn quốc gia Cát Tiên khoảng 50 km, cách Bàu Sấu (nơi bảo tồn tê giác) gần 70 km nên sẽ không gây nhiều ảnh hưởng.

Ông Sỹ cũng khẳng định, hai dự án thủy điện trên sẽ được tính toán và có báo cáo tác động môi trường rõ ràng, chính xác. "Toàn bộ đường giao thông phục vụ thi công và vận hành được tận dụng từ đường lâm sinh và dân sinh có sẵn nên không gây chia cắt sinh cảnh hay ảnh hưởng tới vườn quốc gia Cát Tiên”, ông Sỹ nói.


Vị trí của hai dự án thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đồng Nai. Đồ họa: Nguyễn Văn Sỹ.

Một vài chuyên gia môi trường khác đưa ý kiến, diện tích mà thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là 137 ha (chỉ chiếm 0,44% diện tích vườn quốc gia) nên ít ảnh hưởng đến nơi cứ trú của động thực vật tại vườn quốc gia, thêm vào đó còn trở thành hệ sinh thái ngập nước mới.

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với tổng công suất 241 MW, tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng, tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh/năm.

Hiện quanh vườn quốc Cát Tiên đã có thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và sắp tới sẽ xây dựng Đồng Nai 5. Dự án thủy điện 6 và 6A chưa được duyệt và đang trong quá trình khảo sát điều tra đánh giá tác động môi trường.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm