24/11/2013 07:47 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 22/11, đêm nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Văn Cao do gia đình ông tổ chức đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Trong chương trình, khán giả rất bất ngờ khi được thưởng thức màn trình diễn Tiến quân ca bản gốc và được nghe kể về quá trình hoàn thiện Quốc ca
Với âm nhạc của Văn Cao, bản thân mỗi ca khúc đã là một câu chuyện, một số phận. Dù là những hành khúc mang tinh thần hiệu triệu hay những ca khúc trữ tình thì cũng luôn chứa đựng những nỗi niềm xúc cảm mãnh liệt của nhạc sĩ.
Nỗi niềm ấy, như ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ trong đêm nhạc, đó là sự gắn kết những con người lại gần với nhau. Khi nghe hay khi hát nhạc Văn Cao, mỗi người đều có thể tìm thấy một góc của riêng mình, nhưng giai điệu của ông lại làm chúng ta xích lại gần nhau hơn.
Quốc ca: chuyện bây giờ mới kể
Và thú vị hơn cả là trong đêm nhạc này, khán giả được gia đình nhạc sĩ “bật mí” những câu chuyện “bên lề” gắn liền với các tác phẩm một cách thú vị qua lời kể của con trai trưởng nhạc sĩ, nhà thơ – họa sĩ Văn Thao.
Ca sĩ Đăng Dương trong đêm nhạc Văn Cao
Đã có nhiều khán giả rất bất ngờ với ca từ nguyên gốc của bài Tiến quân ca (tức Quốc ca) khi ca sĩ Ánh Tuyết cùng dàn hợp xướng trình bày ngay mở màn.
Ra đời vào tháng 10/1944 để phục vụ cho Khóa quân chính kháng Nhật ở chiến khu đang cần bài hát, Tiến quân ca được viết với âm hưởng mang tính hiệu triệu, lời ca thuần Việt, giai điệu hào hùng nhưng đơn giản, dễ hát, dễ thuộc. Trước khi được chọn làm Quốc ca, ca khúc đã được nhạc sĩ in trên báo Văn nghệ và biểu diễn ở nhiều nơi.
Vào ngày 16/8/1945 tại Tân Trào, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được Bác Hồ giao nhiệm vụ chọn ra một tác phẩm trong số ba bài Diệt phát xít,Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Minh để lấy làm Quốc ca. Khi đó, Bác đã nhận xét: bài Diệt phát xít thì hay, ngắn gọn, dễ thuộc nhưng chủ nghĩa phát-xít đã qua rồi cho nên nếu lấy bài đó làm Quốc ca thì không hợp lắm; Bài Chiến sĩ Việt Minh cũng rất hay nhưng nếu chọn bài này thì hơi khó hát, lại dài, nhân dân đứng chào cờ sẽ bị mỏi chân. Vì vậy mà Tiến quân ca đã được Bác chọn làm bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.
Sau đó Đại hội quốc dân đồng bào đã thông qua bài hát và chọn Tiến quân ca là Quốc ca. Đến năm 1955, khi chuẩn bị họp Quốc hội khóa 2 thì nhạc sĩ Văn Cao được mời lên để sửa lời như hiện tại. Cụ thể, câu gốc “Tiến lên, cùng thét lên, chí trai là đây nơi ước nguyện” và “hỡi ai hằng chớ quên, Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên” đã được sửa thành “Tiến lên cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta, vững bền”.
Sau lần sửa này, Quốc ca tiếp tục được sửa lần nữa nhưng không do nhạc sĩ Văn Cao trực tiếp sửa. Đó là từ “nước non” trong câu “Tiến lên cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta, vững bền” có từ gốc là “núi sông” và từ “phấn đấu” trong câu “Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới” có từ gốc là “kiến thiết”.
Công bố 2 ca khúc mới của Văn Cao
Cũng trong tối 22/11, như đã hẹn từ trước, hai nhạc phẩm nằm trong di cảo của nhạc sĩ Văn Cao lần đầu tiên đã ra mắt công chúng. Đó là bài Dưới ngọn cờ giải phóng được ông sáng tác năm 1962 khi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lúc đó Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đã ra thăm nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Văn Cao đã viết tặng bài hát Dưới ngọn cờ giải phóng để ông Hiếu mang vào trong Nam nhưng không biết vì lí do gì đó bài hát đã không được sử dụng. Bài thứ hai là ca khúc Ta đi làm con suối được ông sáng tác khi về thăm những người thợ mỏ Quảng Ninh những năm 1970.
Gia đình của cố nhạc sĩ cũng hi vọng, sẽ có thể tiếp tục giới thiệu đến công chúng các tác phẩm đã và chưa công bố của ông trong những chương trình tiếp theo.
Lam Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất