Những cảnh báo cho sĩ tử trước khi bước vào thi ĐH đợt 2

08/07/2011 15:23 GMT+7 | Giáo dục

Thiếu hiểu biết, không chủ động với các tình huống là nguyên nhân khiến cho nhiều thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH đợt 1 bị đình chỉ thi hoặc mất điểm. Để tránh lặp lại những sai sót này, thí sinh cần phải tỉnh táo và lường trước được các tình huống xảy ra.


Ảnh minh họa - Nguồn Internet

“Sát thủ” chính vẫn mang tên... điện thoại


Trong 80 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi ở đợt 1 kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011 chủ yếu đầu là do nguyên nhân mang điện thoại (ĐT) vào phòng thi. Theo thông tin từ phòng PA83, Công an Thành phố Hà Nội thì chưa phát hiện ra dấu hiệu gian lận liên quan đến sử dụng công nghệ cao. Các thí sinh mang ĐT vào phòng thi đều do tâm lý chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về quy chế.

Điều đáng ghi nhận nhất ở kì thi đợt 1 vừa qua đó là nhiều thí sinh có tư tưởng sai lầm đó là: “Mang vào phòng thi nhưng không sử dụng chắc không sao”. Chẳng hạn như ở Hội đồng thi ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội khi giám thị phát hiện túi quần của một thí sinh cộm lên và yêu cầu thí sinh lấy ra để kiểm tra. Không cần lôi ra thí sinh này thừa nhận đó là ĐT đã được tắt nguồn và khi giám thị quyết định lập biên bản đình chỉ thi lúc đó mới ngả người vì mới biết vi phạm quy chế thi.

Không chỉ dừng lại ở trong phòng thi, thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý kể cả khi đã rời phòng thi những vẫn ở trong khu vực thi thì vẫn không được phép sử dụng ĐT. Đợt 1 vừa qua một số thí sinh xin phép rời phòng thi để đi vệ sinh và "hiên ngang" gọi điện ra ngoài, hậu quả giám thị phát hiện ra và lập biên bản đình chỉ thi ngay.

Trước kì thi ĐH đợt 2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công điện khẩn gửi các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc với nội dung nhấn mạnh: “Nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào trong phòng thi”. Tuy nhiên sĩ tử phải ý thức được rằng, khi mang ĐT vào phòng thi mà bị phát hiện dù mở hay tắt máy đều bị đình chỉ thi.

Để tránh những hậu quả mà do "chú dế" thân yêu của mình tạo ra, tốt nhất các sĩ tử thi ĐH đợt 2 nên đưa điện thoại của mình cho người thân của mình trước khi đến trường thi hoặc cần có ý thức gửi ĐT trước khi bước vào khu vực thi.

Mất thi, mất điểm vì những lỗi dễ gặp

Mặc dù giám thị nhắc nhở rất nhiều về những vật dụng được phép mang vào phòng thi nhưng ở kì thi tuyển sinh ĐH đợt 1 vừa qua một số thí sinh bị đình chỉ thi vì lỗi mang tài liệu vào phòng thi. Đáng nói là có trường hợp bị xử lý do đinh ninh được phép mang bảng tuần hoàn hóa học vào phòng thi.

Ở kì thi đợt 2, có môn thi Hóa và Địa dễ làm thí sinh có tư tưởng hiểu sai quy định. Các thí sinh nên nhớ, quy chế ghi rất rõ là không được mang Atlat và Bảng tuần hoàn hóa học vào phòng thi

Ngay sau khi kì thi ĐH đợt 1 kết thúc, nhiều sĩ tử đã lo lắng do đã dùng bút chì để vẽ đồ thị. Đây cũng là lỗi khá phổ biến ở mỗi kì thi tuyển sinh. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 thì bút chì chỉ được dùng vẽ hình tròn, còn lại chỉ được dùng một màu mực trong khi làm bài (nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì). Những bài thi mà thí sinh không để ý đã vẽ đồ thị bằng bút chì sẽ được cán bộ chấm thi tách ra và tổ chức chấm tập thể theo đúng qui chế.

Việc chấm tập thể hay chấm thường đều cho kết quả thực với bài làm của thí sinh. Tuy nhiên nếu có đủ căn cứ xác đáng để các cán bộ chấm thi và trưởng môn chấm thi kết luận là lỗi cố ý của thí sinh thì điểm toàn bài bị trừ 50%. Để tránh việc phải lo lắng kéo dài ảnh hưởng cho đợt thi kế tiếp bạn nên chú ý ở môn thi Toán và Địa lý. Đây là hai môn thi có liên quan đến vẽ đồ thị, biểu đồ…và rất dễ để thí sinh phạm lại sai lầm.

Trong kì thi ĐH đợt 1 vừa có đã có thí sinh mất thi vì lỗi đến chậm quá giờ so với quy định. Có trường hợp do nhớ nhầm thời gian phát đề, có trường hợp là do tắc đường nên đến muộn. Để tránh việc mất thi vì lỗi chẳng đáng tí tẹo này bạn cần chủ động trong việc đến trường thi với quan điểm: Thà đến sớm ngồi chờ còn hơn..mất thi

Chủ động với các tình huống ngoài mong muốn

Ở kì thi đợt 1 vừa qua, không ít thí sinh mắc sai lầm như quên khi số báo danh, ký nhầm vào phần thu bài... Thông thường ở trong phòng thi, các giám thị sẽ nhắc nhở thí sinh điền đầy đủ thông tin trên giấy thi, hướng dẫn thí sinh ký nhận. Tuy nhiên do yếu tố khách quan nào đó mà giám thị có thể “quên” nhắc dẫn đến việc thí sinh mắc sai lầm. Chính vì thế dù vội đến mấy, thí sinh cũng cần kiểm tra bài thi của mình một kỹ lưỡng, tránh việc rời phòng thi rồi mới phát hiện ra.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần chủ động xin chữ ký của giám thị 1 và 2. Theo quy định bài thi chỉ khi có cả hai chữ ký giám thị mới có giá trị. Một vấn đề mà thí sinh cũng cần lưu ý, đừng bao giờ kẹp bài thi vào giấy nháp. Ở những kì thi trước đây đã xuất hiện việc giám thị vô tình xé bài thi của thí sinh vì lỗi này.

Bên cạnh đó, thí sinh cần đề cao trách nhiệm với bài thi của mình. Cần kiểm tra những thông tin điền trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đề thi được nhận… khi phát hiện ra sai sót cần báo cáo lại để được điều chỉnh lại ngay. Tránh tình trạng như ở đợt 1 vừa qua, giám thị ký sai nhưng thí sinh vẫn “chẳng biết gì” và chỉ đến hết 2/3 thời gian làm bài mới phát hiện ra và lúc đó chắc chắn thí sinh sẽ bị hoang mang, khó có thể làm bài tốt được.

Nếu gặp tình huống “đặc biệt” như giám thị bảo đề sai thì thí sinh cần thận trọng. Chỉ khi Hội đồng thi có thông tin chính thức xuống các phòng thi về vấn đề sai sót của đề thì lúc đó thí sinh mới chấp hành. Nếu không có chỉ thị từ Hội đồng thi xuống, thí sinh đừng dại dột mà làm theo bởi đã có không ít năm, vì quá nghe lời giám thị mà dẫn đến việc thí sinh bị mất điểm oan nhưng chẳng biết kêu ai.

Theo Dân trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm