Từ Serie A thẳng hướng nghiệp dư: Câu chuyện buồn của Parma

22/02/2015 07:15 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Những cánh cổng sắt của sân Ennio Tardini không được mở ra cho trận gặp Udinese hôm Chủ nhật 22-2, vì một lí do rất đơn giản: đội bóng không có đủ tiền để chi cho các hoạt động đảm bảo an ninh cho trận đấu. Đấy là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Serie A.

Đóng cửa vì nợ nần. Cánh cổng của sân Ennio Tardini có lẽ sẽ được gắn dòng chữ như thế, như một thông báo hết sức rõ ràng về tình trạng của Parma, khiến trận đấu với Udinese không thể diễn ra. Thực ra, tất cả đều rất logic: một đội bóng từ nhiều tháng nay đã nợ lương của các cầu thủ và cả HLV (khiến nhiều trong số họ chạy trốn khỏi con tàu đắm vào kì chuyển nhượng mùa đông, người đầu tiên là Cassano), nợ thành phố cả tiền điện, nước và khí đốt cho trung tâm tập luyện của họ, thì không trả được vài nghìn euro cho các nhân viên dân sự làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên các khán đài của sân bóng cũng như hệ thống sưởi cho khán giả là chuyện bình thường.

Nhưng điều "bình thường" ấy lại khiến người ta xót xa. Mới năm trước, Parma còn đang trong dịp kỉ niệm 100 năm ngày thành lập trên nền nhạc của Verdi, một người con của thành phố Parma. Mùa ấy, thậm chí họ còn đủ điểm để dự Europa League. Thế rồi tất cả dần dần sụp đổ như một lâu đài trên cát trước những cơn sóng nhẹ. Parma không được dự Cúp Châu Âu vì số nợ quá lớn. Mùa bóng mới diễn ra, những trận thua liên tiếp đẩy họ xuống cuối bảng xếp hạng. Điểm số ít ỏi của họ cũng bị trừ vì đội bóng nợ lương quá lâu, khiến các cầu thủ gia hạn cho BLĐ Parma thời hạn để trả lời về tiền lương của họ là hôm chủ nhật này. Đấy là ban lãnh đạo thứ ba của đội kể từ đầu mùa, với lãnh đạo đầu tiên, chủ tịch Ghirardi tuyên bố đầu hàng. Và bây giờ, là việc trận đấu bị hoãn. Nhưng liệu đấy có phải là trận duy nhất của Parma bị hoãn chỉ vì không có tiền, hay là những trận đấu khác nữa, và nếu đội bóng tan rã, cùng một loạt các trận đấu không diễn ra và đội bị xử thua 0-3, điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến Serie A?


Sân Ennio Tardini trống vắng

Hôm 20-2, khi LĐBĐ Italy (FICG) tuyên bố trận Parma-Udinese không thể diễn ra, là một trong những ngày buồn nhất trong lịch sử của Parma, và hơn hết, nó khiến các tifosi cảm thấy bị tổn thương và nổi giận. Đến bây giờ họ mới được biết rằng, người ta đã giấu giếm tình trạng nguy kịch về tài chính của đội từ nhiều tháng qua, bắt đầu từ mùa thu 2014, khi két sắt của đội bắt đầu cạn tiền. Và người ta tự hỏi, tại sao những chuyện như vậy bị che đậy, tại sao FIGC không có biện pháp nào để ngăn chặn Parma dự Serie A mùa này, một khi họ không đủ điều kiện về tài chính để tham gia (hay là vì họ cũng không biết gì cả)? Mấy hôm trước, thị trưởng thành phố Federico Pizzarotti đã có trong tay toàn bộ hồ sơ tài chính của Parma để, như ông nói, "cứu những gì có thể cứu được". Điều đó có nghĩa là thành phố Parma đã tính đến giải pháp cho đội phá sản, nhưng vẫn cố gắng giữ cho được logo, tên gọi và có thể dự Serie B mùa tới, trong trường hợp họ xuống hạng mùa này. Giải pháp ấy không hề đơn giản, bởi nếu Tòa án phá sản không đồng ý với phương án ấy, nếu như họ tìm thấy những dấu hiệu sai phạm về tài chính của đội, trong khi bản thân các cầu thủ có thể kiện về việc không trả lương cho họ, FIGC có thể sẽ giáng Parma xuống hạng nghiệp dư.

Đấy sẽ là một kết cục kinh khủng, và giờ, thị trưởng Pizzarotti đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp địa phương trang trải một phần nợ nần, trước hết là hơn 700 nghìn euro tiền lương của đội. Một cuộc phá sản là điều rất khó tránh khỏi nếu như trong vòng một vài tháng không có phương án nào khác để cứu đội. Năm 2004, Parma đã rơi vào tình trạng phá sản vì công ti mẹ, tập đoàn sữa nổi tiếng thế giới Parmalat bị tuyên phá sản (còn ông chủ của họ, Tanzi, đi tù), nhưng sau đó, Parma đã trở lại. Tuy nhiên, năm 2015 có thể còn khủng khiếp hơn nữa, vì khi sự việc vỡ lở, những cuộc điều tra sẽ được tiến hành và tình hình trở nên nguy kịch hơn bao giờ hết, một khi đã xuất hiện những dấu hiệu hình sự của một vụ án kinh tế. Viện công tố Parma đã vào cuộc để tìm hiểu những khoản tiền lớn trong tài khoản của Parma đi đâu. Chưa hết, Cơ quan bài trừ mafia quốc gia Italy cũng tiến hành một cuộc điều tra vào khả năng mafia đã nhúng tay vào các hoạt động tài chính của Parma trong những năm qua. Người ta đặt ra một câu hỏi: vào năm 2006, Parma chỉ nợ 16 triệu euro, nhưng năm nay đã lên tới 197 triệu (trong khi trong bảng lương của đội có tới hơn 200 cái tên cầu thủ), trong khoảng thời gian ấy, chảy vào tài khoản của Parma 220 triệu euro tiền tài trợ và bản quyền truyền hình, nhưng bây giờ, tài khoản ấy không còn một đồng. Vậy số tiền ấy đi đâu, chảy vào túi ai và tại sao lại như vậy? Tất cả cần một câu trả lời.


Nỗi buồn ngập tràn trong tim Hernan Crespo

Nỗi buồn tràn ngập trong tim những ai đã yêu và gắn bó với đội bóng. Hernan Crespo, một trong những người hùng của Parma những năm 1990, giờ là HLV đội trẻ Parma nói rằng, "Làm sao tôi có thể đành lòng chứng kiến tất cả những điều tồi tệ đang xảy ra ở nơi đây, tại đội bóng tôi đã gắn bó những năm tháng đẹp đẽ của sự nghiệp và cuộc đời?". Crespo chính là "ngài 100 tỉ", biệt danh mà anh đã được trao tặng sau khi rời Parma để sang Lazio với giá 110 tỉ lira (hơn 50 triệu USD) vào năm 2000, cái thời mua sắm điên rồ của Parma dưới tay nhà Tanzi. Đội bóng trở thành một cái tủ kính trưng bày những gì đẹp nhất của gia đình ông: Parma, với những cầu thủ ngôi sao và HLV xuất sắc mà họ đang có, là một quảng cáo hoàn hảo cho hãng sữa Parmalat mở rộng bành trướng trên toàn cầu. Những hình ảnh của ngày đó vẫn còn ám ảnh đến bây giờ: Sacchi biến Parma thành một hiện tượng vào năm 1987 trước khi sang Milan, lên hạng Serie A năm 1990 và 2 năm sau họ đoạt Cúp C2, những bàn thắng của Zola, những cú nhảy lộn vòng ăn mừng của Asprilla sau mỗi bàn thắng, những pha ăn mừng của Crespo, những cái tên như Brolin, Taffarel, Stoichkov, Chiesa... và biết bao những kỉ niệm đẹp đẽ của một trong "bảy chị em" của calcio những năm tháng tuyệt vời ấy đã đem đến cho hàng triệu người hâm mộ.

Bây giờ, Parma vẫn chưa phá sản, nhưng cái kết buồn có lẽ là không thể tránh khỏi. Đấy là câu chuyện buồn của calcio thời khủng hoảng, chuyện buồn của Parma, và trận hòa trên sân Roma hôm 15-2 có thể là chiến công cuối cùng của một đội bóng, nay chỉ còn cái tên làm ứa máu trong tim bao người hâm mộ...

Hernan Crespo: "Parma không có cả nước nóng để tắm"

Trong cái tuần mà "đội lớn" của Parma không chơi bóng vì nợ nần, thì đội trẻ vẫn ra sân, và chiến thắng đội trẻ Carpi 1-0. Người đứng đầu của đội trẻ Parma không phải ai khác mà chính là Hernan Crespo, người từng một thời khóac áo "đội lớn", thời mà trong đội hình của họ không thiếu những ngôi sao, từ Veron, Thuram, Buffon, Boghosian hay Cannavaro, những người đã cùng anh đoạt Cúp UEFA năm 1999 ở Moskva.

Parma trẻ dưới tay Crespo, lần đầu làm HLV, khá lẹt đẹt, với chỉ 1 điểm trong 3 trận đầu tiên. Nhưng trong 13 trận sau đó, họ chỉ thua có 2 trận và giờ đang đứng thứ 3 ở giải vô địch trẻ Italy. Nhưng những vấn đề tài chính của Parma cũng ảnh hưởng lớn đối với họ. Crespo nói rằng, anh không biết, liệu trận đấu tới trên sân Tardini của đội trẻ Parma có diễn ra nữa không: "Chúng tôi được đá trận này bởi vì những người bảo vệ sân và cắt cỏ đã cho phép chúng tôi được đá ở sân này. Tình hình bây giờ rất tồi tệ. Parma đang nợ tiền nước, nên chúng tôi cũng không có nước nóng mà tắm. Một số cầu thủ đã phát ốm vì phải tăm nước lạnh giữa mùa đông".

Crespo nói, anh lo ngại cho tương lai của đội bóng cũ, nhưng anh sẽ không rời cương vị HLV của mình ở đội trẻ, vì anh cảm thấy "nợ" Parma rất nhiều. Nhưng nếu tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, liệu anh có nản lòng mà bỏ đi?


                        Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm