Chuyện Vũ Công Lập: Thắng - vẫn cứ lo, thua - không nản chí

29/04/2013 11:48 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá là cuộc chiến không ngơi nghỉ. Niềm vui thắng trận và nỗi buồn thua cuộc ngày hôm qua đã không còn ý nghĩa nhiều lắm. Lúc nào cũng căng ra như dây đàn để chuẩn bị cho trận đấu mới. Chính cái gian nan ấy là khởi đầu cho mọi sự tiến bộ.

Vào lúc này, chúng ta đều đang tập trung vài 2 trận bán kết Champions League lượt về. Mặc dù tỷ số lượt đi là rất đậm và đầy bất ngờ, nhưng ai cũng biết rằng: nếu lượt đi là bất ngờ như vậy, thì cũng chẳng ai nói rằng lượt về không thể xẩy ra điều tương tự. Heynckes nhắc nhở học trò và người hâm mộ: "Chúng ta vẫn còn 90 phút ở Nou Camp”.

Vâng, Nou Camp. Barcelona đang trải qua những giờ phút khó khăn. Họ thua Bayern tan nát ở Munich, và vừa trải qua trận đấu nhọc nhằn 2-2 trên sân Bilbao. Bây giờ người ta nhớ lại cuộc họp báo của Tito Vilanova ngay sau khi trở về, giọng còn yếu ớt sau  đợt chữa trị ung thư ở New York: "Chúng tôi là Barca. Chúng tôi chơi trên sân nhà. Chúng tôi mang trách nhiệm trước người hâm mộ. Nếu trong hiệp một chúng tôi ghi 2 bàn thắng, thì ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra?”. Hãy hy vọng, chừng nào còn có thể, và hãy chiến đấu, trong bất cứ tình huống nào. Bởi vì 2-0 hiệp một, đấy chính là tỷ số trận Milan lượt về. Đấy là hiện thực. Lửa vẫn cứ thắp lên, ngay cả khi Bayern khác hẳn Milan.

Nhưng, ngay cả khi không lọt được vào trận chung kết, thì cũng chẳng ai được nói rằng, với Barca thế là đã hết. Có những câu chuyện nhắc ta về điều đó.

Kể từ ngày còn Johan Cruyff

Johan Cruyff là thần tượng khó có thể so sánh ở Barcelona. Từ ngày còn là cầu thủ, Cruyff đã mang chức vô địch về cho đội bóng xứ Catalana. Sau đó, HLV Cruyff dẫn Barca đến 4 thắng lợi liên tiếp ở giải vô địch quốc gia, cộng thêm chiếc Cup C1 đầu tiên cho đội bóng hiển hách này. Cruyff là biểu tượng của thắng lợi.

Nhưng tên tuổi Cruyff cũng liên quan đến thất bại. Đó là trận thua 0-4 trước một Milan mang đầy mầu sắc Nam Tư trong trận chung kết Cup C1, cũng như sự suy thoái trên sân cỏ Tây Ban Nha sau đó. Cruyff bị sa thải. Sau này ông kiện ban lãnh đạo Barcelona ra tòa, với đòi hỏi chỉ 1 đồng tiền bồi thường  thôi. Vì đây không phải là tiền bạc, mà là danh dự. Tòa xử CLB Barca thắng. Cruyff lại thua lần nữa.

Johan Cruyff là một tượng đài ở Barcelona

Thời hậu Cruyff, Barca vẫn có thắng lợi, với Van Gaal, với Rijkaard. Đó là những tấm huy chương. Đó là những tên tuổi danh thủ. Tên tuổi thì Barcelona, nhưng nét đặc thù thì chưa thật sâu đậm. Michael Laudrup và Luis Figo đều đã về Real. Van Gall có lúc cho Barca chơi với 8 cầu thủ Hà Lan . Ngay cả sau này, Ronaldinho, Etoo, Deco chơi nhiều khi đã rất huyền hoặc, nhưng chưa thật... Barca cho lắm. Thắng lợi là cần thiết, nhưng thắng lợi chưa phải là  tất cả. Vấn đề là bản sắc. Cái bản sắc đủ làm nên thắng lợi, đủ khắc ghi trong tâm khảm người hâm mộ.

Đấy là cơ hội để Guardiola xuất hiện, và Cruyff trở lại. Hóa ra, từ khi thất bại, Cruyff đã âm thầm chuẩn bị cho một thắng lợi mới. Bây giờ là lúc lứa La Massia ra lò. Barcelona hôm nay mới thật là bản sắc. Không lẫn và đâu được. Không ai khác có thể làm như thế được. Tiqui-Taca là Barca, và Tiqui-Taca cũng giúp cả Tây Ban Nha đứng đầu thế giới. EURO 2008, Worrld Cup 2010, EURO 2012. Ba danh hiệu liên tục. Phải nói là vĩ đại. Vĩ đại của một bản săc, đến nỗi một chân sút lớn như Ibrahimovic cũng không thể tìm được chỗ để chen chân.

Bây giờ thì chúng ta mới hiểu cái nụ cười rất tươi của Cruyff sau khi Barca thua Milan nhiều năm trước: cái nụ cười của người thua cuộc nhưng đã định ra được con đường tiến lên phía trước.

Nhưng ngay cả Tiqui-Taca cũng không phải là  bất bại. Họ đã thua, ngay dưới thời Guardiola, chứ không phải chờ đến Vilanova. Mùa bóng 2011-2012, chính Real đã vượt qua Barca để lên ngôi vô địch. Bóng đá mà, “cao nhân tất có cao nhân trị”, hay “ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác”. Phải chăng, khi Guardiol ra đi năm trước, là ông đã nhận ra một giới hạn và quyết tâm cho một cuộc kiếm tìm?

Sau này, ta biết rằng cuộc kiếm tìm ấy sẽ diễn ra ở Bayern.

Bayern đang ở đâu, bóng đá Đức đang ở đâu?

Chúng ta thử vẽ một đồ thị. Barca là một đường nằm ngang, nhưng là nằm ngang trên đỉnh. Họ đã lên đỉnh từ 4-5 năm nay, và bây giờ đang nỗ lực duy trì đỉnh cao ấy. Còn Bayern là một mũi tên hứơng lên cao dần dần, và độ dốc lên cao ấy tăng mạnh trong năm vừa qua. Thắng lợi trận bán kết lượt đi của Bayern là xứng đáng, nhưng cũng là quá lớn so với tương quan lực lượng. Bayern hơn về thế, nhiều hơn là thắng về lực.

Bayern mạnh mẽ, chặt chẽ, toàn diện, đồng đều. Khó chỉ ra một điểm yếu của Bayern. Nhưng hình như Bayern còn thiếu đi một cái gì đó thật mê hoặc, thật đắm đuối, như chính Barca, hay thậm chí như Dortmund. Và Bayern biết rằng họ vẫn phải kiếm tìm. Đấy là lý do vì sao Bayern phải chiêu mộ cho bằng  được Guardiola, Lewandowski, Goetze... Những nhân tố mới này có sức hút khác hẳn. Cái sức hút khởi nguồn từ cách chơi, từ lối đá, từ tính nghệ thuật trên sân cỏ.

Và điều này cũng liên quan đến bóng đá Đức nói chung. Suốt hơn 10 năm nay, bóng đá Đức lặn lội trong một cuộc kiếm tìm. Và họ đã tìm ra rất nhiều thứ,tạo cơ sở cho cuộc trở về được ngưỡng mộ trên sân cỏ quốc tế. Đức đột nhiên có lối chơi khác trước, lối cuốn hơn, và cũng không kém thành công. Ở cấp CLB, cũng như ở đội tuyển. Chỉ một ví dụ thôi: chưa bao giờ Đức có một lực lượng đông đảo cầu thủ chơi hay như thế, trẻ trung như thế, nhất là tuyến tiền vệ tấn công: Goetze, Reus, Kroos, Oezil, Guendogan, Draxler... Đến nỗi Rudi Voeller đã phải cảm thán rằng: "Ước gì ngày nắm đội tuyển tôi chỉ có được một cầu thủ như thế!”.

Sự đổi thay của bóng đá Đức không diễn ra trên một con đường bằng phẳng. Dư luận vẫn rất nghiêm khắc: Hãy mang về một danh hiệu, rồi lúc ấy sẽ phân tích. Danh hiệu cuối cùng Đức có được là vô địch châu Âu 1996. Lâu quá rồi. EURO 12 Đức đã từng hy vọng, nhưng rồi họ thua Italia 1-2 trong trận bán kết. Một trận thua khiến người ta phải tính lại các giá trị.

Đấy là lúc một số người lần hồi nhớ về những cỗ xe tăng, những thắng lợi mang đậm dấu ấn của tính kỷ luật sắt thép và ý chí không khoan nhượng, hay gương mặt đằng đằng sát khí của Oliver Kahn, Stefan Effenberg hay Michael Ballack. Suốt từ trận thua Italia 1-2 tới trận hòa Thụy Điển 4-4, bóng đá Đức như có sự hoang mang trong việc chọn đường: Đi tiếp, hay quay lại? Và chính Joachim Loew cũng có lúc tự vấn chính mình. Để rồi họ cũng thấy, phải đi tiếp con đường tìm kiếm, và gắng duy trì sức mạnh truyền thống. Bóng đá Đức là như vậy: Không để thắng lợi may mắn ở World Cup 2002 ru ngủ, và cũng không để thất bại tại EURO 2012 lung lạc. Đã chọn đường rồi, thi cứ thế mà đi, nhưng phải kịp thời hiệu chỉnh.

Chúng ta có thể kiểm chứng điều đó: Cả Real lẫn Barcelona đều ngạc nhiên về sức chiến đấu của cầu thủ thuộc các CLB Đức: Rất mạnh mẽ, cả về thể lực lẫn tinh thần, vẫn hiệu quả, nhưng cũng vô cùng đẹp mắt. Chính vì vậy, mà 2 CLB Tây Ban Nha đều nhận rằng, họ thua là xứng đáng. Pique: "Họ chơi quá hay. Ngay cả một vài lỗi lầm cuả trọng tài cũng không phải là lời bào chữa cho thất bại của chúng tôi”. Hãy nhớ tới gương mặt Mario Goetze, măng tơ như trẻ con, nhưng danh thủ này đã vững vàng như thế nào trong trận chiến ở Dortmund, khi tâm lý anh bị thử thách nặng nề vì khán giả biết anh sắp chuyển về Munich. Ý chí đâu cứ nhất thiết phải là dữ dội?

Nhưng ngay cả điều đó cũng không có nghĩa là các CLB Đức đã đến đích, bóng đá Đức đã đến đích.

Đây là lúc phải tỉnh táo. Nhà báo Lukas Rilke viết trên tờ Spiegel: "Còn lâu bóng đá Đức mới được như Tây Ban Nha”. Cho dù Bayern và Dortmund đã tạo ra lợi thế rất lớn sau trận bán kết lượt đi, để nhiều người có quyền hy vọng về một trận chung kết Đức- Đức, thì câu hỏi đặt ra vẫn là: vậy thì các CLB Đức khác đang nằm ở đâu? Wolfsburg, Stuttgart, Schalke, Hannover, Moenchengadbach... đều thua thảm trên đấu trường châu Âu, như một quy luật: sau một mùa thăng hoa, là nhiều mùa vất vưởng, do nền tảng chưa vững, nội lực chưa mạnh. Một Lazio chẳng phải là hùng cường gì ở Italia, thế mà loại liên tiếp 2 CLB Đức ở Europa League!

Tiếp theo đó là đội tuyển quốc gia. Đức vẫn mang nơ Tây Ban Nha đó thôi: Thua ở chung kết EURO 2008, thua ở bán kết World Cup 2010. Rồi tuyển Đức bị loại ở bán kết EURO 12 vẫn cứ đứng nhìn Tây Ban Nha lên ngôi lần thứ 3 liên tiếp. Và khát vọng về thắng lợi của Đức  tại World Cup 2014 cũng đang tỏ ra rất xa vời.

Nói như vậy hoàn toàn không có ý nghĩa chê bai, mà chỉ hàm ý thức tỉnh. Bóng đá là vậy, thắng cũng chẳng hết lo, còn thua thì không bao giờ được nản chí. Một sự kiếm tìm, một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ.

Vũ Công Lập

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm