09/10/2015 06:17 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải bìa thời bao cấp hay chuyện tem phiếu phân phối đâu. Nhưng quả thật những mảnh bìa carton màu mè nhiều khi có tác động ghê gớm đến tâm lý con người.
Chuyện thế này, nó chưa được đưa lên báo, nó cũng chỉ là chuyện rất nhỏ xảy ra ở Trường THCS Giảng Võ, lớp 8 (tên lớp và tên cô thì sau vụ chê cà-vạt xấu bị trường đuổi học, bố mẹ nào cũng tránh né, nhỡ đâu con mình đột nhiên phải chuyển trường, dù nó chẳng chê bai gì nhà trường) có một học sinh về kể với mẹ rằng cháu rất ngạc nhiên vì sao trong cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam, cô giáo bảo có thể viết tay hoặc đánh máy, có một bạn chăm chỉ lắm, viết tay hẳn 10 trang, còn cả lớp đánh máy (chúng con chủ yếu là copy, paste, cháu bảo thế, còn bạn ấy rất nghiêm túc), mà cô đã nói có thể viết tay, nhưng lúc bạn nộp bài cô lại từ chối bài. Thật không hiểu nổi.
Cô bảo phải có hình thức đẹp, đánh máy, rồi đóng bìa, mất thêm 100 nghìn đồng nữa cho một bài dự thi… Chúng con nộp xong không nhớ nội dung có những gì. Bạn bỏ công chép tay thì nhớ. Nhưng bạn bị từ chối bài dự thi và rất ức. Chúng con cũng ức thay cho bạn…
Cứ nghĩ đến những tập bài dự thi ngay ngắn đóng bìa cứng, xanh xanh đỏ đỏ, ở không phải cuộc thi này mà nhiều cuộc thi khác, tự dưng thấy xót ruột, tiếc chỗ giấy vô bổ lãng phí mà vì nó phải phá đi vô số rừng đầu nguồn.
Và hơn cả xót ruột, một nỗi cũng có thể gọi là ức, giống như từ mà bọn trẻ con nói, tự dưng ngập tràn. Bệnh hình thức và giả dối ăn vào lòng con trẻ từ những chuyện nhỏ, chuyện con con như thế, từ quá lâu rồi.
Nếu chúng nó có bảo Nguyễn Huệ là anh họ Nguyễn Du thì người lớn rú lên cười, sau đó than khóc sùi sụt bởi nền giáo dục ngày càng xuống cấp. Nhưng thử nghĩ xem, làm sao bọn trẻ có thể có kiến thức nếu cuộc thi mang tên “Em yêu lịch sử” hay một cuộc thi nào đó tương tự chuyển thành cuộc thi yêu những bìa cứng.
Chẳng có gì để nói nếu câu chuyện nhỏ trên không phải là một câu chuyện cực kỳ phổ biến hiện nay. Nghĩ lại rồi thấy, tâm hồn người ta bị ép từ nhiều luân lý giáo điều là một nhẽ, bị ép từ những mảnh bìa cứng như bìa của những bài dự thi là một nhẽ khác. Cứ dần dà, thói chuộng hình thức ăn vào tâm hồn trẻ em, chúng nó lớn lên, cũng coi trọng những thứ láng coong bên ngoài hơn cái nội dung bên trong.
Ờ, mà cũng chẳng phải tìm kiếm ví dụ đâu xa. Mùa Trung thu, cứ nhìn sự đẹp đẽ của bao bì, của bề ngoài các hộp bánh tăng trưởng vùn vụt theo thời gian, cốt để phục vụ công cuộc biếu xén, còn chất lượng bánh ngày càng tệ, là thấy chúng ta ngày càng yêu những tấm bìa carton nhiều đến thế nào…
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất