19/08/2015 05:20 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Gần đây, dư luận xôn xao trước việc một thanh niên đứng ở đường cầm tấm biển: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi”. Theo tìm hiểu, đó là tân cử nhân trường Đại học Điện lực Phùng Đức Ninh (Sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh).
Sở dĩ cậu làm việc này vì ra trường thất nghiệp, vợ mới sinh con, gia đình bố mẹ già yếu nên cũng không hỗ trợ được nhiều. Gia đình 3 miệng ăn đều trông chờ vào bàn tay lao động của Ninh. Chia sẻ với báo chí, Ninh thừa nhận ra đường xin việc vì quá bế tắc trước tình cảnh túng quẫn.
Ngay khi hành động của Ninh được đăng tải trên các trang mạng xã hội cũng như báo chí, có một số ý kiến cho rằng hành động của Ninh là “nhục nhã” cho “tân cử nhân sức dài vai rộng”.
Nhiều “thuyết âm mưu” mang tính phỏng đoán tố chất Ninh cũng được đề cập như do Ninh “lười biếng”; vì Ninh năng lực chuyên môn “kém”, bởi Ninh “sĩ diện hão” với tấm bằng cử nhân...
2. Trước hết, chúng ta cùng thừa nhận rằng việc ra đường tìm việc không phạm pháp. Còn ở góc độ đạo đức, một người chồng, người cha đứng đường để kiếm việc làm lấy tiền mua sữa cho con, chăm vợ vừa sinh có gì sai, có gì “nhục”?
Miễn bàn đến những vấn đề vĩ mô như hệ thống giáo dục, chính sách việc làm, tôi chỉ muốn quan sát trường hợp cử nhân xuống đường xin việc của Ninh dưới góc độ con người. Chắc hẳn ai cũng từng trải qua những ngày khó khăn của cuộc đời.
Ai cũng từng bế tắc về bổn phận và trách nhiệm với gia đình cùng những người thân. Và hơn hết thảy, ai trong chúng ta cũng từng gặp vấn đề liên quan đến tiền.
Và từ trải nghiệm cá nhân ấy, ta nên thông cảm thay vì trách cứ Ninh. Ta nên tôn trọng sự khác biệt trong cách tìm việc của người trẻ, cũng như động viên “mầm lương thiện” mà Ninh đang cố giữ trước cảnh huống khó khăn của cuộc đời. Và hơn hết thảy, ta cần khâm phục người cha 9x đã dũng cảm lao vào “tâm bão” của dư luận để kiếm việc nuôi vợ con.
3. Chúng ta bị ám ảnh nhiều bởi con số 172.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp. Dư luận đã lao vào “ném đá” những người này khi cho rằng: họ không năng động tìm việc mà nằm dài chờ sung rụng.
Đến hôm nay, một trong 172.000 thạc sĩ, cử nhân ấy sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan tuyển dụng không thành đã xuống đường để mong có việc thì dư luận lại quay sang chỉ trích cậu “đớn hèn”.
Đó không phải là hành động “đớn hèn”, đó là quyết định mạnh mẽ. Và thật buồn nếu những sự khác biệt mới chớm nở đã bị công kích, những hành động tìm việc lương thiện mới xuất hiện đã bị phán xét là “nhục”.
Cần nhắc lại, Phùng Đức Ninh không xin ăn nên không thể đánh tráo khái niệm bằng việc dùng cụm từ “tân cử nhân sức dài vai rộng”. Ninh xin việc để lao động chân chính, kiếm tiền nuôi vợ con.
Câu hỏi đặt ra, ai mới là kẻ “nhục”, kẻ “hèn”? Người đứng đường giữa trưa nắng rát bỏng để xin việc nuôi vợ con hay những người ngồi điều hòa ẩn sau những nick name, những “bút danh” trên mạng để “tấn công” người khác đang trong cơn khốn khó?
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất