Khẩu súng & biểu tượng của người Mỹ

08/05/2012 07:16 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Nếu nói về tự do và quyền cá nhân ở Mỹ thì câu chuyện về khẩu súng có lẽ là tiêu biểu nhất.

Mua cực dễ

Hiệu bán súng đạn VA Guns Co. nằm ngay bên con đường cao tốc 28 chạy xuyên qua thành phố Manasas, bang Virginia. Nhìn bề ngoài nó chẳng khác là mấy so với quán ăn Trung Quốc nằm kế bên. Kính đen kín mít và cửa hẹp chỉ vừa cho hai người tránh nhau. Đẩy cửa bước vào, một cảm giác lành lạnh chạy qua dù các nhân viên bán hàng ở đó cực kỳ niềm nở giống như bạn bước vào siêu thị Best Buy. Súng treo kín trên tường và để trong tủ kính. Súng lủng lẳng bên hông của tất cả mọi nhân viên (có lẽ vì điều này mà cả hai cửa hàng người viết ghé thăm đều không có nhân viên bảo vệ).

Mua súng ở Mỹ vui như mua hàng ở siêu thị

“Anh cần gì, một khẩu súng trường, súng săn hay một khẩu súng ngắn”? David Malveric chìa cho tôi tấm danh thiếp và tỏ ý sẵn sàng cho bất cứ nhu cầu nào của khách hàng. “Mua súng ở đây, tôi cần những giấy tờ gì”?, tôi hỏi. David liệt kê rằng bên cạnh một giấy có thể chứng nhận anh đang cư trú ở Virginia (hóa đơn điện nước chẳng hạn), thì thứ giấy tờ thứ hai cực kỳ đơn giản mà bất cứ ai ở Mỹ có lẽ đều có: bằng lái xe. Chỉ thế là đủ, vì trên tấm bằng đó đã có năm sinh, địa chỉ. Luật ở bang Virginia chỉ đòi hỏi người mua súng trường hay súng săn phải từ 18 tuổi, và súng ngắn là từ 21 tuổi. Cũng chẳng cần phải có giấy phép sử dụng súng hay giấy chứng nhận đã qua đào tạo, ngoại trừ nếu ai đó định mang súng ngắn theo người thì phải xin giấy phép.

Đơn giản thế sao? Đúng, nhưng vẫn chưa phải đơn giản nhất. Ở bang Vermont giáp với phía Đông của New York, thậm chí được phép mang súng theo người không cần giấy phép. Ở Kentucky không giới hạn số lượng súng một người được phép mua giống như bạn đi sắm quần jeans. Ở Texas, nơi mà chúng ta vẫn “thăm” nơi đây qua các bộ phim cao bồi với các tay súng thiện nghệ cũng chỉ có giới hạn về tuổi khi nhắc tới chuyện súng đạn. Ở Okalahoma cũng vì người mua và người bán không cần giấy phép nên đôi khi dân cư sống ở bang này vẫn mua súng theo kiểu tình cờ nổi hứng.

Bắn thì khó

Ở Okalahoma đầu năm nay xảy ra chuyện một bà mẹ trẻ 18 tuổi nổ súng giết chết một kẻ lạ mặt với con dao dài chừng 30cm định đột nhập vào nhà cô. Vụ việc này tiêu biểu cho cái gọi là quyền tự vệ bằng vũ khí sát thương khi tính mạng bị đe dọa. Số là Sarah McKinley là góa phụ mới được hai tháng, lại ở nhà một mình với cậu con trai mới ba tháng tuổi. Sarah có hai khẩu súng, nhưng cô không dám chắc quyền hạn sử dụng của mình tới đâu, đã gọi cho 911 khi kẻ lạ mặt đã áp sát cửa nhà cô. Cuộc nói chuyện điện thoại với nhân viên 911 kéo dài hơn 20 phút cho cô tư vấn rằng: “Tôi không thể nói rằng cô có thể bắn hắn ta, nhưng cô hãy làm mọi thứ để bảo vệ đứa bé”. Và thêm một lời khuyên nữa, là: “Hãy chỉ bắn khi hắn đã bước vào nhà cô”.


Nếu Sarah bóp cò khi kẻ xâm nhập kia còn đứng ngoài cửa, có thể giờ đây cô sẽ phải đứng trước tòa để xem xét việc mình làm có đúng luật hay không. Nói cho đúng, dùng súng làm sao để không phải đi tù đền mạng là một vấn đề phức tạp dù cho đôi khi mục đích là để tự vệ.

Nước Mỹ vẫn đang bị chia rẽ bởi vụ chàng thiếu niên Tracy Martin bị bắn khi trên tay không có một tấc vũ khí, nhưng kẻ đã giết chết cậu bé thì cáo buộc rằng chính nạn nhân đã định tấn công anh ta và còn định giành lấy khẩu súng. Một cuộc tranh luận pháp lý bên cạnh vấn đề phân biệt chủng tộc (vì Martin là người da màu) kéo dài mấy tháng qua, suốt ở cấp độ tiểu bang lên tới cả Nhà trắng và Quốc hội.

Theo trung úy cảnh sát Annette Horn ở bang George, nơi không cho phép mua bán súng dễ dàng, sử dụng súng để tự vệ chỉ nên trong những trường hợp như đối tượng có súng trong tay và hướng về phía bạn. Nếu hắn có súng mà lại không đưa ra cho bạn thấy, tức là chưa có sự đe dọa. Bạn cũng chỉ có thể giương súng lên nếu như đối tượng có vũ khí trong khoảng cách chừng 7m. Hoặc trong tình huống xảy ra rất nhanh thì cự li lúc đó có thể là 10m.

Thế cho nên, bên cạnh những cái chết oan hay xác đáng, hạnh phúc vì đã tự vệ thành công, còn có cả những nỗi lo lắng về những món nợ phải trả cho luật sư cãi sao cho vô tội. Harold Fish, năm nay 65 tuổi, bị tòa xử tội giết người khi ông đã bắn một con chó có dấu hiệu tấn công ông và sau đó người chủ của con chó cầm tuốc-nơ-vít lao vào ông. Cảm thấy bị oan ức nên ngồi tù 5 năm rồi ông vẫn thuê luật sư để thay đổi bản án. Kết quả là được ra tù năm 2009 nhưng đến cuối năm ngoái, ông vẫn chưa trả xong tiền thù lao cho các luật sư.

Những chuyện như nói trên ở nước Mỹ không hiếm. Theo thống kê chính thức, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 100 ngàn người bị dính đạn. Trong số đó, hơn 31 ngàn người bỏ mạng, tương đương với số người Mỹ thiệt mạng vì tai nạn giao thông (khoảng 32 ngàn người trong năm 2010).

Tranh cãi bất tận

Hai vợ chồng ông bà Liam và Nancy Williams bước xuống từ chiếc xe hơi Yokon, tìm mua một khẩu súng ngắn ở cửa hàng VA Guns Co. Với một thông điệp ngắn gọn là “mọi người cần phải có súng để tự vệ một cách công bằng, bởi tội phạm sẽ luôn đương nhiên có vũ khí dù luật pháp có cấm đoán”.


Chúng ta đều biết rằng hầu hết người Mỹ sở hữu súng coi đó là quyền tự do cá nhân. Một câu nói cửa miệng là nếu nước Mỹ không cho tự do về súng đạn, chắc chắn tình trạng tội phạm sẽ tràn lan khi mà người nhập cư trái phép không ngừng tăng, và vấn đề chia rẽ giai cấp ngày trở nên sâu sắc. Ngay cả khi sở hữu súng ở đây chỉ là để thực thi một việc mang tính thảm họa khác là tự sát. Thật ngạc nhiên khi biết rằng trong số hơn 31 ngàn người chết vì súng mỗi năm ở Mỹ, có tới khoảng 18 ngàn người (chiếm đa số) dính đạn theo kiểu tự họ gí súng vào thái dương mình mà bóp cò.

Vì là quyền nên bất cứ sự thắt chặt nào cũng bị phản đối. Ngay cả đạo luật liên bang cấm mang súng trong khu vực có bán kính 1.000ft (khoảng hơn 300m) quanh trường phổ thông ở Mỹ cũng từng bị đem ra Tòa án Tối cao phán xử xem liệu Quốc hội và Chính phủ có vi phạm quyền cá nhân hay không. Không biết có phải vì cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng vốn chưa bao giờ ngừng nay lại nóng hơn nên cả hai cửa hàng bán súng hoành tráng nhất ở thành phố Manasas, bang Virginia là VA Guns Co. và Arms and Ammo Warehouse đều từ chối cho quay phim và chụp ảnh nên tôi cứ phải giả vờ nghe điện thoại mà bấm chức năng chụp hình.

Đón đọc những câu chuyện về nước Mỹ qua góc nhìn của Phạm Tấn, phóng viên TTXVN thường trú tại Washington D.C, trong mục Chuyện nước Mỹ sẽ xuất hiện 2 tuần/lần trên TT&VH Cuối tuần, bắt đầu từ số báo 18.

Dẫu sao, tranh cãi về vấn đề sở hữu và dùng súng cá nhân cũng vẫn ít mang màu sắc thương mại nhất, dù cho đang có khoảng 300 công ty sản xuất và kinh doanh bám vào thứ vũ khí bảo vệ nhưng cũng là giết người này với doanh số khoảng 6 tỷ USD mỗi năm. Chỉ riêng trong năm 2010, ngân sách của Mỹ đã thu tới gần 500 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng từ số súng người dân trên toàn nước Mỹ đã mua gấp trong nỗi nơm nớp rằng chính quyền của ông Obama có thể siết chặt quyền mua súng của mọi người.

Ông Liam nói rằng ông không nhớ nổi trong 30 năm qua ông đã mua bao nhiêu khẩu súng. Ông cười rất to rằng ông sẽ lại bầu cho Tổng thống Obama ở cuộc bầu cử tháng 11 năm nay vì ông này đã không gây khó dễ cho ông và những người Mỹ khác được sở hữu súng - một thói quen đã có cả trăm năm nay ở đất nước này.

Giá một khẩu súng ngắn tham khảo ở VA Guns Co. & Arms and Ammo Warehouse dao động từ 300 tới hơn 1.000 USD. Với mức giá này hầu hết người dân Mỹ có thể mua được súng bởi công lao động một người sửa xe hơi khoảng 40 USD/h hay một thợ sửa đồ điện tử là khoảng 60 USD/h.

Phạm Tấn (P/V TTXVN tại Washington D.C)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm