02/09/2012 07:15 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH Cuối tuần) - Nền kinh tế phục hồi chậm làm cho cuộc vật lộn tìm cách tồn tại của ngành báo in vốn bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi báo điện tử ở Mỹ trở nên khó khăn.
Giá báo 1 tuần = 1 chiếc bánh mì
Bảy ngày trong tuần, người đưa báo đều đặn đặt trước cửa căn hộ tôi ở 1 tờ Washington Post dày cộp với các tin tức không quá nguội (so với báo mạng) và các bài viết phân tích dài dằng dặc, có thể đủ để nhâm nhi trong cả một ngày. Số ra Chủ nhật như là một cẩm nang hướng dẫn cuối tuần này mua gì, chơi gì, ở đâu cho rẻ cực kỳ chi tiết và hữu ích. Hãy thử đoán xem tôi và những người hàng xóm của mình phải trả bao tiền?
Xin thưa ngay, chỉ là 1,85 USD (chưa đến 40 ngàn đồng) cho cả một tuần đặt báo với dịch vụ giao báo tới tận nhà. Rẻ hơn cả một chiếc bánh mì cỡ lớn bán trong siêu thị Giant, hay chỉ ngang giá với một lon Coca!
Nhưng hai ông bà hàng xóm của tôi là Howard và Linda thậm chí chẳng phải trả một xu nào cũng có một sấp báo cầm tay. Ông Howard hàng ngày đi làm bằng tàu điện ngầm, chưa bước đến cầu thang cuốn dẫn xuống dưới bến tàu đã có những người phát báo miễn phí tiến đến gí tờ báo vào tay ông kèm theo lời chúc “Một ngày tốt lành nhé”. Bà Linda sáng sáng bước xuống dưới cửa khu nhà lượm một loạt các tờ báo đặt trong hộc phát miễn phí.
Tin tức từ những tờ báo phát miễn phí như Washington Examiners, Express in khổ nhỏ không sót, thậm chí còn gần gũi và thiết thực với hàng loạt vấn đề của địa phương như sửa đường, đổi lịch xe điện ngầm hay hôm nào thì điểm tham quan nổi tiếng hồ nước Reflecting Pool sẽ mở cửa trở lại.
Vậy mà Washington Post trong vòng một năm qua (từ tháng 3/2011 đến 3/2012) đã mất tới gần bốn vạn bản phát hành mỗi ngày, từ hơn nửa triệu xuống còn chừng 467 ngàn tờ (theo số liệu của Audit Bureau of Circulations - ABC). Báo ra ngày Chủ nhật của Washington Post cũng mất độc giả ghê gớm, chỉ còn hơn 688 ngàn tờ trong khi ba năm trước, phát hành của nó vẫn còn ở mức hơn 822 ngàn tờ.
USA Today vẫn là tờ báo số phát hành báo giấy lớn nhất nước Mỹ với 1,8 triệu tờ mỗi ngày. Số liệu của ABC cho hay vì là tờ báo sống dựa chủ yếu vào việc “đi kèm” với các hãng hàng không và hệ thống khách sạn, nên số lượng phát hành của báo chỉ giảm 0,64% trong một năm qua.
Cuộc suy thoái báo in ở Mỹ được cho là bắt đầu từ năm 1987, mạnh mẽ nhất trong những năm đầu thế kỷ 21, kéo dài cho tới nay. Nếu như năm 1940, có 41,1 triệu người Mỹ bỏ tiền mua báo hàng ngày thì tới nay, con số ấy ngót xuống chỉ còn 30,4 triệu (vẫn theo ABC). Một trong những giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng nhất, 2008 -2009, ghi nhận ngành báo in của cả nước Mỹ giảm gần 11%.
Bỏ báo in hoặc phá sản
Dù cái giá khuyến mãi 1,85 USD nói trên cho cả tuần đặt báo đã rất rẻ, nhưng thực tế là Washington Post đã tăng giá tới 76% so với 5 năm trước, và trong năm 2009, ông chủ của nó đã thực hiện tới hai lần tăng giá khác nhau đối với dịch vụ mua báo tại quầy. Nhưng tiền tăng giá bán báo không bù nổi cho cú đấm chí mạng là doanh thu quảng cáo trên báo giấy cũng giảm.
Trong 15 quý gần đây nhất (tính tới đầu năm 2012), Washington Post lỗ tới 13 quý (chỉ 2 quý có lãi). Tính trong cả giai đoạn ấy, tờ báo này lỗ tới 412 triệu USD, trong đó riêng quý gần nhất lỗ 23 triệu USD và tổng doanh số giảm 7%. Và hậu quả là trong vòng 8 năm qua, giá trị cổ phiếu của Washington Post trên sàn chứng khoán ở New York mất giá tới 60%.
Các tờ báo nhỏ hơn chịu hậu quả nặng nề hơn. Những tờ từng có hàng chục ngàn bản in như Rocky Mountain News, The Seattle Post Intelligencer phải ngừng in báo, chỉ còn duy trì phiên bản điện tử. Hàng loạt tờ báo khác tuyên bố phá sản, từ Tribune Company, Minneapolis Star Tribune, cho tới Philadelphia Newspapers Company, Chicago Sun Times, Freedom Communications, Heartland Publications. Một số thì cắt giảm số ngày in báo như Ann Abor News từ báo ngày nay chỉ còn tuần hai số, tờ Calgary Herald, Edmonton Journal... bỏ số Chủ nhật.
Wall Street Journal là tờ báo duy nhất ở Mỹ tăng trưởng cả doanh thu quảng cáo và phát hành trong 5 năm liền |
Người Mỹ thích đọc báo gì?
New York Times, tờ báo có lượng phát hành lớn thứ ba ở Mỹ với trên dưới 800 ngàn tờ mỗi ngày cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của suy thoái. Tờ báo này mất 6% lượng phát hành báo ngày và 2% lượng phát hành số Chủ nhật, trong khi doanh thu quảng cáo tiếp tục giảm (năm 2011 giảm 3,7%).
Nhưng New York Times lại bù đắp được bằng việc tăng giá báo và doanh số phát hành vì thế bù đắp được cả phần sụt giảm của doanh số quảng cáo. Mua một tờ New York Times tại sạp báo giá 2,5 USD, nhưng nếu đặt mua cả tuần mà cộng thêm phí giao báo cũng chỉ có 6,05 USD/tuần - chỉ ngang với phí đỗ xe ở bên đường trong thời gian một tiếng.
Và News York Times dù trước khi mời Mark Thompson, cựu Tổng giám đốc BBC về làm CEO với chiến lược chú trọng tới phiên bản điện tử hơn, cũng đã được coi là một hình mẫu thành công của việc phát triển phiên bản điện tử. Dù cho độc giả phải trả phí để có thể truy cập và tiếp cận thông tin không giới hạn trên trang web nytimes.com, nhưng nó thu hút được tới 807.000 người đăng ký - nhiều hơn cả số phát hành của báo giấy. Mỗi account, tờ báo này thu tới 3,75 USD/tuần (62% so với giá trị báo giấy) nếu như đó không phải là người đăng ký mua báo giấy.
Dẫu vậy, Wall Street Journal mới là tờ báo được người Mỹ đón đọc nhiều nhất (tính cả báo giấy và báo điện tử) với 1,566 triệu bản in mỗi ngày cùng với 552.000 người đọc phiên bản điện tử trả tiền. Sản phẩm của tập đoàn ông trùm truyền thông Robert Murdoch này là tờ báo duy nhất vẫn đạt được sự tăng trưởng đều đặn ngay cả trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất, 5 năm liền tăng đều đặn trên mọi phương diện. Trong năm 2011, doanh thu bán báo tăng 8% còn quảng cáo tăng 7% đối với báo in, còn báo điện tử tăng tương ứng là 22% và 19%.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, sự phát triển của báo điện tử ở Mỹ vẫn chưa thể bù đắp được cho những tổn thất mà chính nó gây nên với ngành báo in. Thống kê của tổ chức này cho thấy cứ 10USD mà báo giấy mất đi thì báo điện tử mới kiếm được đúng 1USD. Nhưng tương lai vẫn là của báo điện tử khi mà Pew ước tính cứ 5 người Mỹ trưởng thành lại có 4 người sở hữu máy tính, 2 người có smart phone và 1 người có máy tính bảng. Thu phí độc giả online là bước đi bắt buộc, với ước tính sẽ có 150 trang web tổ chức thu tiền trong năm 2012 sau khi đã có khoảng 100 trang web thực hiện điều đó trong năm 2011.
Hình ảnh đi ngược dòng nước của Wall Street Journal chứng tỏ một điều, người dân Mỹ bắt đầu ngán ngẩm các vấn đề chính trị, thì họ vẫn không thể từ bỏ một tờ báo chuyên sâu về tài chính, kinh doanh.
Nhưng Wall Street Journal tăng trưởng còn nhờ những cải tiến mà tờ báo ấy thực hiện, đặc biệt ở góc độ trình bày. Sau khi tờ báo bớt chữ đi, thêm nhiều màu hơn, và đặc biệt xây dựng trang chỉ số chứng khoán thân thiện hơn, doanh thu quảng cáo đã tăng đột biến, tới 24% trong tháng thay đổi đầu tiên (10/2011) so với cùng tháng năm trước.
Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Washington D.C)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất