Chuyện nước Mỹ: Quốc hội cũng chỉ như… siêu thị

19/07/2012 06:52 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Nếu đã kiếm được một chỗ đậu xe hơi thì quốc hội Mỹ trở thành một nơi ra vào còn dễ hơn cả… siêu thị.

Mặc gì cũng được

Chàng thanh niên mặc quần đùi và áo sát nách lê đôi dép xỏ ngón thản nhiên đi dọc hành lang san sát văn phòng những ông nghị ở tòa nhà Hart Senate Building. Nếu anh ta chỉ chậm lại chừng mười phút, có thể sẽ đụng với vài đoàn nghị sĩ từ mấy nước mà qua ngôn ngữ có thể biết được là đến từ Nam Mỹ và qua gương mặt thì đích thị là Á châu tới thăm và làm việc. Có vẻ như anh ta là một nhân viên của một ông nghị nào đó vì trên tay còn cầm cả cái áo vest và chiếc ca-táp màu đen.

Ở tòa nhà Russel Senate gần đó, một toán người áo phông quần short nhanh chóng qua cửa kiểm tra an ninh đi như tản bộ dọc hành lang cắm chi chít cờ mà qua đó người ta có thể phán đoán là ông nghị kia đại diện cho tiểu bang nào.

Ở tòa nhà chính Capitol Hill, chuyện ra vào quy củ hơn, quần áo phải chỉnh tề hơn, và có những lối đi và khu vực bắt đầu đặt biển cấm. Nhưng khoảng cách từ chỗ người dân tiếp cận được tới khu vực các nghị sĩ bỏ phiếu cách nhau cũng chỉ vài chục bước chân.

Khu nhà quốc hội Mỹ uy nghiêm nếu nhìn từ bên ngoài

Những buổi điều trần ở cả Hạ viện và Thượng viện diễn ra thường xuyên theo cơ chế hễ xảy ra chuyện là các nghị sĩ có thể yêu cầu chính quyền của tổng thống phải đứng ra giải trình, báo cáo, và người dân có thể tiếp cận được miễn là còn chỗ ngồi với nguyên tắc ai đến trước thì ngồi trước.

Ở đây không phải là câu chuyện chiếc áo với thầy tu, và việc ăn mặc thoải mái không có nghĩa rằng người Mỹ không trọng thị cơ quan lập pháp tối cao. Nó chỉ cho thấy một thông điệp rất đơn giản: Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân và chuyện gặp người mà mình đã bầu lên không được khó khăn hơn việc đi bầu!

Thậm chí những cái quyền cơ bản đó của người dân Mỹ còn được luật hóa trong bộ luật Thượng viện, cho phép người dân có mặt ở bất cứ phiên họp, điều trần nào trừ phi liên quan tới bí mật quốc gia hay có thể làm ảnh hưởng tới đời tư của một đối tượng nhất định.

Tiếp dân là một quy trình rất giản đơn, nếu không có hẹn trước thì vẫn có thể gõ cửa phòng thư ký của nghị sĩ xin gặp. Có cả một đường dây điện thoại nóng để người dân có thể kết nối với bất cứ nghị sĩ nào. Ở Mỹ, người dân vẫn kháo với nhau rằng trong số các nữ nhân viên văn phòng (hay cả các thực tập sinh), các nữ nhân viên, làm việc tại các tòa nhà quốc hội là những người có ngoại hình đẹp nhất và niềm nở nhất.

Quốc hội Mỹ không chỉ là Capitol Hill mà còn là 7 tòa nhà rộng lớn làm trụ sở cho các nghị sĩ làm việc chuyên trách. 435 hạ nghị sĩ làm việc trong bốn tòa nhà có tổng diện tích tương đương 418.000m2 và 100 thượng nghị sĩ làm việc trong ba tòa nhà rộng 280.000m2.

Pete Kaplin, 50 tuổi, đi cùng hai cậu con trai nhỏ trong bộ trang phục của thần tượng bóng đá Mỹ Manning lang thang trong khu nhà Russel, nói rằng ông không nhớ được quốc hội Mỹ mở cửa và tự do như thế từ khi nào. Ông coi đó là chuyện đương nhiên vì những chữ đầu tiên trong Hiến pháp Mỹ là “We the people” (Nhân dân chúng ta) cũng được coi là một khẩu hiệu của quốc hội.

Sân sau của Capitol Hill

Nhưng ngược lại với việc người dân có quyền tiếp cận gần như tối đa với quốc hội, thì một con đường tắt nối giữa quốc hội Mỹ với K Street - con phố của các công ty lobby, lại ngang nhiên tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật. Có là bình thường khi lái xe từ Capitol Hill tới K street chỉ mất chưa mất vài phút?

Cuộc điều tra của LegiStorm đã phần nào giải đáp thắc mắc với những con số cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa phố K - trụ sở của hàng trăm công ty lobby - với quốc hội. Chỉ trong một thập kỷ 2001-2010, có tới 5.400 người sau khi nghỉ làm ở Capitol Hill đã đầu quân cho các công ty lobby. Tức là cứ khoảng 2 người làm trong lĩnh vực lobby ở Mỹ thì 1 người từng làm ở Capitol Hill. Mà cả hai viện quốc hội Mỹ cũng chỉ có biên chế khoảng 14.000 người (không kể hơn 500 ông nghị). Báo cáo cũng còn cho thấy một bằng chứng khác, trong khoảng thời gian tương tự, có 605 chuyên gia lobby rời phố K chuyển tới làm việc tại văn phòng các nghị sĩ.

Nếu như năm 1998, ngành công nghiệp lobby ở Mỹ chỉ tiêu tốn 1.8 tỷ USD thì đến năm 2010 đã tăng gần gấp đôi, lên 3.55 tỷ USD. Số tiền ấy chảy ra từ túi các doanh nghiệp, qua tay của các công ty lobby và cuối cùng là những dự luật (và luật) có lợi cho các doanh nghiệp do các nghị sĩ soạn thảo và bỏ phiếu được ra đời. Chẳng hạn, dự luật Nông nghiệp sửa đổi 5 năm một lần (mới được Thượng viện thông qua nhưng Hạ viện vẫn đang xem xét), ngay lập tức hàng loạt các công ty sản xuất phân bón đổ tiền vận động cho một điều khoản theo đó quốc hội Mỹ sẽ nới lỏng những quy định về thuốc trừ sâu. Hay các công ty chuyên doanh gạo và lạc của Mỹ dồn tiền vận động cho một điều khoản trong gói dự luật mà Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện vừa mới đệ trình để trong 5 năm tới có thể nhận được nhiều trợ cấp hơn trong số 900 tỷ USD tổng giá trị của Luật nông nghiệp chi tiêu trong 10 năm tới.

Nhưng bên trong thì thoải mái với quần cộc, dép xỏ ngón, thậm chí cả đi chân không

Tổng thống nghèo hơn nghị sĩ

Tổng thống Obama có tổng tài sản khoảng 6 triệu USD/năm kể từ khi ông lên làm tổng thống. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney có tổng tài sản lên tới 240 triệu USD. Nhưng những con số do Forbes đăng tải liên quan tới hai chính trị gia được quan tâm nhất nước Mỹ hiện nay chẳng thấm vào đâu so với các nghị sĩ, những người là một phần của văn hóa lobby đã ăn sâu vào máu của sân khấu chính trị nước Mỹ.

Darrell Issa, hạ nghị sĩ có thâm niên hơn chục năm ở Capitol Hill là người giàu nhất quốc hội Mỹ với tổng tài sản tính tại thời điểm năm 2010 là hơn 448 triệu USD. Ông là đồng sáng lập một công ty chuyên sản xuất thiết bị chống trộm xe hơi. Hạ nghị sĩ Michael McCau, người nằm trên khối tài sản 380 triệu USD trên thực tế còn là con rể của Giám đốc điều hành hãng Clear Channel Communication. Hay hạ nghị sĩ Diane Lynn Black, người chỉ đứng thứ 25 trong danh sách những nghị sĩ lắm tiền nhiều của nhất cũng có phu quân là Giám đốc điều hành Aegis Sciences Corp.

Kaplan nói rằng ông và nhiều người dân khác đều biết tới về sự giàu có của nhiều nghị sĩ, về nguyên tắc hoạt động của các hãng vận động hành lang, nhưng ông tin rằng bất cứ đạo luật nào mà các nghị sĩ đệ trình đi ngược lại với quyền lợi của người dân hay lợi ích nước Mỹ cũng sẽ phải thay đổi nếu như đa số người dân Mỹ phản đối. Như đạo luật sở hữu và sử dụng súng ở Mỹ tồn tại qua bao năm tháng không phải vì các công ty sản xuất súng “chạy” cửa các nghị sĩ để kiếm lợi ích từ ngành công nghiệp mỗi năm có doanh số khoảng 30 tỷ USD mà nó đơn thuần là để trang bị cho người dân những quyền và thiết bị để tự bảo vệ sự an toàn của họ (theo quan điểm số đông).

Bạn không tin lời Kaplan ư? Như chính lời ông nói, hãy đến và kiểm tra, kể cả khi bạn là một người khách du lịch nhân tiện ghé qua một trong bảy tòa nhà văn phòng nghị sĩ chỉ để ghé môi uống một ngụm nước mát lạnh từ trong vòi chảy ra rồi lại tiếp tục hành trình đi thăm nước Mỹ. Từ an ninh gác cửa cho tới các nhân viên văn phòng nghị sĩ chắc chắn sẽ chào đón bạn.

Một người Mỹ chỉ thích ngồi salon ăn bắp rang bơ nhưng vẫn muốn quan tâm đến đời sống của Capitol Hill cũng không sao. Anh ta chỉ cần bật kênh CSPAN là có thể theo dõi hầu như mọi hoạt động của cả hai viện được trực tiếp và chiếu lại 24 tiếng mỗi ngày.

Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Washington D.C)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm