Từ chuyện Inter có thể đổi chủ: Bao giờ đến lượt Juve và Milan?

02/06/2013 13:30 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu một ngày nào đó, Moratti bán đứt Inter cho tập đoàn của tỉ phú người Indonesia Erick Thohir, kết thúc gần 20 năm gắn bó sâu sắc với đội bóng mà ông đã đổ vào đấy hơn 1 tỉ euro trong ngần ấy năm có cả vinh quang và đau khổ, một cơn chấn động mạnh nào có thể ập đến và làm rung chuyển calcio?

Đến bao giờ Berlusconi mới mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào Milan?

Hoàn toàn có thể. Những gì đã xảy ra ở Anh, Tây Ban Nha và Pháp, khi các tài phiệt nước ngoài mua lại các đội bóng và biến chúng thành công cụ kiếm tiền sẽ trở thành một thứ mốt ở nước Ý đang suy thoái.

Hết thời nói "yêu" suông

Trong cơn khủng hoảng tài chính, những ông chủ giờ đây buộc phải dẹp niềm tự hào và sĩ diện về truyền thống gia đình để nhường chỗ cho sự thực dụng, vì tình yêu của họ cho bóng đá không còn đủ sức sinh lợi nhuận. Một nơi bảo thủ và từ lâu đặt nặng những tư tưởng truyền thống khó lay chuyển như nước Ý sẽ phải quen với điều ấy. Roma đã về tay người Mỹ từ hai năm nay. Những romanista ban đầu đau buồn và thất vọng vì nhà Sensi đã bỏ đội cuối cùng cũng phải chấp nhận. Các Interista thì khác. Họ biết về cuộc thương lượng của Moratti và Thohir trên báo chí. Chắc chắn họ buồn. Nhưng họ im lặng. Họ hiểu Moratti, và có lẽ, họ cầu mong những điều tốt nhất cho ông và Inter.

Nhưng "vụ Inter-Thohir" có thể tác động lên calcio theo một cách khác, tạo ra một hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến suy nghĩ của những quyền lực khác của calcio. Nhà Agnelli, Berlusconi và Moratti đều là những quyền lực hàng đầu ở Ý về công nghiệp, truyền thông và chính trị, đồng thời là gia đình đã gắn bó lâu dài với Juve (Agnelli đã sở hữu Juve tròn 90 năm), Milan (27 năm) và Inter (31 năm cùng cha con nhà Moratti). Cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến bộ ba ấy. Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó họ.

Nhà Agnelli, chủ tập đoàn công nghiệp FIAT, đã phải bán một phần cổ phiếu của mình cho các tài phiệt Lybia. Không ít lần Silvio Berlusconi bị thúc giục bán đi một phần cổ phiếu cho đối tác nước ngoài. Inter đến giờ mới chính thức mở cửa đàm phán với một tài phiệt châu Á sau khi không chấp thuận những phương án đầu tư khác từ Nga và Mỹ. Dù sao, đấy vẫn là một tin tốt lành. Bởi từ lâu, nước Ý không còn được coi là một nơi đầu tư béo bở trên mọi lĩnh vực, trong đó có bóng đá, vì rất nhiều lí do khác nhau.

Không mở cửa là "chết"

Những tài phiệt lớn nhất quan tâm đến bóng đá từ Mỹ, Nga, Arab, thậm chí Thái, đã không đến Ý, hoặc họ đã đến (George Soros từng muốn mua Roma) nhưng không được chào đón. Trong khi ấy, tư duy cũ kĩ đã bào mòn sức cạnh tranh của các đại gia Italia. Đầu óc người Ý đã quen với một kiểu làm ăn theo đúng nghĩa gia đình. Những vụ mua bán CLB hầu như không diễn ra. Các cuộc chuyển giao chỉ thực sự diễn ra sau một bi kịch phá sản hoặc gần phá sản nào đó. Điều này đã xảy ra với Fiorentina, Napoli, Lazio, Torino và cả Roma, nghĩa là, người ta chỉ mua những CLB Ý khi họ ở dưới đáy, với mức giá rất thấp, chứ không phải là khi giá trị của họ cao nhất. Inter hiện tại vẫn được giá, và Moratti còn đang cân nhắc một vài điều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Điều chốt lại: trong bóng đá, tiền không phải là tất cả. Nhưng với rất nhiều tiền, kết quả tốt có thể đến nhanh hơn, và thương vụ Thohir-Inter có thể sẽ khiến những quyền lực cũ của calcio, cụ thể là Juve và Milan, phải suy nghĩ. Hoặc mở cửa và kêu gọi đầu tư. Hoặc chấp nhận tụt lùi so với các đối thủ ngày càng giàu hơn.

Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa

2 Chỉ có 2 CLB của Italia lọt vào Top 10 đội bóng đắt giá nhất thế giới, theo bảng xếp hạng mới nhất của Forbes (công bố 17/4/2013). Milan đứng thứ 6, được định giá 945 triệu USD. Juve đứng thứ 8, định giá 694 triệu USD. Đứng đầu là Real Madrid, đội có giá trị lên tới 3,3 tỷ USD.

401 Cũng theo bảng xếp hạng này, Inter chỉ đứng thứ 14 với giá trị 401 triệu USD (309 triệu euro), giảm 18% so với định giá năm 2012.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm