23/01/2015 16:46 GMT+7 | Thế giới
Ngày 23/1, việc hàn nối tuyến cáp quang biển Asia America Gateway – AAG đã được hoàn tất sau 17 ngày bị đứt (từ 5/1), khôi phục hoàn toàn dung lượng internet Việt Nam đi quốc tế.
Trước đó, vào 8 giờ 4 phút ngày 5/1, tuyến cáp quang biển AAG lớn nhất nối Việt Nam với quốc tế bị lỗi trên đoạn cấp cách trạm Vũng Tàu 117km. Sự cố này đã làm sụt giảm 40% dung lượng băng thông internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ, Singapore. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, SPT đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi sử dụng đường truyền của tuyến cáp này kết nối với quốc tế. Như vậy, chỉ trong năm 2014 và tháng đầu tiên của năm 2015, tuyến cáp quang AAG đã bị đứt 5 lần.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, hiện Việt Nam có thể sử dụng bốn tuyến cáp quang biển bao gồm: AAG, SE-ME-WE-3, TVH và IA. Trong đó, tuyến IA mới được xây dựng nhưng dung lượng không lớn bằng tuyến AAG, tuyến TVH có thời gian sử dụng đã 10 - 15 năm. AAG là tuyến cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương đầu tiên nối trực tiếp Đông Nam Á và Mỹ, cung cấp kết nối giữa Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Việt Nam, Hồng Kông, Philippines, Guam, Hawaii.
AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, trong đó có bốn doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT. Tuyến cáp có chiều dài 20.191km (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam có chiều dài 314km) với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT là thành viên sáng lập, là doanh nghiệp Việt Nam góp vốn nhiều nhất: 40 triệu USD. AAG chính thức hoạt động từ ngày 10/11/2009.
Ngoài ra, Việt Nam có thể sử dụng một số tuyến cáp quang trên bộ và hai vệ tinh Vinasat1 và Vinasat 2 để kết nối quốc tế. Nhưng thực tế thì hai trạm vệ tinh Vinasat1 và Vinasat 2 có dung lượng quá nhỏ nên rất khó có thể chuyển được lưu lượng thông tin qua đường truyền đó. Mặt khác, đặc điểm vệ tinh chỉ dùng cho di động vệ tinh và ở những vùng mà cáp quang không đến được. Vì thế các nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam hầu hết đều sử dụng thông qua đường truyền cáp quang biển, trong đó tuyến cáp AAG là tuyến cáp quan trọng để kết nối thông tin với quốc tế.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho rằng, việc đứt cáp AAG là chuyện không hiếm gặp. Về cơ bản, cáp ngầm biển thường chỉ là những sợi dây được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển. Với chiều dài tới hàng chục nghìn km, để tiết kiệm chi phí, các tuyến cáp quang biển đều có chung một nguyên tắc thiết kế: được gia cường ở gần bờ và rất mỏng manh ở ngoài khơi xa.
Khi vào gần bờ, các tuyến cáp quang ngầm phải được gia cường bởi thép bện và các lớp tăng cường khác là do càng gần bờ, mực nước càng nông và những hoạt động hàng hải dày đặc. Mặc dù dày đặc thép gia cường nhưng nếu bị mỏ neo của tàu chở hàng cỡ vài chục nghìn tấn móc phải và rê đi thì sợi cáp đó chắc chắn bị đứt. Vùng biển Đông của Việt Nam (đặc biệt là khu vực Vũng Tàu, nơi tuyến cáp AAG đổ bộ lên đất liền) và biển bờ đông của Trung Quốc là những vùng có lưu thông hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, mực nước tương đối nông nên nơi đây dễ xảy ra tình trạng đứt cáp ngầm biển do mỏ neo của tàu thuyền. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tới 70% các vụ đứt cáp quang trên biển.
Ngoài ra, 30% nguyên nhân còn lại dẫn đến đứt cáp quang biển là do con người và thiên tai. Theo phân tích của các chuyên gia, ngay cả khi nằm dưới đáy biển, các tuyến cáp quang vẫn hoàn toàn có thể chịu sự phá hoại của thiên tai như động đất, núi lửa ngầm hoặc trượt bùn, giông bão (ở các khu vực nước nông).
Trong thời gian tuyến cáp quang AAG bị đứt, các nhà cung cấp dịch vụ internet Việt Nam như: VNPT, FPT, Viettel… đã khẩn trương làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG và các đối tác có liên quan để cập nhật thông tin, khắc phục sự cố để khôi phục trong thời gian sớm nhất; đồng thời, điều chỉnh dung lượng kết nối theo các hướng cáp quang biển khác để đảm bảo duy trì kết nối bình thường cho khách hàng.
Việt Hà - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất