Chuyện người lớn hát nhạc thiếu nhi

10/12/2022 16:00 GMT+7 | Giải trí

Âm nhạc thiếu nhi là "món mới" của Lễ hội Âm nhạc Quốc tế HOZO năm nay. Điều đặc biệt là hai khách mời trình diễn chính thức trong phần này đều là người lớn. 

Đó là Alastair Moock (đề cử Grammy) và nhóm nhạc lính mới tò te Dragon Plus. Đây có thể nói là phát hiện thú vị của Hò Dô 2022. Ca sĩ Khôi Minh (nhà báo Nguyễn Mạnh Hà) - Trưởng nhóm nhạc - kể cho báo điện tử Thể thao và Văn hoá/ TTXVN câu chuyện về hành trình "trẻ hóa" của nhóm:

Sau khi đã hát đủ các dòng nhạc gắn với thời thanh xuân của thế hệ 7X, chúng tôi quyết định thử nhạc thiếu nhi kể từ Rằm Trung thu năm nay. Khi hát lại những bài hát thiếu nhi xưa cũ thì tình cảm dành cho chúng trỗi dậy mạnh hơn sự lo lắng sẽ không có khán giả tới xem. 

Mặc dù ban nhạc phải bù lỗ cho 2 minishow nhạc thiếu nhi tại Hà Nội vào đầu tháng 11/2022. Nhưng bù lại chúng tôi có được những cảm xúc, trải nghiệm quý giá. Được chứng kiến cảnh bố mẹ, con cái cùng nhau hát theo ca sĩ. Vài khán giả U50 tự động mang khăn quàng ra đeo khi tham dự chương trình.

Chuyện người lớn hát nhạc thiếu nhi - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (bìa trái) tham gia bàn tròn về âm nhạc thiếu nhi trong khuôn khổ HOZO 2022 với sự tham gia của Alastair Moock, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và đại diện nhóm Dragon Plus. Ảnh: Chụp màn hình livestream

Đúng là bây giờ trẻ con hay hát nhạc người lớn, nhạc tiếng Anh thịnh hành thật. Nên chúng tôi mừng rỡ khi hầu hết khán giả nhỏ tuổi đến với chúng tôi rất thuộc các bài hát thiếu nhi xưa và nhiệt tình tương tác. Điều này chắc chắn là kết quả của giáo dục âm nhạc trong nhà trường cũng như sự lưu truyền các bài hát thiếu nhi từ thế hệ bố mẹ tới con cái.

Vấn đề có thể không phải ở việc mọi người không có thói quen mua vé đi xem nhạc thiếu nhi. Mà có vẻ như không có các nghệ sĩ, nhóm nhạc gây dựng được thương hiệu từ nhạc thiếu nhi để khán giả tin tưởng bỏ tiền ra tiêu thụ sản phẩm.

Chuyện người lớn hát nhạc thiếu nhi - Ảnh 2.

Nhóm Dragon Plus hát nhạc thiếu nhi trên sân khấu HOZO 2022. Ảnh: NVCC

Vài năm trước, Hà Nội có một đêm nhạc thiếu nhi hoành tráng tại Cung Văn hóa Hữu Nghị với sự tham gia của nhiều tên tuổi trong đó có diva Hồng Nhung. Hồng Nhung sau đó ra một CD tuyển chọn các bài hát thiếu nhi giá bán 600.000 đồng đắt gấp đôi so với CD nhạc người lớn thông thường. Những sản phẩm đó chủ yếu hướng đến đối tượng khán giả lớn tuổi muốn hoài niệm tuổi thơ. Và sau đó thì thị trường âm nhạc thiếu nhi thủ đô lại đóng băng như cũ.

Những buổi diễn nhạc thiếu nhi quy mô phòng trà của chúng tôi cũng được truyền thông chú ý hơn hẳn. Chúng tôi có cơ hội lên khá nhiều đài báo trong đó có Truyền hình Thông tấn để nói về giá trị của các bài nhạc thiếu nhi xưa, bàn về sự thiếu vắng của các ca khúc thiếu nhi trong đời sống hiện nay…

Chuyện người lớn hát nhạc thiếu nhi - Ảnh 3.

Trên Facebook, các clip ghi lại các buổi tập và diễn của nhóm nhận được lượt xem và bình luận cao hơn gấp khoảng 80 lần so với khi hát nhạc người lớn. Kỷ lục dẫn đầu hiện nay thuộc về clip Mong ngày lên cung trăng của nhạc sĩ Tuấn Minh do Phương Mai (chính là con của tác giả) đơn ca. Bài hát hiện đang đạt hơn 173 ngàn lượt xem và con số vẫn đang tiếp tục tăng. Tiếp theo là Em bé quê (Phạm Duy) và Đưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích). Con số có thể không đáng kể gì với các "sao" nhưng với chúng tôi là điều chưa từng mơ tới.

Và cũng lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy có sự kết nối mạnh mẽ với khán giả. Nhiều người bày tỏ sự cảm động khi được sống lại tuổi thơ qua những phần trình diễn hết sức giản dị của chúng tôi. Hóa ra người lớn cũng có nhu cầu nghe nhạc thiếu nhi.

Chuyện người lớn hát nhạc thiếu nhi - Ảnh 4.

Có thể thấy các ca khúc thiếu nhi đã in sâu vào tâm khảm của nhiều thế hệ. Bài hát tuy đơn sơ nhưng đại diện cho cả một thời kỳ lịch sử. Một khán giả lão thành viết cho chúng tôi sau khi nghe Đưa cơm cho mẹ đi cày: "Bạn đã đưa thế hệ 7X chúng tôi nhớ về thời đất nước trong đạn bom khói lửa, quyện mồ hôi nước mắt của các bà, các mẹ và của cả trẻ thơ! Giờ, thời đại của 4.0 nghe lời bài hát mà thấy trước mắt là hình ảnh của người phụ nữ đầu đội nón, áo nâu, vai khoác súng, chân ngập trong bùn để làm ra những cánh đồng 5 tấn. Cảm ơn tác giả và người hát đã tôn lên sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam".

Chúng tôi nhận ra nhạc thiếu nhi có vai trò cũng bình đẳng như nhạc người lớn. Việc ngắn hơn, dễ hát hơn không làm giảm giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử… khi bài hát đã đi vào lòng người. Bản thân những bài hát như Em bé quê, Thằng Cuội, Em đi giữa biển vàng hay Hạt gạo làng ta… đều ra đời trước chúng tôi nhưng khi hát lên, chúng tôi vẫn cảm thấy gần gũi, thân thương với những gì các thế hệ đi trước đã trải qua. Đó chính là sự kết nối "xuyên không" diệu kỳ của âm nhạc.

Chuyện người lớn hát nhạc thiếu nhi - Ảnh 5.

Nhiều khả năng những bài hát thiếu nhi đã vượt qua thử thách thời gian đó sẽ tiếp tục làm cầu nối hữu hiệu trong các gia đình Việt Nam hôm nay. Vấn đề là phải làm sao cho chúng tiếp tục được vang lên. Song song với việc tiếp tục sáng tác những bài hát phù hợp với trẻ thơ ngày nay. Trẻ em sẽ thích ứng rất nhanh với môi trường văn hóa xung quanh. Nếu thường xuyên tiếp xúc với nhạc người lớn, nhạc tiếng Anh đương nhiên chúng sẽ ưa thích và hát những dòng nhạc đó. Cho nên trách nhiệm của người lớn là phải tạo ra một môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh bổ ích xung quanh trẻ.

Thời niên thiếu của chúng tôi diễn ra vào cuối những năm 1980, đầu 1990. Khi đó nguồn nghe nhạc chủ yếu là Đài Tiếng nói và Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài ra việc sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi, đi thi các cuộc thi hát thiếu nhi khiến cho đời sống tinh thần của chúng tôi tràn ngập các bài hát "đúng tuổi".

Chuyện người lớn hát nhạc thiếu nhi - Ảnh 6.

Còn hôm nay thì điện thoại thông minh, mạng internet và các chương trình giải trí cho thiếu nhi nước ngoài đang thắng thế trong việc lôi kéo trẻ em Việt Nam. Tệ hơn chúng có thể bị sa vào những nền tảng, những sản phẩm không phù hợp.

Ngoài ra một số cuộc thi "chính thống" phủ sóng truyền hình cả nước cũng thường ép các giọng hát thiếu nhi phải thi đấu với nhau bằng những bài người lớn. Có thể sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới giọng hát và tâm lý của trẻ. Hoặc cũng có thể phù hợp nhưng chỉ với một số dạng tài năng đặc biệt. Và cũng chưa thấy có ngôi sao nhí nào rời cuộc thi lại có thể tạo dựng sự nghiệp bằng bài người lớn.

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường 4.0, âm nhạc thiếu nhi cũng cần trở thành một thị trường như âm nhạc người lớn. Có như vậy thiếu nhi mới có món ăn tinh thần phù hợp, và các nhạc sĩ mới có động lực để viết cho thiếu nhi. Ngoài ra các nghệ sĩ lớn tuổi hoàn toàn có thể xây dựng sự nghiệp bằng âm nhạc thiếu nhi. Như Hò Dô năm nay đã mời về Alastair Moock chỉ sáng tác và hát nhạc thiếu nhi vẫn được đề cử Grammy như thường.

Có thể nói Dragon Plus gặp may khi được quan tâm chú ý trong bối cảnh không có những nghệ sĩ, ban nhóm hát nhạc thiếu nhi một cách dài hơi, nghiêm túc. Trong tương lai gần nhóm sẽ khai thác những bài hát riêng, những sáng tác mới có nội dung trong sáng, hướng thiện hướng tới lứa tuổi học sinh và tất nhiên bao gồm phụ huynh.

 

Khôi Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm