24/06/2022 15:42 GMT+7 | Bóng đá Việt
Đề tài Quang Hải lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận khi nhiều khả năng điểm đến của anh sẽ chỉ là Ligue 2, không đúng như kỳ vọng của những fan hâm mộ ngôi sao người Đông Anh. Nhưng thực ra, chuyện Quang Hải chọn đội nào, giải đấu nào là quyết định của cá nhân anh, chúng ta cùng chờ đợi. Cái đáng chú ý đó là vấn đề thực sự của bóng đá Việt Nam.
Chuyến xuất ngoại của Quang Hải có thể được tính từ lúc mà anh đàm phán với CLB Hà Nội để có thể vừa chơi bóng trong nước nhưng vẫn giữ được cơ hội thử sức mình ở môi trường lớn hơn. Đây là một giải pháp an toàn, nhưng không thể thực hiện được, và phần còn lại là sự mạo hiểm rất lớn đối với sự nghiệp của Quang Hải.
Một hành trình đơn độc
Theo nhiều nguồn tin, dự kiến điểm đến đầu tiên của Quang Hải là giải vô địch quốc gia Áo, nhưng các điều khoản sau khi đàm phán không có lợi cho việc được thi đấu thường xuyên, Quang Hải hướng đến nước Pháp, một “cánh cổng” quan trọng để một cầu thủ đến từ châu Á có thể đạt được tầm vóc thế giới.
Nhìn những bước đi của Quang Hải và người đại diện, có thể thấy rõ quyết tâm tạo ra một sự khác biệt từ cựu cầu thủ của CLB Hà Nội. Rõ ràng, vấn đề của Hải không phải là đi châu Âu mà là đi như thế nào. Anh đã chọn những thử thách khó nhất, tìm kiếm cơ hội để ra sân thi đấu hơn là chỉ ký hợp đồng để ghi tên mình trên truyền thông.
Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy chuyến xuất ngoại của Quang Hải dường như là hành trình “tìm việc” hơn là đáp ứng một nhu cầu đến từ chính các CLB tại châu Âu.
Chỉ riêng điều đó, cũng thấy được sự dấn thân dũng cảm của Quang Hải. Vì đây là “tìm việc” nên Quang Hải phải cần chứng minh tài năng của mình nhiều hơn để thuyết phục các đội bóng cho mình một cơ hội. Đó là chuyện không đơn giản khi mà có hàng trăm, hàng ngàn cầu thủ đến từ nhiều nơi cũng đang tìm việc như vậy trước mùa bóng mới tại lục địa già. Hãy thử hình dung để thấy sự đơn độc của Quang Hải như thế nào.
Chuyện không chỉ của một người
Dù biết việc sang châu Âu thi đấu là chuyện cá nhân của Quang Hải, nhưng cũng không nên xem điều đó chẳng liên quan gì đến bóng đá Việt Nam. Một chuyến xuất ngoại thành công, đương nhiên là sẽ đem đến điều tích cực cho cả nền bóng đá quốc gia. Nhưng một chuyến đi thất bại, cũng đừng nói rằng nó không ảnh hưởng gì.
Hãy nhìn lại những gì sau các chuyến xuất ngoại của Công Phượng, Văn Hậu, Xuân Trường hay thậm chí là Tuấn Anh. Họ có tiến bộ nhiều hơn sau khi trải nghiệm việc ngồi dự bị quá nhiều ở nước ngoài hay không?
Rất khó nói là mọi thứ đã tốt hơn. Trong khi đó, trước khi xuất ngoại, họ đều là những tuyển thủ quốc gia có vai trò quan trọng đối với HLV Park Hang Seo, nên nếu như họ đánh mất vị trí của mình trên đội tuyển, thì đâu có lợi ích gì cho cá nhân lẫn tập thể.
Bên cạnh đó, việc họ bị thay thế ở đội tuyển cho thấy chất lượng chuyên môn của họ không quá nổi bật so với cầu thủ đang thi đấu trong nước. Vậy thì liệu ủng hộ họ xuất ngoại rốt cục là để làm gì?
Quang Hải là một ngôi sao mà tài năng có thể đã vượt qua khuôn khổ Việt Nam và Đông Nam Á. Chúng ta đều hy vọng anh sẽ thành công tại Pháp, nhưng kể cả khi điều đó xảy ra thì cũng không phải là một tiền lệ để thúc đẩy việc xuất ngoại cầu thủ sau này.
Sự đơn độc trong hành trình “tìm việc” của Quang Hải cho thấy những chuyến xuất ngoại trước đó của cầu thủ Việt Nam rõ ràng không mang đến tác động tích cực nào. Nếu kể cả khi Quang Hải thành công, vẫn chỉ là chuyện của cá nhân anh. Đấy là chưa nói đến trường hợp ngược lại.
Vẫn cần một chiến lược tổng thể
Cho đến thời điểm này, chuyến xuất ngoại được đánh giá cao nhất vẫn là lần sang Bồ Đào Nha thi đấu của Lê Công Vinh. Anh được ra sân vài trận, có ghi bàn thắng. Sau này, cũng nhờ những gì diễn ra tại châu Âu mà hợp đồng của Công Vinh sang Nhật Bản đá ở J-League 2 đã xuất hiện số tiền chuyển nhượng cụ thể, dù không quá lớn.
Nghĩa là đội bóng ở Nhật Bản cần Công Vinh sang đá cho họ. Chuyến đi của Công Vinh sang châu Âu không phải tình cờ. Có sự tác động lớn đến từ cha con HLV Calisto cùng nhiệt tâm của bầu Hiển.
Họ đã làm tất cả để Công Vinh có sự thuận lợi ở Bồ Đào Nha. Đây là điều mà những cầu thủ khác của Việt Nam xuất ngoại sau này đều không có. Sau này, khi nói đến việc xuất ngoại của mình, Công Vinh cho biết đây là điều không quá tầm với cầu thủ Việt Nam nhưng thực sự, để thành công thì vô cùng khó.
Ủng hộ cầu thủ xuất ngoại là một chuyện nhưng mọi thứ chỉ đúng đắn nếu sau làn sóng xuất ngoại là những tác động rõ nét hơn đến đẳng cấp của bóng đá Việt Nam. Sẽ không hợp lý nếu mỗi lần tập trung đội tuyển, các cầu thủ đang đá nước ngoài về lý thuyết đều sẽ được gọi về nhưng lại ngồi dự bị cho những đồng đội đang đá trong nước.
Nói cách khác, ủng hộ tinh thần là một chuyện, nhưng đi ra nước ngoài như thế nào, là chuyện khác. Cần có một chiến lược đến từ các nhà quản lý do dù đây là vấn đề mang tính cá nhân.
Không phải tự nhiên mà J-League hay K-League và kể cả các giải đấu cấp CLB của AFC đều có quy định mở về ngoại binh cho những cầu thủ đến từ Đông Nam Á. Đây là chi tiết thường được gọi là “ngoại giao bóng đá” và nó có được thông qua đàm phán, thỏa thuận ở các cấp quản lý.
Ví dụ như nếu bóng đá Việt Nam có quan hệ “đối tác chiến lược” với Nhật Bản hay Hàn Quốc thì hoàn toàn có thể tạo ra được những suất dành riêng cho cầu thủ Việt Nam, qua đó sẽ có một lượng cầu thủ xuất ngoại mỗi năm.
Các suất này có thể không mang lợi ích lớn về tài chính, vì nó tùy vào nhu cầu của CLB, nhưng bù lại, cơ hội ra sân thì có thể được dàn xếp từ những nhà quản lý cấp cao.
Trước sau gì thì sự thành công của cầu thủ khi xuất ngoại cũng phụ thuộc vào năng lực của chính họ. Tuy nhiên, xét ở góc độ lớn hơn, thì nếu có thể tạo ra một ‘làn sóng xuất ngoại”, có những bước đi hợp lý từ V-League sang J-League rồi sang Đức, Pháp … thì rõ ràng tỷ lệ thành công cũng sẽ cao hơn, đồng thời “làn sóng” ấy cũng tạo những tác động tích cực lên suy nghĩ của các tuyển trách viên tại châu Âu để họ có cái nhìn khác về bóng đá Việt Nam.
Nói cho cùng, cứ nói cầu thủ Việt Nam đủ sức xuất ngoại nhưng chỉ đi lẻ tẻ vài người, rồi cầu thủ phải trải qua các “hành trình đơn độc” thì sự đánh giá, ủng hộ chỉ là cảm tính, hình thức.
Chia sẻ với giới truyền thông, HLV Nicolas Usai của CLB Nimes (Pháp) khẳng định rằng ông chưa từng nghe đến cái tên Nguyễn Quang Hải. "Tôi không biết Nguyễn Quang Hải là ai và cũng chưa từng được đề cập đến cậu ấy. Chúng tôi đang có kỳ chuyển nhượng khá tốt với các hợp đồng mới được hoàn thành nhanh chóng. Chúng tôi muốn bổ sung những cầu thủ có kinh nghiệm, những người có thể thi đấu xuyên suốt mỗi trận. Chúng tôi đã có được ba tân binh chất lượng và chúng tôi không muốn vội vàng với bản hợp đồng tiếp theo”, HLV Nicolas Usai cho biết. Trước đó, đã có nhiều thông tin cho rằng Quang Hải đã kí hợp đồng với CLB Nimes. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn bởi HLV Nicolas Usai xác nhận, CLB Nimes không hề có ý định chiêu mộ Quang Hải. Còn trên trang facebook của người đại diện cho Quang Hải vẫn "úp mở" rằng: "Hải con sau khi chính thức ký hợp đồng dài hạn với CLB vào cuối tuần trước, hôm nay (tức hôm qua 23/6) đã hoàn thành thủ tục và nhận visa lao động. Sau khi quay trở lại Pháp và qua thủ tục cuối cùng là kiểm tra sức khỏe sẽ được CLB công bố trên trang page của mình. |
Long Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất