Tuyệt chiêu bảo quản giò chả, bánh chưng ngày Tết

19/01/2017 15:41 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Tết, có khá nhiều thực phẩm truyền thống chế biến sẵn như bánh chưng, giò, chả… Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết nóng ẩm ở nước ta, nếu không chú ý bảo quản, những thực phẩm chín này dễ bị tấn công bởi vi khuẩn,nấm dẫn đến hư hỏng và gây ngộ độc.

Để bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh

Theo BS. Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng, lâu nay, các bà nội trợ thường không thích để bánh chưng trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng). Nhưng nếu thời tiết nóng thì vẫn cần bảo quản bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín.

Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe.

Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua (nhất là ở phần góc bánh do phần này khi gói hay bị rách) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì phải cắt bỏ phần bị lên men, mốc chỉ sử dụng phần không bị hư, còn giữ nguyên mùi thơm của bánh.


Bánh chưng, giò, chả... cũng cần chú ý bảo quản trong tủ lạnh nếu trời nóng, ẩm.

Giữ giò, chả dưới 25oC

Giò lụa với thành phần chủ yếu là thịt lợn nạc, ngoài ra còn có thịt mỡ, nước mắm và gia vị, vì thế giò không để lâu được. Để bảo quản, nên để giò lụa, giò bò, chả ở nhiệt độ thường dưới 25oC. Khi bảo quản đúng cách, giò sẽ giữ được 4 - 6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá.

Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ.

“Nếu muốn sử dụng ngay, thì có thể rã đông nhanh bằng cách bọc giò lụa vào bọc nilon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, các chị em thường chỉ mua lượng vừa đủ ăn trong vòng 1 tuần nên không nhất thiết phải bảo quản giò trong ngăn đá hoặc tủ đông, tránh làm hao hụt các chất dinh dưỡng”, BS Ngô Thị Hà Phương cho biết.

Với giò tai, giò xào, do đặc điểm về sự kết dính nên cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Không trữ các món rau qua đêm

“Không nên để món ăn là các loại rau đã nấu chín vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitritm, chất gây ung thư”, BS Ngô Thị Hà Phương nhấn mạnh.

Tốt nhất, những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ.

Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng, gây ngộ độc thực phẩm. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.


Không nên trữ rau đã nấu chín qua đêm trong tủ lạnh. Ảnh: TH

BS Hà Phương cũng khuyến cáo, tủ lạnh cũng không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Thức ăn được lấy ra trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau, thức ăn để lâu nhất là 5 - 6 giờ.

Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính gây ngộ độc cho người sử dụng.

Đặc biệt, tuyệt đối không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín.

Không nên để thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn.

Dịp Tết Nguyên đán, nếu tủ lạnh chứa đầy thức ăn, hãy nhớ điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh để có những bữa ăn ngon, an toàn thực phẩm.

Theo Phương Liên - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm