Chuyện Hà Nội: Sơn Tây âm thầm một phía

25/05/2015 12:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Tôi mượn đầu đề một bài thơ của thi sĩ Trần Hòa Bình để đặt cho bài viết về một thị xã dễ thương và thanh bình phía Tây Hà Nội. Viết bài này không chỉ để hoài niệm một vẻ đẹp quá khứ mà như một sẻ chia với người Sơn Tây một phía.

40 năm trước, Bình đã viết những câu thơ rất cũ về thị xã của mình:

“Mưa nhè nhẹ rất thương choàng lên phố nhỏ/ Những chiếc lá bàng trong ngõ vắng lang thang/ Thành hào cũ phong bao một bài thơ cổ/ Chẳng biết dành tặng ai, yên tĩnh quá chừng!”.

Không biết vì sao tôi mến yêu cái vùng đất xứ Đoài - Sơn Tây quá thể. Có thể là bởi cái thế đất tựa núi nhìn sông, địa linh nhân kiệt. Mà toàn là sông mẹ, núi thiêng (sông Hồng và núi Tản). Có thể là tôi đã quý cái chất người Sơn Tây tài hoa, lãng mạn…

2. Xứ Đoài mây trắng. Tôi ám ảnh mảnh đất ấy bởi cái thô ráp của đá ong. Đá ong được quật lên từ lòng đất, đẽo gọt thành gạch đem xây nhà, dựng tường rào, xây đình đền, chùa miếu. Đá ong tạc tượng thú, tượng người… Đá ong là một phần cuộc sống, là mộc mạc dân gian trong di sản xứ Đoài!


Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Internet

Vùng đất cổ Sơn Tây đậm đặc những di sản về lịch sử, văn hoá. Chỉ một làng cổ Đường Lâm cũng đã có tới 7 di tích được xếp hạng di tích quốc gia. Không đâu có những di tích kiến trúc cổ kính và nổi tiếng như ở đất này.

Một chùa Trăm gian, di sản đặc biệt quốc gia với kiến trúc và tầm vóc độc đáo. Một chùa Mía nổi tiếng với gần 300 pho tượng cổ, một chùa Tây phương lẫy lừng lịch sử…

Về Đường Lâm thăm làng cổ đá ong, dự bữa cơm quê thịt gà đồi, hay gỏi cá mè Đường Lâm nổi tiếng với các thứ rau tự hái trong vườn nhà là một thú vị.  Du khách đến tham quan những di tích nổi tiếng như: Chùa Mía, đình Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, Thành cổ Sơn Tây, đền Và... không chỉ với mục đích du lịch, tín ngưỡng, tâm linh mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu  giá trị lịch sử, văn hóa, qua đó, hiểu hơn về vùng đất và con người xứ Đoài đã đi vào thơ ca, huyền thoại.

3. Có lẽ do đậm đặc chất di sản nên Sơn Tây vẫn còn là một bí ẩn trong định hướng phát triển. Thị xã Sơn Tây hình như vẫn bị lãng quên? Có người ví Sơn Tây từ hồi nào do không là tỉnh lỵ lấy một lần sau năm nhập tỉnh với Hà Đông nên chịu thân phận làm cái “ga xép”.

Bằng chứng là, ngoại trừ những con đường mới mở, nhưng lại chạy vòng từ hai phía bên ngoài thị xã và khu chợ Nghệ tái thiết sau hỏa hoạn, còn thì phố phường vẫn vậy.

Tiếng là một thời lên thành phố thuộc tỉnh, nhưng thị xã Sơn Tây sau đó lại trở về với tầm vóc và tên gọi của mình. Sơn Tây âm thầm một phía. Không biết đó là một cơ may hay là sự lãng quên. Tôi nghiêng về phần may mắn cho thị xã này, bởi nếu đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh thì biết đâu cái mất mát lại là một nỗi lo…

Cái mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn thường quyết liệt. Và vẻ cũ kỹ của thị xã Sơn Tây biết đâu là một may mắn cho văn hóa?

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm