Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Thể dục dụng cụ Việt Nam có VĐV ở tầm thế giới

09/06/2015 15:38 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Thể dục dụng cụ là một môn thể thao xuất hiện trong Olympic cổ đại. Khi Olympic hiện đại lần đầu tiên trở lại năm 1896, thể dụng dụng cụ cũng trở lại cùng với xe đạp và bắn súng. Nói thế để thấy, thể dục dụng cụ, điền kinh và bơi là 3 môn thể thao cơ bản của chương trình thi đấu Olympic.

Ở Việt Nam, thể dục dụng cụ được quan tâm phát triển khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Ở thời kỳ đó, những nhà quản lý thể thao đã ngay lập tức quan tâm phát triển: Thể dục dụng cụ, điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, bắn súng và bóng chuyền. Thể dục dụng cụ là một trong những môn đầu tiên được quan tâm phát triển. Chúng ta đã mời những chuyên gia xuất sắc sang giúp đỡ và đào tạo được một thế hệ vận động viên đạt kết quả cao

Thể dục dụng cụ được quan tâm, tổ chức, huấn luyện và đào tạo một thế hệ mới từ những năm 1960 tới 1964. Quá trình ấy bị gián đoạn từ năm 1965 tới cuối thập niên 70 vì chiến tranh. Khi đất nước thống nhất, vào năm 1976 thể dục dụng cụ đã phát triển trở lại ở bốn địa phương là: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Quân đội. Đây cũng là bốn trung tâm phát triển thể dục dụng cụ của Việt Nam sau này.

Khi thể dục dụng cụ Việt Nam trở lại ở SEA Games 1989, 1993 và 1997, chúng ta đều không đạt kết quả cao và chỉ thi đơn môn. Tới năm 1997, Nguyễn Thị Nga của Hải Phòng mới giúp chúng ta giành HCV đầu tiên ở nội dung cầu thăng bằng. Đến SEA Games 22 ở Việt Nam, thể dục dụng cụ giành thắng lợi lớn đầu tiên với 4 HCV trong đó có đồng đội nam và đơn môn.

Trong một thời kỳ dài, thể dục dụng cụ dần được quan tâm và phát triển. Tới SEA Games 2011, thể dục dụng cụ Việt Nam lần đầu tiên giành được 11 HCV trên tổng số 14 bộ huy chương của môn. Chiến thắng của chúng ta tới trong bối cảnh các đối thủ ở khu vực đang khủng hoảng, đặc biệt là Thái Lan và Indonesia. Chúng ta chỉ còn 2 đối thủ cạnh tranh chính là Malaysia và Singapore.

Từ năm 2012 tới 2015, thể dục dụng cụ Việt Nam có một số vận động viên đã đạt tầm châu lục và thế giới. Tại sao nói như vậy? Bởi chúng ta đã có HCB và HCĐ ở ASIAD, chúng ta đã có HCV vô địch thế giới. Chúng ta cũng có những VĐV đạt được chỉ tiêu dự Olympic như Hà Thanh tại London 2012.

Tại SEA Games này, thể dục dụng cụ có 10 VĐV tham dự với chỉ tiêu từ 6 tới 8 HCV. Hôm trước, trong phần thi đồng đội nam, thể dục dụng cụ của chúng ta đã giành HCV với 347 điểm, bỏ xa Thái Lan cả chục điểm. Trong thể dục dụng cụ, hơn 1 điểm đã là rất đáng kể nên với khoảng cách ấy, chúng ta đã thắng tuyệt đối.

Trong ba ngày tới, các cuộc thi vô địch toàn năng và vô địch từng dụng cụ sẽ diễn ra. Với chỉ tiêu giành từ 6 tới 8 HCV, chúng ta có thể giành mức tối thiểu còn mức tối đa thì rất khó khăn. Lực lượng mạnh của chúng ta chỉ tập trung chủ yếu ở nam. Lực lượng nữ chỉ có một mình Hà Thanh. Chúng ta kỳ vọng Hà Thanh giành được từ 3 tới 4 HCV.

Hai khó khăn của thể dục dụng cụ là phương tiện và dụng cụ tập luyện. Bộ dụng cụ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế và phải có hệ thống dụng cụ bổ trợ để giúp VĐV hoàn thành bài tập. Thứ hai, số tỉnh tham gia phát triển thể dục dụng cụ là quá ít.

Thực tế chứng minh VĐV Việt Nam có thể đạt trình độ thể dục dụng cụ cao ở thế giới. Vấn đế mà các nhà quản lý cần thống nhất là chúng ta phải khắc phục khó khăn để tiến lên. Hãy nhớ rằng chính các khó khăn ấy đang cản trở chúng ta phát triển trong nhiều năm qua.

Thanh Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm