Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Bóng đá học đường là cái gốc'

30/10/2015 14:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Một trong 3 vấn đề chính sẽ được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến tại "Hội nghị Diên hồng" của bóng đá Việt do Tổng cục TDTT dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới, đó là công tác đào tạo cầu thủ trẻ thông qua việc phát triển bóng đá học đường.

Hậu trận thua đậm trước Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018, một trong những nguyên nhân được HLV trưởng Miura đề cập là bóng đá học đường ở Việt Nam chưa phát triển nên không tạo được nguồn lực cho đội tuyển. Tương tự, trong lần tới Việt Nam gần đây, cựu danh thủ Đức Karl-Heinz Riedle cũng khẳng định việc đào tạo trẻ và phát triển bóng đá học đường là yếu tố chính nhất để phát triển một nền bóng đá vững mạnh mà đội tuyển Đức là minh chứng.

Tầm quan trọng của bóng đá học đường là chuyện chẳng phải bàn cãi và thực tế ở Việt Nam mà cụ thể là TP.HCM cũng đã triển khai được 3 năm qua. Nhưng tại sao, cái gốc của nền bóng đá quốc gia vẫn chưa được chăm chút thực sự? Đó chính là nội dung cuộc trao đổi của Thể thao & Văn hóa cuối tuần với chuyên gia Đoàn Minh Xương, người được xem là "cha đẻ"  và cũng là Phó trưởng ban chương trình Bóng đá học đường đang được Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) áp dụng.

Thành công qua những con số

Thể thao & Văn hóa:Xin ông cho biết đôi nét về chương trình bóng đá học đường mà HFF đang áp dụng và ông là người chắp bút?

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: - Đây là năm thứ ba chương trình này được triển khai. Ngày 9/9 vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai phương hướng hoạt động cho năm học 2015-2016 ở đồng loạt các trường trên địa bàn TP.HCM. Năm nay, chương trình thu hút 160 trường tham gia với tổng cộng 131 trường tiểu học, 29 trường THCS. Ước tính có gần 8.900 học sinh, trong đó có khoảng 1.000 học sinh nữ ở cấp 1, không có cấp 2.

Bóng đá học đường TP.HCM đang gặt hái thành công bước đầu

Chương trình năm nay cũng thí điểm thêm với các em học sinh nữ tiểu học. Những con số này đã nói lên phần nào thành công của chương trình.

Đó là những con số rất ấn tượng trong bối cảnh mà nhiều người cho rằng các bậc phụ huynh không muốn cho con em mình theo bóng đá mà tập trung cho việc học văn hóa. Theo ông, điều gì làm nên thành công bước đầu này?

- Thuận lợi cơ bản là chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Sở Văn hóa - Thể thao; Sở Giáo dục & Đào tạo. Các bậc phụ huynh cũng nhận thấy ý nghĩa tích cực của chương trình nên chung tay ủng hộ. Bóng đá là hoạt động thể chất, giúp con em mình rèn luyện tốt hơn rất nhiều so với chuyện dán mắt vào màn hình tivi hay thiết bị di động.

Thứ nữa là sau 3 năm triển khai, chương trình cũng tạo được sức hút và bắt đầu nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức xã hội. Chẳng hạn như Hội đồng Anh tổ chức trang bị kiến thức huấn luyện cho các thầy, các HLV. Các công ty Thái Sơn Nam, Nestle Milo tài trợ cơ sở vật chất cho các trường, tạo điều kiện cho các em có sân chơi bài bản.

Vậy còn những khó khăn?

- Khó khăn lâu nay vẫn là cơ sở vật chất nhiều thiếu thốn, không chỉ riêng bóng đá mà cả thể thao học đường. HFF đang ưu tiên chương trình đến với những trường có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu. Ngoài ra, bộ phận huấn luyện viên của chương trình cũng có những hạn chế. Không có đủ những giáo viên có thể trở thành HLV và không phải ai  cũng yêu thích bóng đá.

Sức bền vững từ bóng đá học đường

So với việc nuôi “gà nòi” như cách làm truyền thống, bóng đá học đường có ưu điểm gì hơn, thưa ông?

- Nên nhớ rằng ở lứa tuổi nhỏ, các em được tiếp xúc với bóng đá sớm thì sẽ rất dễ uốn nắn. Ở lứa tuổi nhỏ, các em tiếp thu rất nhanh những kỹ năng, kỹ thuật cơ bản. Trong khi đó, nuôi “gà nòi” thì phải đến 12-13 tuổi, các em mới được đưa vào để tập luyện nên tính hiệu quả về chuyên môn là không cao.

Hơn thế, bóng đá học đường giúp các em phát triển toàn diện cả về văn hóa, tâm lý, tinh thần, trong khi nuôi "gà nòi" các em phải bỏ dở học hành, kiến thức văn hóa trang bị chưa đâu vào đâu mà đã đến ở tập trung như một trại lính ngay từ nhỏ là một sự bất cập rồi. Xã hội và gia đình không ủng hộ điều này. Tôi lấy ví dụ trường hợp của những Ngọc Hải hay Thanh Hào gây chấn thương cho đồng nghiệp thời gian qua là hoàn toàn thuộc về vấn đề tâm lý. Họ không kiểm soát được bản thân. Vấn đề tâm lý, nhân cách trong đào tạo kiểu "gà nòi" đôi lúc bị coi nhẹ, trong khi với bóng đá học đường, đó là mảng rất quan trọng.

Hiệu quả của bóng đá học đường là không phủ nhận, nhưng nó giống như chuyện "ươm mầm, trồng cây", rõ ràng là phải rất lâu mới đến ngày "hái quả"?

- Thể thao, bóng đá cũng như nhiều lĩnh vực khác, sự phát triển đòi hỏi cả 1 quá trình. Vào năm 2004 tôi đã được đi Đức để xem họ phát triển bóng đá học đường và họ đã có được thành công như hôm nay. Tương tự năm 2009, tôi đi Nhật cũng tham khảo được nhiều điều về bài học này.

 Vừa rồi chúng tôi hợp tác và tham khảo với chuyên gia của Hội đồng Anh, họ chỉ ra con đường phát triển tất yếu của thể thao cũng như bóng đá một quốc gia là phải ở học đường. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu và muốn  phát triển thì các em phải được đầu tư để phát triển toàn diện. Chúng ta không thể giữ tư duy "ăn xổi" để chỉ chạy theo thành tích trước mắt được nếu muốn phát triển bền vững hơn dù bóng đá học đường là con đường dài có khi kéo dài tới vài thế hệ, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Khó khăn, nhưng phải làm!

Trở lại với bóng đá Việt Nam, cuộc khủng hoảng gần đây được xem là xuất phát chính từ việc thiếu quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, cái gốc của sự phát triển. Ông nhận xét gì về điều này?

- Những thất bại thời gian qua đã chỉ ra lâu nay bóng đá Việt Nam chỉ chạy theo thành tích trước mắt. Nếu bây giờ người ta dám ngồi lại với nhau, dám làm dám sửa lỗi thì mọi chuyện mới khác đi được. Việt Nam mình có truyền thống lẫn sự đam mê cuồng nhiệt với bóng đá nên không có lý do gì để không thành công. Còn ở TP.HCM, đây là cái nôi của bóng đá Việt Nam thì không có lẽ gì không đầu tư để nó phát triển trở lại. Tôi tin nếu thực sự làm và làm tốt bóng đá học đường, bóng đá Việt Nam sẽ sớm gặt hái thành công.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Chuyên gia Đoàn Minh Xương tại lớp giảng dạy về bóng đá học đường

Một thành công của chương trình bóng đá học đường theo chia sẻ thêm của HLV Đoàn Minh Xương là đã có vài cầu thủ của TP.HCM có mặt ở Học viện bóng đá Nutifood HAGL Arsenal JMG.

Mới đây lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao hợp tác sâu rộng với CLB Lyon (Pháp) về đào tạo trẻ. 2 bên đang lên kế hoạch cụ thể, chi tiết chứ không đơn thuần chỉ là những gạch đầu dòng trước khi chính thức hoạt động.


Việt Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm