Chuyện dạy và học nghề văn

20/11/2021 06:55 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Xin kể chuyện nhà văn truyền nghề, học nghề! Mời bạn cùng đọc chậm với tôi, tìm hiểu trong văn giới nước mình, nhà văn nào nhiều trò giỏi nhất? Nhà văn nào kính thầy nhất? Nhà văn nào được Xuân Diệu truyền bí kíp! Và Xuân Diệu học ai…

Về quê 'ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ' nhân 100 năm sinh Xuân Diệu

Về quê 'ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ' nhân 100 năm sinh Xuân Diệu

Trong cái rét "ngọt" của những ngày đầu Xuân, chúng tôi về thăm làng Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - quê hương của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu nhân 100 năm sinh của ông (2/2/1916-18/12/1985)

1. Quách Tấn chưa từng gặp Tản Đà nhưng với Tản Đà: “…tôi vẫn một mực tôn kính vào bậc thầy…Nhờ tiên sinh nâng đỡ dìu dắt mà tôi có được đôi chút sự nghiệp văn chương”. Và Tản Đà xứng đáng với sự tôn vinh này vì ông đã tận tình giảng dạy, từ Hà Nội thư vào Đà Lạt, Nha Trang chỉ dẫn Quách Tấn chuyện văn chương.

“Thư của tiên sinh, bức nào cũng chứa chan niềm tin yêu, thương tưởng. Đối với tôi đó là những cơn mưa tưới vào mảnh vườn lòng đương nẩy lộc. Theo lời chỉ giáo của tiên sinh trong thư và trên báo chí, cùng lời dạy trong sách mà tiên sinh khuyên nên tìm đọc, tôi ra công tu dưỡng tập luyện. Từ ngày xuống Nha Trang, bước đường văn chương của tôi tiến nhanh gấp bội phần”.

Rất có thể áng văn cuối cùng của thầy Tản Đà là bức thư giáo trình gửi trò Quách Tấn. Thư ấy Tản Đà gượng dậy mà viết khi đang “cảm mạo, xương thịt nhức mỏi”. Và chỉ mươi ngày sau khi Quách Tấn nhận được thư này thì Tản Đà qua đời.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Tản Đà

2. Nhiều người có thể đã quên ông “Lúa tháng Năm” Huyền Tâm, dù ca dao của ông đã vào giáo khoa và thành bài tân nhạc rất chèo, rất nhiều đảo phách của nhạc sĩ Lê Lôi “Lúa tháng Năm kén tằm vàng óng…”. Trò giỏi Vương Trí Nhàn thì không quên vì ông từng in trong sách của mình: “Tất cả bọn chúng tôi đều từ ống tay áo của Huyền Tâm mà chui ra cả”.

Vào năm 1961 thầy Huyền Tâm là cán bộ Sở Văn hóa Hà Nội, cùng đồng sự tổ chức cuộc thi sáng tác, 115 người được giải! Danh sách có Vũ Bão, Vân Long, Ngô Văn Phú, Võ Văn Trực, Nguyễn Vũ Tiềm, Nghiêm Đa Văn, Vương Trí Nhàn…

Một người được giải, ông Văn Tuế “tay cắt tóc óc hành văn” - thợ cúp trên Bưởi - kể, bài dự thi của mình có 4 câu thì: “… cả 4 câu đều không phải của mình! Huyền Tâm đến tận nhà đưa nhuận bút và nói - bài của cậu có cái tứ rất hay! Còn kỹ thuật và vần điệu thì không khó, cứ theo “Lúa tháng Năm” mà trau dồi!”.

3. Nguyễn Khải tìm thầy vất vả lắm, ông kể: “Tôi vào bộ đội khi còn rất trẻ. Mặc áo lính mà học viết văn. Mùa Đông năm ấy đơn vị cử tôi đi thực tế cùng nhà văn T - một người đã rất nổi tiếng, lại là thượng cấp với mình. Sướng quá, vừa gặp, tôi đã đưa cái ký mới viết nhờ đọc rồi quẩy gánh gạo mắm theo thầy. Lúc đi thì mình dẫn đường, lúc nghỉ mình hỏi nhà dân ngủ đậu, kiếm củi nấu cơm. Lại còn phải đun nước để nhà văn ngâm chân! Ngâm rồi, ăn rồi người ấy thắp nến đọc sách. Cái ký gửi xin ý kiến, cả tuần sau, trước khi chia tay mới phán cho một vài câu. Lại nhớ có mùa Hè, vẫn thời kháng chiến chống Pháp, một nhà văn khác, ông P xuống đơn vị công tác, mình làm thân bằng cách dành phần đưa nhà văn đi... tắm. Chọn cái ao nước đầy, người vắng, lại có cây vối mọc la đà, thật là nơi mát chuyện! Vừa định cất tiếng hỏi đôi điều chữ nghĩa, nhà văn lịch sự chặn họng: "Thôi cậu về đi. Mình tắm một mình được mà".

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Khải

4. Học sư phạm, chọn môn toán, sinh vậy mà…! Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể: “Họ Nguyễn nhà tôi trọng sự học. Trong tộc có người đỗ tiến sĩ bia trong Văn Miếu có tên -Tiến sĩ Nguyễn Như Thức. Nhưng sau 1954, tôi thành người lý lịch xấu, có liên quan với phong kiến. Tôi từng có ý định học nghề cắt tóc, đi cắt dạo nuôi thân. Nhưng mẹ tôi không muốn con mình thất học nên tôi cũng có bằng sư phạm Thái Bình 10+1 thành anh giáo dạy cấp 2 trường huyện.

Dạy khoa học tự nhiên, nhưng mỗi khi có giáo viên văn nghỉ bệnh, nghỉ việc riêng tôi lại được nhờ dạy thay. Vì các bạn khoa học xã hội thấy tôi dạy toán, dạy sinh bằng thơ. Giáo án về loài ếch nhái của tôi là một lục bát sinh vật học: “Ếch nhái ăn ở nước đôi/ Nửa nước nửa cạn lôi thôi vô cùng/ Mi dầy che cặp mắt trong/ Cặp giò lực sĩ đạp tung đất trời/ Chân có màng mỏng để bơi/ Ngoài da nhơn nhớt như bôi mỡ dầu/ Mắt mũi ở tít đỉnh đầu/ Dưới bèo ếch ẩn biết đâu mà tìm/ Màu da xanh xám khó nhìn…”.

5. Bây giờ, người ta hay lên án các sách văn mẫu. Nhưng ngày ấy chính Xuân Diệu dùng sách văn mẫu mà truyền nghề.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật kể: “Vào một cái Tết, Xuân Diệu bảo tôi rằng, hôm nay, Xuân Diệu trao cho tôi chiếc chìa khóa làm lý luận, phê bình. Có một chiếc chìa khóa như thế thật sao.Tôi hỏi. Ông bảo đợi ông đi lấy, đang để trong két sắt nhà Huy Cận. Xuân Diệu khệ nệ bê một cái hòm nhỏ bằng kẽm, để lên bàn. Mở ra, bên trong là quyển Mái Tây của Vương Thực Phủ, Thánh Thán bình, bản do Nhượng Tống dịch. Ông bảo, bao nhiêu thủ pháp phê bình mà ông có được là ông lấy từ quyển này ra cả. Tôi đọc kỹ quyển sách thì đúng là Xuân Diệu nói thật. Quả là Thánh Thán, nhà phê bình tài giỏi cuối đời Minh đầu đời Thanh, đã có ảnh hưởng sâu sắc thế nào đến cách thẩm thơ của Xuân Diệu” (Báo Tiền Phong 13/1/2004).

Chú thích ảnh
Ảnh bìa sách “Mái Tây” mà nhà thơ Phạm Tiến Duật nói trong bài

6. Nhưng Xuân Diệu học ai? Đóng học phí thế nào? Chính Xuân Diệu kể: “Tôi còn nhớ, năm 1935 tôi từ Qui Nhơn ra Hà Nội học tú tài, trọ một cách kham khổ trong chùa Tàu thuộc khu lao động Sinh Từ. Một đêm, bỗng nhiên nghe văng vẳng tiếng người hát xẩm hát bài Anh khóa ơi (thơ Á Nam Trần Tuấn Khải) tôi chạy ra khỏi cổng chùa, xăm xăm đến nơi có tiếng hát. Tôi mang trọn cả món tài sản cuối tháng của anh học sinh, 15 xu (không phải nhỏ! 3 xu một bát phở chín), đứng nghe 2 vợ chồng người hát xẩm, chồng đàn, vợ hát kể những nông nỗi ly biệt. Mới vào những câu đầu mà tôi nghe đã mủi lòng quá, số ít tiền của tôi, tôi bèn cho hết, đặng mà sau đó, tôi nhịn quà sáng trong năm ngày...”.

Chú thích ảnh
Trang trong của sách “Mái Tây”

7. Ngày 11/11/2006, trong buổi giới thiệu tiểu thuyến Như núi như mây của mình, nhà văn Nguyễn Đông Thức nói, người thầy văn chương đầu tiên của ông chính là mẹ ông, nhà văn Tùng Long. Mẹ ông cùng lúc phải viết 3-4 feuilleton (tiểu thuyết đăng nhiều kỳ) cho 3-4 tờ nhật báo, với định lượng mỗi báo phải 3 trang. Đêm nào bà cũng thức thật khuya và lia bút.

Lao động văn chương như thế, cần cù chưa đủ, phải tổ chức công việc thật khoa học, để có thể quản lý khối nhân vật quá lớn của mình. Không để người của truyện này bước sang truyện khác. Không để người chết sống lại. Không bỏ quên nhân vật giữa đường. Lần nào cậu học trò Nguyễn Đức Thông (khi ấy chưa thành Nguyễn Đông Thức) chợt thức giữa đêm cũng thấy mẹ ngồi trước đèn, cũng nghe tiếng ngòi bút mài trên trang giấy. Sáng ra chính Đức Thông đạp xe đưa những trang văn của mẹ tới các tòa soạn.

8. Được biết gia đình và bè bạn nhà thơ Bế Kiến Quốc đang tiến hành xuất bản một di cảo của nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949-2002) nhân 10 năm Bế thi sĩ rời cõi tạm. Di cảo này chính là tập thơ thầy Quốc viết tặng trò Thu Nguyệt và người được tặng - nhà thơ Thu Nguyệt - viết trên blog của mình:

“Đây là tập thơ viết vào năm 1984, anh đặt tên là Lời nói. Theo tôi biết thì chỉ có tôi và anh Trần Quốc Toàn được anh giao giữ bản thảo tập thơ này. Đối với tôi, anh Quốc là một người anh, một người thầy, một người bạn thơ vô cùng thiêng liêng. Tôi may mắn được gặp anh vào năm 1984, trong trại sáng tác văn học Đồng Tháp lần thứ nhất.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Bế Kiến Quốc qua nét vẽ của họa sĩ Thành Chương

Năm ấy, tôi là một con bé nhà quê, sinh viên trường sư phạm, tập tễnh bước vào lĩnh vực văn chương, tôi đã được anh tận tình chỉ bảo. Anh đã dạy tôi từ cách đọc và hiểu thế nào là một bài thơ hay, đến những kỹ thuật sơ đẳng nhất của một người sáng tác. Anh đã mất rất nhiều ngày và đêm thức trắng để chép và viết bằng tay một quyển sổ những bài thơ hay từ xưa đến nay (của Việt Nam và thế giới) để tặng tôi.

Xúc động nhất là những “bài học vỡ lòng” về phương pháp sáng tác mà anh tự nghĩ ra, đúc kết kinh nghiệm xưa nay của mình để cung cấp cho tôi kiến thức, chỉ vẽ cho tôi cách làm thơ như thế nào. Tôi còn nhớ rất rõ những trang viết ấy có nhiều chữ bị nhòe vì những giọt mồ hôi của bàn tay anh. Tấm lòng, sự nhiệt thành của anh đối với lớp đàn em thật đáng quý xiết bao!”.

Lê Phú Xuyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm