Chuyện chưa kể về những tấm gương ham đọc sách thời đại Hồ Chí Minh

19/05/2016 20:06 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 10 năm thai nghén và hơn 3 năm đặt bút, tác giả Vũ Dương Thúy Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH, TT&DL) đã viết cuốn sách Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh (NXB TT&TT và Nhà sách Tân Việt liên kết xuất bản), với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những tấm gương sáng để cùng soi, cùng học, thức tỉnh khát vọng cống hiến và sống có ý nghĩa hơn.

Làm trong ngành thư viện, với nguồn tư liệu dồi dào và cũng dễ dàng tiếp cận các tư liệu khác có từ các bảo tàng, di tích..., đồng thời được gặp gỡ trực tiếp các thân nhân của nhân vật lịch sử, cuốn sách 200 trangđược tác giả viết bằng tất cả sự yêu quý, ngưỡng mộ.

Sách gồm 2 phần: Hồ Chủ tịch với sách báo và đọc sách và Một số tấm gương ham đọc sách và tự học lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, phần 2, gồm 6 đại diện tiêu biểu trên các lĩnh vực khác nhau: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học giả Đào Duy Anh, GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Tôn Thất Tùng và nhà toàn học Hoàng Tụy.

Sức hấp dẫn của sách nằm ở chính chủ đề, đó là phương pháp đọc và tự học của các nhân vật lịch sử. Tác giả dẫn dắt người đọc vào thế giới của những học giả tài hoa toàn diện, chỉ rõ cách thức họ đã trở nên lỗi lạc, uyên bác như thế nào.


Bìa cuốn Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh

Học giả Đào Duy Anh đọc rất nhiều sách, nhưng luôn chú trọng vào việc tìm kiếm tư liệu gốc kết hợp với diền dã. Để viết được một cuốn sách thì ông phải phải mua rất nhiều sách.

Trong khi bác sĩ Tôn Thất Tùng chú trọng đọc sách và thực nghiệm. Công thức của ông là đọc – học – áp dụng thực tế. Ông yêu cầu các bác sĩ phải đọc hai loại, một là tài liệu ngành y, hai là tài liệu văn hóa, lịch sử. Trong các cuộc họp chuyên môn, ông rất hay hỏi các đồng nghiệp về lịch sử. Ông quan niệm bác sĩ phẫu thuật phải mổ bằng cái đầu chứ không phải bằng cái tay.

Bác sĩ Tôn Tất Tùng cũng là người rất quan tâm đến giáo dục. Năm 1974, khi nói đến giáo dục nước nhà, ông đã nói nền giáo dục của chúng ta là một nền giáo dục quá nhiều chữ và ít việc làm. Cho đến nay nhận định này vẫn còn giá trị.

Còn nhà toán học Hoàng Tụy lại cực kì quan tâm đến đọc toàn diện. Ông nói một trong những điểm yếu của người Việt Nam là thiếu sự sáng tạo. Mà muốn có sự sáng tạo thì phải đọc nhiều sách văn học.

Việc dành tâm sức gặp gỡ thân nhân các nhân vật lịch sử cũng để lại cho tác giả nhiều kỷ niệm xúc động. Ông Bội Giong, thư kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp mở tủ tư liệu trao cho tác giả. Hay bà Vi Nguyệt Hồ vợ GS Tôn Thất Tùng cho biết “GS có nhiều thiệt thòi vì không biết ngày sinh thực của mình là ngày nào. Cho tới khi biết mình sinh ngày 10/5, chưa kịp chờ đến sinh nhật thật, ông đã nhắm mắt xuôi tay. Còn chuyện người ta đồn ông thường mở nhạc cổ điển trong phòng mổ để thư giãn là không có thật”.

Với Bác Hồ thì không cần phải nói nhiều thêm. Trong phòng Bác, lúc Bác qua đời, cuốn sách Cuộc cách mạng chống Nguyên Mông vẫn mở, chứng minh rằng cho đến tận lúc qua đời Bác vẫn không ngừng đọc. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Đạm từng nói: “Hồ Chí Minh làm cách mạng không bắt đầu bằng khẩu súng mà bắt đầu bằng một cuốn sách”. Đó chính là cuốn Đường Kách mệnh.

Mong muốn lớn nhất của tác giả là cuốn sách sẽ đến được với người đọc là học sinh sinh viên, những độc giả trẻ tuổi để tiếp thêm động lực, niềm say mê với việc đọc sách và tự học, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến cho đất nước, cho xã hội, sống có ý nghĩa hơn với cuộc đời.

An Như


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm