(TT&VH) -
Cũng như bao người dân chất phác ở làng Chuông thuộc đất Thanh Oai (Hà Nội), nghệ nhân Phạm Trần Canh gắn cuộc đời mình với nón, ông sinh ra đã thấy nón, lớn lên cùng nón. Sau những tháng ngày cầm súng chiến đấu, khi thân thể không còn lành lặn ông lại trở về với nón. Và chính ông là người hồi sinh lại nón thúng quai thao tưởng như đã thất truyền sau 50 năm.* Làm nón cũng tự nhiên như hơi thởLàng Chuông là một vùng bán sơn địa, bên phía đông là rìa sông Hồng, bên phía tây dãy núi Trường Sơn từ Hòa Bình vào Thanh Hóa. Ruộng đồng ít, vài nhân khẩu mới có một sào ruộng cho nên nghề nón chính là nguồn sống của người dân.
Nghệ nhân Phạm Trần Canh năm nay đã 82 tuổi, khi là đứa bé để chỏm ông đã biết đan nón rồi. Bà nội ông, cha mẹ ông vốn sống bằng nghề đan nón. Ông bảo, nghề này với nguời làng Chuông tự nhiên như hơi thở, ông bà làm, cha mẹ làm, con cháu làm theo, nhìn nhau mà làm. So với vật giá, công người làm nón không cao, người giỏi nghề nhất như ông một tháng cũng chỉ thu hoạch được sáu đến bảy trăm nghìn. Nhưng nhà nào cũng biết làm, từ cụ già 90 tuổi đến em bé 10 tuổi, người làm chính được năm, sáu trăm, người phụ cũng được hai trăm ngàn, dồn lại “năng nhặt chặt bị” cũng nâng cao được đời sống.
Tháng 4 năm 1946 ông Canh vào bộ đội. Đầu năm 1951, quân ta giải phóng Đông Khê, thực dân Pháp thua ở biên giới dạt quân về đồng bằng, chúng lùng sục bộ đội phân tán trong vùng địch. Ông là trinh sát ở trong dân, tìm cách thâm nhập các bốt nắm tình hình vẽ sơ đồ. Bị lộ, ông hai lần bị địch bắt. Bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ được bí mật cơ sở kháng chiến trong lòng địch. Cả 2 lần, ông đã cùng anh em phá nhà tù ở Căng 41 (Thị xã Hà Đông) và bốt Tía để trở về kháng chiến. Năm 1952 ông bị thương trong trận đánh giải phóng Phú Xuyên.
Trở thành thương binh hạng hai, ông trở về tham gia công tác ở địa phương, lúc thì làm chủ nhiệm HTX thủ công, lúc thì phó Bí thư Đảng ủy, huy động toàn lực vào kháng chiến chống Mỹ. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Giải phóng hạng Ba, huy hiệu 46 tuổi Đảng, huy hiệu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy. Nghỉ công tác, ông lại trở về với nón…
* Tìm lại nón thúng quai thaoNguyên liệu làm nón chỉ có 3 thứ chính là lá cọ, tre nứa làm khung và sợi cước nilon, ngày xưa khi chưa có cước, các cụ khâu bằng sợi móc lột từ cây giang.
Có 2 thứ lá, lá già của cây lá cọ từ Phú Thọ đưa về, thứ 2 là trắng đưa từ Kỳ Anh Hà Tĩnh ra. Ngày xưa làng Chuông chỉ dùng lá già, còn lá trắng mới xuất hiện từ 50 năm nay, từ khi nón trắng phát sinh từ Huế trở nên thông dụng. Lá trắng nhẹ đẹp, hợp với tuổi thanh thiếu nữ nhưng nhanh hỏng. Nón lá già cổ truyền người đứng tuổi hay đội, bền, riêng nón quai thao chỉ làm bằng lá già.
Khi ông lên vài tuổi đã thấy bà nội làm nón quai thao. Trong làng, các bà hay đi rước đình, rước kiệu hội làng hay vào các đền miếu đều đội nón quai thao. Sau hai cuộc kháng chiến nón quai thao mất đi vì không ai dùng nữa.
Năm 1997, một đoàn văn công trong đó có cả khách nước ngoài đi tìm nón quai thao, sau khi đã đi nhiều tỉnh, từ Hà Tĩnh trở ra, không ai nhận làm nón. Họ đến làng Chuông đặt vấn đề với UBND xã, xã cũng lắc đầu bởi từ năm 1946, đã 50 năm đã không còn làm nón quai thao, các cụ già làm nón xưa kia cũng không còn.
Nghệ nhân Phạm Trần Canh năm nay đã 82 tuổi, khi là đứa bé
để chỏm ông đã biết đan nón Biết chuyện, ông đứng ra nhận làm nón dù chưa biết có làm được không, ông nghĩ, trước kia mình có biết bắn súng đâu mà sao vào bộ đội cũng biết bắn, khó mấy cũng làm được.
Ông cố hình dung lại những ngày còn nhỏ phục vụ cho bà nội làm nón như thế nào, nhưng khi bắt tay vào làm, khuôn mẫu không còn nữa, ông phải đi tìm lại. Dù chỉ còn một chân nhưng ngày ngày ông vẫn dùng chiếc xe babetta rong ruổi hết tỉnh nọ đến tỉnh kia để tìm mẫu nón. Cuối cùng ông nhờ được một bà cụ ở chợ Đồng Xuân, bà tìm được một chiếc nón mẫu mà một ngôi chùa ở Hà Nội còn giữ được. Trở về nhà, ông tháo tung chiếc nón ra nghiên cứu xem đường kim mũi chỉ như thế nào, nón có bao nhiêu vòng, có mấy lớp lá. Vậy là ông phục chế lại được nón quai thao tưởng chừng đã thất truyền.
Làm nón quai thao có 6 công đoạn, thứ nhất là công đoạn làm lá rất công phu gọi là “nuột”. Cây cọ ở Phú Thọ mỗi tháng chỉ có 1 cái búp xanh biếc, cắt cái đó phơi 3 nắng mùa hè thì nó biến màu xanh thành màu trắng. Sau đó cho vào hun trong lò sấy đốt diêm huỳnh cho lá trắng mỏng và trong hơn, rồi mang ra đốt lưỡi cày gang lên, ở dưới đốt lửa, ở trên dùng một bọc giẻ là từng lá cho phẳng. Đây là công đoạn khó nhất, nếu mà làm vụng lá sẽ cháy, không trắng và cái nón mất giá trị. Công đoạn hai là cho vòng vào khuôn gọi là “vốt” vòng. Công đoạn 3 là dùng lá lợp lên thành nón. Công đoạn 4 là khâu, dân làng Chuông gọi là thắt nón. Công đoạn 5 là khi nón khâu xong đổ ra khuôn là công đoạn “nức cạp” và cuối cùng là trang trí nón.
* Mang nón đi triển lãm ở Đức, TiệpSau một thời gian, khách sạn Liên Hoa ở Hà Nội đến đặt 2 chiếc nón đường kính 2 mét để triển lãm 2 nước ở Đức và Tiệp Khắc. Đường kính nón 2 mét thì chu vi phải 7 mét, nhờ một số người hỗ trợ, hai ông bà làm 2 cái nón hết 1 tháng mới hoàn thành. Để có lá làm nón, ông yêu cầu chở rất nhiều lá từ Phú Thọ, mỗi tấm lá chỉ chọn được hơn chục ngọn dài nhất vì đường kính hai mét nên mỗi bên mái nón phải có lá dài mét hai trở lên.
Sau khi được mang đi triển lãm thủ công nghiệp ở các nước, ngoài tiền công làm nón, khách sạn biếu ông thêm 1 triệu đồng. Ông nghĩ thầm, đấy là cái lộc của quê hương, quê có nghề thì mình mới làm được, mình là một đảng viên, lại là người lính nên ông ủng hộ số tiền ấy cho nhà mẫu giáo ở làng, một số tiền không nhỏ với ông lúc bấy giờ.
Với cái nghiệp của làng, ông luôn giữ niềm lạc quan bởi ông nghĩ Việt Nam trước kia có hơn 20 triệu người, giờ lên gần 100 triệu, dù cuộc sống hiện đại, nhưng người dùng nón vẫn nhiều. Những người lao động nông nghiệp, lao động ngoài trời vẫn đội nón nên cái nón vẫn bán chạy. Bây giờ không chỉ làng Chuông mà khắp huyện, làng nào cũng có nhà làm nón, làm bao nhiêu cũng bán hết. Đấy là niệm hạnh phúc của riêng ông, và của cả dân làng Chuông nữa.
Thảo Vy