Chuyện vặt ở đám tắc đường

27/06/2010 13:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tắc đường cũng hệt như tắc một cái cống nước. Dòng người đang “chảy” từ từ trên đường, như một thứ chất lỏng mà càng đến gần giờ tan tầm càng đặc sánh lại. Thế rồi bất đồ, chỉ vì một thứ hết sức bé nhỏ ngáng qua đường thôi - tương tự như một chùm tóc rối mắc vào miệng cống - có thể là một chiếc xe máy vượt ẩu, một chiếc xe sọt thồ lấn đường, hay tệ hơn là một vụ va quệt nho nhỏ..., thế là cả khối chất lỏng ấy đông cứng lại thành một cái nút kinh hoàng.

Hôm nay cũng thế. Tất cả chỉ vì một chiếc xe máy từ trong ngõ nhao ra tạo thành một mũi “đột phá khẩu” vào giữa dòng xe khổng lồ đang lừ lừ chuyển dịch. Tất cả đều bị kẹt cứng. Cả tuyến đường đều kẹt cứng. Không ai có thể nhúc nhắc được.  

Cũng như một nhúm tóc trên miệng cống, nếu được gỡ ngay ra thì dòng nước lại chảy bình thường. Tắc đường cũng thế, phải gỡ từ chiếc xe máy đầu tiên gây tắc ấy. Mỗi người nhường một tí sẽ tống khứ được nó sang làn đường bên kia, tự nhiên đường sẽ thông ngay và ai cũng được về nhà sớm. Nhưng ai sẽ là người gỡ? Mọi người đều cau có nhăn nhó, đều cố nhích lên, đều bóp còi inh ỏi. Và kết cục là đường đã tắc lại càng tắc.

Phải chờ cảnh sát giao thông thôi.

Nhưng cảnh sát giao thông chưa đến, và có thể không đến.

Đúng lúc đó vị cứu tinh trên đường phố xuất hiện.


Đó là một bác già, mặt đen nhẻm, quần áo xốc xếch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chẳng hiểu sao bác ta kiếm đâu được một cái còi. Thổi toét một cái thị uy, bác ta nhảy ra giữa dòng đường, hô to:

- Nhường nhau một tí nào, bà con ơi. Bà sọt thồ kia, bà lui xe xuống một tí nào. Cô Attila kia, xin cô đừng nhích lên nữa. Cả anh kia - bác ta chỉ thẳng vào mặt tôi - anh nhấc cái đuôi xe anh dẹp hẳn về bên này. Thế nhé, để cho cái cậu tóc vàng này đi trước đi. Cả cậu ở phía sau nữa, sang hết bên kia đường đi. Thế thế...

“Nhúm tóc” đã được gỡ, và đã “trôi” được sang được làn đường bên kia. Bác ta lại chạy theo, hô hào mọi người không nống sang làn trái để cho chiếc xe ấy thoát hẳn. Một tay lái xe tải hùng hùng hổ hổ không chịu nhường đường, nhưng thấy bác ta tả xung hữu đột, xông lên tận cửa cabin cũng đành phải cho xe lui lại.

Dòng xe cộ bắt đầu nhúc nhích được.

Cảm thấy công việc của mình có hiệu quả, lại được mấy cô học trò trong đám kẹt xe vỗ tay hoan hô ầm ĩ, bác ta càng hăng hái muốn thể hiện hơn. Đứng giữa khoảng trống ngã ba, bác ta dang tay, dang chân tuýt còi điều khiển cả dòng xe. Hết làn này đến làn khác. Lúc đầu mọi người còn trật tự nghe theo lời bác ta, sau thấy đi lại đã thuận tiện hơn, họ lại chen lấn, xô đẩy. Mấy cô học trò đi xe đạp yếu thế, bị bẹp vào một góc không sao lách ra được. Tuýt còi chặn dòng xe lại không xong, bác ta lại xông lên dang hay tay chắn cả dòng xe để “giải cứu” cho đám học trò.

Như cởi tấm lòng, đám học trò vừa đạp xe thoát ra vừa ngoái lại hô to nửa đùa nửa thật: Hoan hô vị cứu tinh xa lộ! Hoan hô! Chúng cháu cảm ơn bác nhiều!

Tôi là người thoát ra gần như cuối cùng trong đám tắc đường hôm ấy, đơn giản vì tôi muốn nán lại quan sát người “thổi tù và hàng tổng” đáng kính này. Khi dòng xe cộ đã trở lại bình thường, bác ta mới kéo vạt áo đẫm mồ hôi trở lại chiếc xe máy của mình. Chiếc xe máy của bác đỗ trên lề đường, trên xe lỉnh kỉnh đồ đạc, ngồi phía sau xe là một cô bé bịt mặt kín mít, vai khoác cặp học sinh, chắc là con gái bác. Hẳn là bác ta đi đón con gái về đến đây, gặp cảnh tắc đường, mới xông ra làm “người hùng”.

Bất ngờ, cô bé bỏ bịt mặt ra, chau mày nhìn bố, nói chỏng lỏn:

- Bố vừa làm cái trò gì thế, như cái thằng hề giữa đường. Con thật xấu hổ với đám bạn!

Bác ta lặng lẽ trèo lên xe, nhẫn nại nổ máy.

- Đưa con về đi, muộn hết cả giờ học rồi! - cô bé gắt.

Chiếc xe lặng lẽ đi trong buổi chiều nhập nhoạng. Phố xá vừa lên đèn.

* * *

Cuộc đời là như thế. Đôi khi xả thân vì việc nghĩa, được cộng đồng ủng hộ, nhưng về nhà lại bị chính thân thích mình cười chê.

Thiếu Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm