Từ hiện tượng 'Running man' và 'bà Tưng': Tuổi trẻ 'hãy cứ khát khao, chứ đừng dại khờ!'

05/08/2013 08:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cùng thời gian ngắn, “Running Man” Vũ Xuân Tiến và “bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Liệu giữa hai “hiện tượng” khác nhau (về hình thức và có thể cả bản chất) này có chung thông điệp gì về một thế hệ trẻ mới : “dám” làm mọi thứ (dù “điên rồ”) để đạt được mục đích?

TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi về vấn đề này với thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM, nhân vật “thầy giáo gây sốt trên Facebook” với series bài giảng bằng clip trên YouTube Tháo gỡ chuyện khó đỡ (*)


Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

* Trước tiên xin tò mò một chút: tuổi trẻ của thầy có… nổi loạn không?

- Nếu xem cuộc đời là một bản nhạc thì tuổi trẻ của tôi là những nốt dữ dội trên nền của một bản nhạc trầm. Tôi luôn muốn bứt ra khỏi chiếc vỏ của mình nên không bao giờ muốn yên vị trong cái vòng an toàn do nỗi sợ của mình tự vẽ ra. Nổi loạn có, khác biệt có, xông pha có; nhưng may mắn không có điều nào là gây sốc.

* Nếu có điều gì hối tiếc về thời tuổi trẻ, thầy thấy hối tiếc nhất điều gì?

- Nếu hối tiếc, tôi chỉ hối tiếc vì mình “điên rồ” quá trễ. Tích lũy nội công đến 6 năm khi ra trường thì mới bắt đầu bước lên con đường đi ngược gió.

* Thầy có thể cho biết quan điểm của thầy về hiện tượng “Running man” và “Bà Tưng” đang gây chú ý của công luận, Xét trên bình diện dư luận xã hội thì hai trường hợp đang ở hai thái cực trái ngược hoàn toàn.

- Về Vũ Xuân Tiến, theo tôi hành động của cậu xuất phát từ tình yêu và động cơ hoàn toàn trong sáng. Hành động này không ảnh hưởng xấu đến người khác, thậm chí còn cổ vũ được tinh thần thể thao. Bên cạnh đó, sau khi nổi tiếng, cậu rất bình tĩnh, biết lắng nghe cha mẹ, bạn bè.

Còn đối với hiện tượng “Bà Tưng”, hành động gây sốc để được nổi tiếng thì đúng là… sốc thật. Tuy nhiên mình không nghĩ đó là nổi tiếng mà là tai tiếng thì đúng hơn. Mà oái oăm thay, trong xã hội hiện tại bây giờ, “tai tiếng” đôi khi lại trở thành…lợi thế!

Công thức của nhiều bạn trẻ bây giờ là: khoe thân = nổi tiếng. Công thức đó đang bắt đầu lan rộng như một con virus phát triển vô cùng mạnh mẽ trên mảnh đất của lòng khát khao sự nổi tiếng. Tôi nghĩ trường hợp của “Bà Tưng” hội tụ đủ “3 sự”: Sự lệch lạc giá trị sống, Sự non nớt trong suy nghĩ và Sự xốc nổi trong hành động.

(*) Về thầy giáo, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và “dự án giáo dục” lạ, hấp dẫn giới trẻ của anh, xem thêm Trần tình của thầy giáo làm clip "tháo gỡ chuyện khó đỡ” 

* Còn hiện tượng hàng chục ngàn “like” mỗi lần cô khoe thân trên Facebook phải chăng là sự đồng thuận của giới trẻ trước sự nổi loạn của cô, thưa thầy?

- Đôi khi một bức ảnh khoe thân hay một clip gây sốc nhận được hàng chục ngàn like, nhưng cái like đó không hẳn có nghĩa là thích,  là nể phục, mà đó là cái like ít nhiều giễu cợt. Lúc đó, nhân vật chính chỉ như một trò mua vui cho cộng đồng mà thôi.

Hiện tại, nhiều bạn trẻ đang “nằm vùng” chờ đợi xem tình hình “làm ăn” của “Bà Tưng” ra sao trước khi quyết định mình có nên cởi nút để “tưng” hay không. Giới trẻ đang thật sự đứng trước nguy cơ một trào lưu nguy hiểm chuẩn bị bùng nổ nếu “Bà Tưng” có được một chỗ đứng trong showbiz.

* Vậy theo thầy, những hệ lụy văn hóa nào đằng sau sự thành công (nếu có) của “Bà Tưng”?

- Nếu “Bà Tưng” ký được hợp đồng “đại sứ thương hiệu” cho game này game nọ, nếu “Bà Tưng” bắt đầu được lên sóng truyền hình, nếu “Bà Tưng” bắt đầu có nhiều show diễn... chắc chắn một số bạn trẻ sẽ đua nhau cởi hoặc đua nhau “vô tình rò rỉ ảnh cởi” để trở nên nổi tiếng. Do đó, muốn chặn sóng, phải dựng đê đắp đập ngay từ bây giờ bằng sự răn đe quyết liệt!

* Vậy chúng ta nên ứng xử sao với những hiện tượng của những người trẻ này?

- Đối với trường hợp của Xuân Tiến thì ta cứ thuận theo tự nhiên.

Còn với Lê Thị Huyền Anh, chúng ta không lên án em. Chúng ta chỉ lên án hành vi sai trái và phản cảm của em ấy. Hy vọng cơ quan quản lý xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nên có hành động cụ thể, quyết liệt hơn đối với hành vi phổ biến những ảnh khoe thân, “khiêu khích” để răn đe cho những ai đang manh nha bứt áo, bán nhân phẩm để đổi lấy sự tai tiếng cho mình.

Giới trẻ đang thật sự đứng trước nguy cơ một trào lưu nguy hiểm chuẩn bị bùng nổ nếu “bà Tưng” có được một chỗ đứng trong showbiz

* Dưới góc nhìn văn hóa, nhìn từ hiện tượng “Running man” và “Bà Tưng” đều thấy người trẻ hiện đại đã dũng cảm/liều mình tìm mọi cách để đạt mục tiêu. Vậy theo thầy, nên nhìn nhận thực tế này ở giới trẻ như thế nào?

- Tâm lý giới trẻ thì thích tự khẳng định, thích thể hiện cá tính của mình, thích được nổi tiếng. Mà trong một thế giới phẳng, muốn gây chú ý phải tạo sự khác biệt, muốn nổi tiếng thì phải làm gì đó khác người.

Thực ra thích nổi tiếng hay dũng cảm để đạt được mục tiêu cũng tốt chứ không có gì xấu. Xấu hay không là ở chỗ mục tiêu đó tầm thường hay ý nghĩa và đặc biệt; là cách làm; là gây ấn tượng hay là gây sốc.

* Ở góc độ tâm lý học, giáo dục học... thầy có cho rằng, điều gì đã tạo nên sự “bất thường”, thậm chí “dị thường” qua hai hiện tượng này?

- Nhờ Internet, một người trong tích tắc có thể trở thành trung tâm, một người vô danh có thể trở thành người nổi tiếng chỉ sau một đêm. Sự bất thường ở đây thực ra chỉ là quy luật lây lan của đám đông với sức mạnh của truyền thông. Thực ra, có rất nhiều hành động còn đồi trụy gấp trăm lần “Bà Tưng”, có nhiều anh hùng đường phố còn dũng cảm quyết tâm hơn Xuân Tiến, nhưng họ không được truyền thông bắt gặp và không trở thành hiện tượng.

Ngoài ra, khán giả bây giờ cũng hiếu kỳ, cũng muốn giải trí qua những thông tin sốc, lạ. Nên những hành động này dễ dàng được đám đông đẩy đến cao trào.

* Dự án “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” của thầy được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng và có hiệu ứng rất tốt khi những video của thầy có thể uốn nắn, điều chỉnh hành vi và hướng được người trẻ suy nghĩ theo hướng tích cực. Thầy có nghĩ nên làm 1 clip giúp người trẻ kiểm soát bản thân trước tuổi trẻ đầy khát khao và ham muốn? Hoặc một clip cổ vũ người trẻ “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”?

- Khát khao là tốt, ham muốn cũng không xấu, xấu hay không là ở cách chúng ta làm thôi. Có lẽ tôi sẽ làm một clip “Hãy cứ khát khao, chứ đừng dại khờ” (cười).

* Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Vũ Xuân Tiến (sinh 1993), sinh viên Cao đẳng Dược Hải Dương, chạy 5 km theo xe của CLB Arsenal khi CLB này có mặt ở Hà Nội. “Cậu ta đã vượt qua mọi chướng ngại vật, vấp ngã hết lần này đến lần khác song cậu ta vẫn đứng lên, bám đuổi xe của CLB Arsenal đến cùng”- trang chủ CLB Arsenal tường thuật. Vũ Xuân Tiến nhận được lời mời tới thánh địa Emirates trực tiếp xem Arsenal thi đấu ở giải ngoại hạng. ngoài ra, tới lúc này, ít nhất, Tiến đã ký 2 hợp đồng quảng cáo với thương hiệu nước tăng lực và thời trang...

Lê Thị Huyền Anh (sinh 1991), sinh viên trường Thiết kế nội thất ADS Hồ Chí Minh, được biết đến với nickname Bà Tưng trong clip không mặc áo ngực cùng bộ đồ bó sát nhảy “Gentleman” được tung lên mạng, sau đó là nhiều clip nhảm nhí khoe thân khác. Ngày 27/7, “bà Tưng” nhận được lời mời biểu diễn ở một quán bar ở Hà Nội song buổi biểu diễn bị Sở VH TT& DL Hà Nội đình chỉ.


Thực hiện Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm