Phiên tăng điểm kỷ lục ở Phố Wall

14/10/2008 09:52 GMT+7 | Thế giới

Chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng trên 11% trong ngày 13/10

Ngày 13/10, chứng khoán thế giới cùng tăng mạnh, trong đó bất ngờ lớn nhất là mức tăng kỷ lục của chứng khoán Mỹ.

Chứng khoán Mỹ: Các chỉ số tăng trên 11%

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 11 tại NYMEX trong ngày 13/10 đã tăng 3,49 USD/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 81,19 USD/thùng.

Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo tài chính, ngân hàng trung ương của nhóm 7 nước phát triển (G7) nhóm họp tại Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung rằng “sẽ sử dụng mọi công cụ cần thiết” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng.

Ngay sau đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ công bố sẽ tiến hành các đợt bơm vốn không giới hạn cho thị trường tài chính cho đến năm 2009.

Tuyên bố này đã kéo lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng Libor kỳ hạn 3 tháng giảm kỷ lục từ 5,36625% hôm thứ Sáu tuần trước xuống 4,7525 % trong ngày đầu tuần, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ 17/3/2008.

Liên quan đến kế hoạch giải cứu khối tài chính, hãng CNBC cho biết, Chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch đầu tư 250 tỷ USD vào hàng trăm ngân hàng ở Mỹ và rất có thể kế hoạch này sẽ sớm được công bố vào ngày 14/10.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal đưa tin, chính quyền liên bang sẽ mua lại cổ phần ưu đãi của 9 ngân hàng hàng đầu của nước này như một phần của nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng.

Cũng trong ngày đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson đã có cuộc gặp với lãnh đạo các ngân hàng ở Phố Wall để bàn về kế hoạch mua lại cổ phần của các định chế tài chính và khôi phục niềm tin cho thị trường.

Một sự kiện bất ngờ vừa được Morgan Stanley công bố hôm thứ Hai, theo đó Ngân hàng này vừa đạt được thỏa thuận cuối cùng để bán 21% cổ phần cho Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) với giá 9 tỷ USD.

Thỏa thuận này đã vượt ngoài mong đợi của giới phân tích, vì trước đó, MUFG đã “lưỡng lự” mua cổ phiếu của Morgan Stanley vì giá cổ phiếu này xuống gần một nửa so với giá thỏa thuận hai bên đạt được trước đó. Trước tin này, cổ phiếu của Morgan Stanley đã tăng 87% lên mức 18,10 USD/cổ phiếu.

Phản ứng trước những thông tin tích cực trên và sức tăng của thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu, chứng khoán Mỹ đã có ngày tăng điểm mạnh nhất trong nhiều năm qua sau khi mất gần 20% trong tuần trước đó.

Theo đó, chỉ số Dow Jones có ngày tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 15/3/1933, chỉ số S& P 500 và Nasdaq có ngày tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 1/2001. Với phiên tăng điểm này, chỉ số S&P 500 đã vượt mốc 1.000 điểm trong khi chỉ số Dow Jones cũng vượt qua ngưỡng 9.000 điểm.

Trong phiên này, cổ phiếu khối tài chính tăng mạnh, trong đó cổ phiếu của Bank of America lên 92%, cổ phiếu Citigroup tăng 11,62%, cổ phiếu Goldman Sachs tiến thêm 25%, Wachovia tăng 14%...

Cổ phiếu của General Motors tăng tới 33,1%, cổ phiếu Ford Motor lên 20,1%, cổ phiếu Apple tiến thêm 13,9%, cổ phiếu Microsoft tăng 18,6%. Các cổ phiếu khối năng lượng như Exxon Mobil, Chevron có mức tăng lần lượt là 17,08% và 20,9%

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 936,42 điểm, tương đương 11,08%, đóng cửa ở mức 9.387,61.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 194,74 điểm, tương đương 11,81%, chốt ở mức 1.844,25.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 104,35 điểm, tương đương 11,58%, đóng cửa ở mức 1003,35.
 

Chứng khoán châu Âu tăng từ 8,26% đến 11,4%

Ngày 12/10, các nhà lãnh đạo 15 nước sử dụng chung đồng Euro đã nhất trí về một kế hoạch giải cứu tập thể dành cho các ngân hàng của khu vực này.

Theo đó, các nước sử dụng chung đồng Euro sẽ cam kết bảo lãnh cho các khoản nợ do các ngân hàng phát hành với kỳ hạn tối đa 5 năm; cam kết tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn và không để các ngân hàng quan trọng phá sản; cho phép các chỉnh phủ mua lại cổ phần trong các ngân hàng khi cần thiết.
 
Thị trường chứng khoán London

Ngày 13/10, ba chính phủ Anh, Đức và Pháp cũng đã công bố kế hoạch giải cứu thị trường tài chính và trấn an nhà đầu tư trước cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng gần 80 năm qua.

Theo đó, Chính phủ Đức sẽ dành 400 tỷ Euro (543,4 tỷ USD) để đảm bảo sự ổn định cho các ngân hàng và 100 tỷ Euro để thành lập các quỹ nhằm quốc hữu hóa ngân hàng thương mại nếu cần.

Chính phủ Pháp sẽ thành lập các quỹ có tổng vốn 320 tỷ Euro để đảm bảo các khoản tiền cho vay của các ngân hàng và 40 tỷ Euro để cung vốn cho các ngân hàng khi cần.

Chính phủ Anh chi 37 tỷ Bảng Anh (64 tỷ USD) để giải cứu 3 ngân hàng của nước này là Royal Bank of Scotland, HBOS và Lloyds.

Như vậy, trong nhiều ngày qua, các chính phủ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Bồ Đào Nha đã công bố dành 1,96 nghìn tỷ USD để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhờ những thông tin tích cực đó, chứng khoán châu Âu đã tăng điểm mạnh mẽ ở cả ba thị trường chính với biên độ từ 8,26% đến 11,4%.

Các cổ phiếu khối tài chính dẫn đầu về biên độ tăng điểm, trong đó, cổ phiếu của Credit Suisse tăng vọt thêm 28%, ING Group lên 20%, cổ phiếu Allianz tiến thêm 14%. Bên cạnh đó, cổ phiếu khối năng lượng cũng khởi sắc, trong đó, cổ phiếu BP, Total, Royal Dutch Shell tăng từ 10% đến 11%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 324,84 điểm, tương đương 8,26%, đóng cửa ở mức 4.256,9, khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,91 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 11,4%, khối lượng giao dịch đạt 89,6 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 11,18%, khối lượng giao dịch đạt 298,4 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á bất ngờ phục hồi mạnh

Nhiều thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt tăng điểm với biên độ lớn sau hàng loạt những cam kết và chương trình hành động của nhiều nước trên thế giới nhằm ứng cứu thị trường tài chính đang trong cơn khủng hoảng nặng nề.

Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo tài chính, ngân hàng trung ương của nhóm 7 nước phát triển (G7) nhóm họp tại Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung rằng “sẽ sử dụng mọi công cụ cần thiết” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông phiên này đã có sự phục hồi ấn tượng với mức tăng trên 10% sau khi mất hơn 16% giá trị trong tuần trước đó.

Các nhà đầu tư ở thị trường này đã tăng mạnh mua các cổ phiếu khối tài chính sau những tin tức tích cực từ các giải pháp hỗ trợ thị trường của các nước sử dụng chung đồng Euro và Nhóm G7.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư chuyên săn tìm các cổ phiếu blue-chip đã giảm giá mạnh trước đó để mua vào mong kiếm lời từ các đợt phục hồi mang tính kỹ thuật, nên đã góp phần đẩy thị trường tăng điểm mạnh.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng lên 1.515,29 điểm, tương ứng 10,24%, đóng cửa ở mức 16.312,16.

Chứng khoán Trung Quốc cũng lên điểm trong phiên giao dịch đầu tuần với sự phục hồi mạnh của cổ phiếu khối ngân hàng, trong đó cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) tăng 5,25%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 73 điểm, tương đương 3,65%, đóng cửa ở mức 2.073,57.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tiếp tục giảm 2,15%. Chỉ số Straits Times của Singapore lên 6,82%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 3,79%.

* Thị trường chứng khoán Nhật nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước

Đóng cửa

Tăng / giảm (điểm)

Tăng / giảm (%)

Mỹ

Dow Jones

8.451,19

9.387,61

936,42

11,08

Nasdaq

1.649,51

1.844,25

194,74

11,81

S&P 500

899,22

1.003,35

104,13

11,58

Anh

FTSE 100

3.932,06

4.256,90

324,84

8,26

Đức

DAX

4.544,31

5.062,45

518,14

11,40

Pháp

CAC 40

3.176,49

3.531,50

355,01

11,18

Đài Loan

Taiwan Weighted

5.130,71

5.020,44

110,27

2,15

Nhật

Nikkei 225

8.276,43

N/A

N/A

N/A

Hồng Kông

Hang Seng

14.796,87

16.312,16

1.515,29

10,24

Hàn Quốc

KOSPI Composite

1.241,47

1.288,53

47,06

3,79

Singapore

Straits Times

1.940,40

2,081.28

132,95

6,82

Trung Quốc

Shanghai Composite

2.000,57

2.073,57

73,00

3,65

 
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm