24/05/2013 13:47 GMT+7 | Bóng đá Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Bundesliga là giải đấu có giá vé trung bình thấp nhất trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, chỉ khoảng 643 euro cho vé cả mùa loại đắt nhất, so với 937 euro của La Liga, 1012 euro của Premier League và 1936 euro của Serie A.
Ở Đức, bóng đá dành cho tất cả mọi người
Tại Dortmund, giá vé xem cả mùa của họ chỉ là 355 euro, thấp hơn cả giá vé xem cả mùa của các đội làng nhàng thuộc Premier League như Reading (439 euro) hay Stoke (467 euro)…
Là đội bóng hàng đầu châu Âu, nhưng giá vé xem Bayern thi đấu cả mùa lại thuộc vào loại thấp nhất, chỉ rơi vào khoảng 122 euro cho một vé xem cả mùa dành cho người lớn ở khu vực đứng. Nếu muốn một chỗ ngồi hoàn hảo, bạn cũng chỉ mất 644 euro. Với những người tàn tật, thậm chí, họ chỉ phải chi 78 euro để xem Bayern cả mùa.
Nó hoàn toàn trái ngược với sự đắt đỏ ở Premier League: Giá vé rẻ nhất để xem Arsenal thi đấu cả mùa là 1152 euro, của Liverpool là 848 euro. Thậm chí, giá vé rẻ nhất ở Premier League trong mùa giải 2012-13 cũng lên tới 298 euro (của Wigan). Giá vé rẻ, hệ quả đầu tiên là doanh thu từ bán vé của các CLB Bundesliga thuộc loại thấp nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu.
Theo công bố của hãng kiểm toán Deloitte, tổng doanh thu từ ngày diễn ra trận đấu của Bayern Munich mùa trước chỉ là 76 triệu euro, chiếm khoảng 22% tổng doanh thu cả năm 2012. Trong số 6 đội kiếm tiền giỏi nhất thế giới năm 2012 là Real Madrid, Barcelona, Manchester United. Bayern Munich, Chelsea và Arsenal, doanh thu từ ngày diễn ra trận đấu của Bayern là thấp nhất. Con số này của Dortmund là 31,4 triệu euro, đứng thứ 13/20 đội kiếm tiền giỏi nhất thế giới.
Bundesliga không cần tăng giá vé
Câu hỏi đặt ra: Tại sao các CLB Bundesliga không tăng giá vé để tăng doanh thu? Không đến nỗi tăng giá vé 23% như CLB Arsenal mùa vừa qua. Nhưng tăng ở mức vừa phải để đảm bảo nguồn thu cũng là việc nên làm?
Đây chính là sự độc đáo trong cách kiếm tiền của người Đức. Các đội bóng Đức luôn chú trọng đến phát triển cộng đồng bóng đá, kiếm tiền từ các dịch vụ thông qua cộng đồng ấy, hơn là thu từ giá vé.
Ví dụ như Bayern: Gần như không CLB nào có số nhãn hàng tài trợ lâu dài và trung thành bằng họ, từ Adidas, Paulaner, Audi, Coca-Cola, Samsung, Siemens, Burger King, Continental, Sheraton, Lufthansa… Bayern không bội thu từ bán vé, nhưng là đội kiếm tiền từ các hoạt động thương mại nhiều nhất thế giới, khoảng 201,6 triệu euro vào năm ngoái, hơn cả Real Madrid (187 triệu euro), hay Barcelona (186,9 triệu euro).
Sân Signa Iduna Park của Dortmund luôn có tỉ lệ lấp kín trên 90% những năm qua, giúp doanh thu từ các hoạt động thương mại của đội bóng này lên đến 97,3 triệu euro, con số không hề tầm thường: cao hơn cả của Chelsea (87,1 triệu euro), hay AC Milan (96,8 triệu euro).
Lý giải cho chiến lược giá vé của người Đức, chủ tịch Bayern, Uli Hoeness, nói: “Chúng tôi có thể đưa ra mức giá cao hơn. Chúng tôi có thể tăng lên 300 bảng để kiếm được nhiều hơn 2 triệu bảng từ tiền vé. Nhưng với chúng tôi, 2 triệu bảng chẳng có ý nghĩa gì. Trong khi với người hâm mộ, khoản chênh giữa 104 bảng với 300 bảng là cả một vấn đề”.
“Chúng tôi không nghĩ người hâm mộ là những con bò sữa. Bóng đá là phải dành cho tất cả mọi người. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi với nước Anh”, Hoeness khẳng định.
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất