04/04/2019 15:46 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy chung cư tại TP HCM diễn ra tiếp theo vụ sàm sỡ trong thang máy ở Hà Nội gần đây đã gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Giờ đây, đó không còn là chuyện xử lý tình huống khi gặp ác nhân trong thang máy nữa mà là an ninh và văn hóa khi đi thang máy.
KTS Ngô Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Kiến trúc, Hội KTS Việt Nam chia sẻ với PV báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xung quanh vấn đề nêu trên.
Theo KTS Ngô Tuấn Trung: "Ở chung cư, an ninh sẽ bao gồm 2 khía cạnh. An ninh do tai nạn, có rất nhiều vấn đề trong đó có hoả hoạn. Điều này sẽ liên quan đến chủ đầu tư và tiêu chuẩn của toà chung cư. Bên cạnh đó là từ phía người dân, thử hỏi có bao nhiêu phần trăm người sống ở chung cư có ý thức về hoả hoạn, cách sinh tồn khi có tai hoạ? Rồi tiếp theo là an ninh do trộm cắp, gấy rối và đặc biệt vấn đề quấy rối tình dục với phụ nữ hay trẻ vị thành niên trong chung cư, nhất là những không gian khuất lấp, ít người là rất đáng phải bàn.
Ở những nước phát triển, trẻ em trong độ tuổi cần giám hộ không được ở nhà hay đi lại một mình, nhưng ở Việt Nam, điều này chưa được đưa vào luật, ở chung cư cũng vậy. Rất nhiều trẻ em ở nhà một mình, trẻ em tự sử dụng thang máy các tòa nhà. Thử hỏi, không có bố mẹ hay người lớn đi kèm, trẻ em đi vào thang máy một mình, chưa nói đến khả năng bị lạm dụng, chỉ nhỡ mất điện, kẹt thang thì sẽ ra sao".
Theo KTS Ngô Tuấn Trung, việc lắp camera trong thang máy là tuyệt đối cần thiết. Thế nhưng camera quay lại cảnh phạm tội, lạm dụng, sàm sỡ thì nhất thiết phải có bảo vệ không can thiệp ngay sau đó báo công an. Đó là yêu cầu bắt buộc phải có đối với các ban quản lý tòa nhà. Tuy nhiên, thực tế chứng tỏ ý thức của chủ đầu tư hay một số ban quản lý trong việc bảo vệ cư dân là chưa tốt".
KTS Trung nhấn mạnh: "Gần đây, cảnh các vụ quấy rối trong thang máy được lan truyền trên mạng hoặc vụ hoả hoạn gây chết nhiều người trong chung cư rõ ràng là có camera nhưng không có người theo dõi là điều đáng báo động".
Văn hóa và an ninh chung cư
KTS Ngô Tuấn Trung cho rằng, trong một thời gian dài diễn ra quá trình đô thị hoá ở Việt Nam, nhiều người ở đô thị nhưng vẫn giữ thói quen của nông dân ở quê. Đó là kiểu sống, quan hệ theo kiểu hàng ngang giống như làng, xóm. Chính vì thế, người dân ở các đô thị rất thích ở nhà chia lô và đi xe máy.
Đến khi chuyển qua một hình thức ở khác - nhà chung cư cao tầng, lúc này người dân được ở theo kiểu quan hệ hàng dọc (theo chiều cao), do vậy họ có thể không cần quan tâm đến hàng xóm là ai, sáng đi tối về đóng cửa, nếu gặp nhau ở thang máy thích thì chào, không thích thì thôi. Trong khi, trước kia ở ngõ phố, đi về gặp nhau kiểu gì cũng phải chào hỏi hàng xóm láng giềng...
"Nhà chung cư cao tầng thực chất là dành cho cư dân tiên tiến, có văn hoá và ý thức cao - sản phẩm của nền công nghiệp phát triển. Nhưng người Việt khi đang ở kiểu hàng ngang, chuyển sang hàng dọc sẽ dẫn đến một hệ lụy là không quen. Rất nhiều thói quen từ hàng ngang giờ quay ra áp dụng vào hàng dọc. Hơn nữa lại lười nhác, tuỳ tiện. Ở chung cư nhưng sẵn sàng nuôi chó, thả rông không rọ mõm. Họ đốt vàng mã ở ban công, vứt mẩu thuốc lá vào hố rác gây hoả hoạn. Chỉ cần điểm qua các báo là thấy vô số các ví dụ" - KTS Ngô Tuấn Trung chia sẻ.
"Đấy là vấn đề văn hoá, ý thức sinh hoạt ở chung cư, đi thang máy chỉ là một trong số đó và chuyện cháu bé đi một mình trong thang máy chính là ví dụ điển hình. Và khi đó rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Cả những vụ tai nạn thương tâm do trẻ em bị ngã từ tầng cao xuống chắc chắn là do chính những người lớn ko quan tâm đầy đủ, để trẻ em một mình..." - KTS Trung nói.
Hoài Thương (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất