Derby Manchester, còn 1 ngày: Van Persie đã thay đổi M.U như thế nào?

08/12/2012 08:08 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Robin van Persie là khác biệt duy nhất của M.U mùa giải này so với mùa giải trước, nhưng cũng là khác biệt mang ý nghĩa quyết định, không chỉ trên sân cỏ, mà cả trên thị trường chuyển nhượng.

Tuyên bố tham vọng

Mùa Hè vừa rồi là lần đầu tiên trong 5 năm qua, M.U chi tiêu nhiều hơn Manchester City trên thị trường chuyển nhượng, với mức chi thuần 47 triệu bảng, trong khi tại Etihad, các ông chủ Ả rập chỉ bỏ ra 33 triệu bảng nếu tính số tiền họ mua cầu thủ trừ đi số tiền bán. Lần đầu tiên kể từ khi tiếp quản đội bóng từ tay người tiền nhiệm Thái Lan Thaksin Shinawatra, những nhà tài phiệt Abu Dhabi không đưa về Man City cầu thủ nào có giá hơn 20 triệu bảng. Hợp đồng lớn nhất mùa hè là Javi Garcia, 17 triệu bảng. Matija Nastasic và Jack Rodwell khiến họ tiêu tốn thêm hơn 26 triệu bảng nữa, nhưng bù lại, Man City bán Adam Johnson cho Sunderland thu về 11 triệu bảng và Emmanuel Adebayor cho Tottenham để có thêm 7 triệu bảng.

Ở Old Trafford thì hoàn toàn ngược lại, với cuộc mua sắm vào loại rầm rộ nhất trong nhiều năm qua, và Robin van Persie đương nhiên là tâm điểm, 27 triệu bảng (có nguồn tin 24 triệu bảng). Nhưng có được chữ ký của cầu thủ người Hà Lan không chỉ đơn giản là bổ sung một tiền đạo đẳng cấp cho hàng công áo đỏ. Đó trước hết là lời tuyên bố rõ ràng và dứt khoát về tham vọng và vị thế không dễ gì thách thức của M.U ở Premier League: đội bóng thành công nhất nước Anh thời kỳ bóng đá hiện đại.

Trải qua 26 năm tại Old Trafford, HLV Alex Ferguson đã đứng trước biết bao kẻ thách đấu, có những trận ông cũng thua, trước Blackburn, Arsenal, Chelsea và cả Man City, nhưng đó chỉ là những cú vấp ngã để rồi cuối cùng, M.U của ông vẫn là chiến thắng, là kẻ thống trị không thể tranh cãi ở Premier League. Van Persie có thể coi là một chiến thắng nữa của Fergie.

Kể từ khi những ông chủ Ả rập tới Etihad, nhìn chung là M.U phải nhường bước trước kình địch cùng thành phố trên thị trường chuyển nhượng. Trong những cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa họ cho tới trước vụ van Persie, những đồng đô-la dầu mỏ luôn giúp Man City chiến thắng. 42 triệu bảng cho Carlos Tevez, người mà Ferguson cũng muốn giữ lại, nhưng chê là quá đắt. Sau đó nữa là những cuộc đua thất bại của Old Trafford tranh giành với Etihad chữ ký của David Silva, Samir Nasri và Edin Dzeko. Ba ngôi sao đó, nếu không có sức mạnh tài chính vô hạn của Man City, hẳn đã hài lòng tới M.U và đội bóng của Ferguson còn đáng sợ hơn nữa.

Van Persie, vì vậy, là một sự khẳng định đanh thép trên thị trường chuyển nhượng rằng sức hút của đội bóng áo đỏ vẫn là rất lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất ở Premier League, và họ cũng đủ tiền để đua tranh sòng phẳng với bất cứ gã nhà giàu mới nổi nào. Luật công bằng tài chính của UEFA đương nhiên có vai trò không nhỏ trong chiến thắng của M.U ở cuộc đua giành chữ ký van Persie, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Van Persie tới Old Trafford còn bởi anh muốn các danh hiệu, một đội bóng giàu truyền thống, ổn định và một HLV lão luyện. Man City, với tất cả tiền bạc của họ, cũng không thể đảm bảo chắc chắn điều đó.

Ảnh hưởng lớn như Cantona?

Thật ra vào mùa Hè vừa qua, ngay chính các CĐV áo đỏ cũng không khỏi lo lắng khi Ferguson bỏ ra số tiền 27 triệu bảng cho một chân sút đã 29 tuổi và có tiền sử chấn thương dài dằng dặc như van Persie, nhưng giờ đây, đó rõ ràng là một món hời lớn. Nếu như Man City có thể bỏ ra những khoản tiền điên rồ cho các siêu sao mà không phải cân nhắc quá nhiều về tuổi tác, đầu tư lâu dài hay cả sự hòa nhập, thì van Persie là một hợp đồng phá lệ của Ferguson.

Chiến lược gia người Scotland rất miễn cưỡng trong việc mua về những cầu thủ hơn 25 tuổi với giá trên 20 triệu bảng. Hợp đồng gần nhất như thế của ông là Dimitar Berbatov, 30 triệu bảng từ Tottenham. Berbatov không thể nói là một thất bại, nhưng có lẽ cũng không phải là một thành công của Ferguson và anh đã ra đi mùa Hè vừa rồi, sang Fulham chỉ với giá 4 triệu bảng. Tuy nhiên, với van Persie, cả Sir Alex lẫn các CĐV của ông đều sẽ không nghĩ gì tới việc lời lãi sau này. Thậm chí có thể tin rằng tiền đạo người Hà Lan có thể sẽ kết thúc sự nghiệp của mình ở Old Trafford, dù đây mới là mùa giải đầu tiên anh khoác lên mình chiếc áo đỏ.

15 năm trước, Eric Cantona giành cú đúp cùng M.U ngay trong mùa giải đầu tiên sau khi chuyển tới từ Leeds. Những bàn thắng và bản năng thủ lĩnh của anh đã tạo cảm hứng cho một M.U trẻ trung sau này sẽ trở thành đội bóng vĩ đại nhất lịch sử CLB. Van Persie đang tỏ rõ những phẩm chất để lặp lại điều tương tự. Thật ra, Ferguson, trong khi nhấn mạnh việc mua cầu thủ trẻ, luôn dành ngoại lệ cho hàng tiền đạo, từ Cantona tới Van Persie, qua Dwight Yorke, Teddy Sheringham, Ruud van Nistelrooy, Berbatov và chắc chắn nhiều người còn nhớ, cả Henrik Larsson. Trong số đó, van Persie có lẽ là hợp đồng ít rủi ro nhất. Cho tới giờ, đóng góp của anh có thể được đong đếm bằng bàn thắng cụ thể và với tiền đạo người Hà Lan, bàn thắng là điều không bao giờ thiếu.

Nhưng quan trọng hơn, như Danny Welbeck đã thừa nhận rằng tập luyện và chơi bóng bên cạnh van Persie dạy anh khôn ra rất nhiều, tiền đạo người Hà Lan mang tới cảm hứng, kinh nghiệm và sự lão luyện rất cần cho hàng công M.U lúc này. Còn quá sớm để nói về một Cantona mới, nhưng ảnh hưởng của van Persie chắc chắn sẽ có vai trò quyết định với bất cứ danh hiệu nào mà M.U giành được, hay không giành được, trong mùa giải này.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

31 Tổng số tiền chuyển nhượng mà các đội bóng đã chi cho Robin van Persie. Arsenal chỉ trả 4 triệu bảng để đưa anh về từ Feyenoord năm 2004.

57 Mùa hè vừa rồi M.U chi 57 triệu bảng cho chuyển nhượng, lần đầu tiên họ chi nhiều hơn kình địch cùng thành phố Man City (54 triệu bảng) suốt 5 kỳ chuyển nhượng chính vừa qua.

432 Chi thuần chuyển nhượng của Man City (tiền mua cầu thủ trừ tiền bán cầu thủ) trong 5 mùa vừa qua là 432 triệu bảng, của M.U chỉ là gần 60 triệu bảng, chủ yếu do riêng tiền bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid, M.U đã bỏ túi 80 triệu bảng.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm