NÓNG: Máy bay Nga lại rơi tại Nam Sudan, 41 người chết

04/11/2015 16:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ít nhất 41 người đã thiệt mạng sau khi một chiếc máy bay của Nga đâm xuống đất chỉ một thời gian ngắn sau lúc cất cánh tại một sân bay ở Nam Sudan.

Ateny Wek, phát ngôn viên của Tổng thống, chia sẻ với hãng tin Reuters rằng chiếc máy bay có lẽ đã chở theo khoảng 20 người (bao gồm cả phi hành đoàn) khi gặp nạn và nó còn gây thêm thiệt hại về người sau khi rơi xuống một hòn đảo nhỏ trên sông Nile Trắng, gần sân bay Juba.

Được biết có một số cộng đồng làm nông nghiệp nhỏ sống trên hòn đảo này. Một sĩ quan cảnh sát cho biết ít nhất 41 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Ít nhất 2 người, trong đó có một đứa trẻ, sống sót sau vụ tai nạn.


Hình ảnh được cho là của chiếc máy bay vừa gặp nạn. Ảnh: News

Một phóng viên tại hiện trường cho biết ông có thể nhìn thấy mọi người đang tìm kiếm những người sống sót và mang kéo các thi thể khỏi đống đổ nát.

Các nhân chứng của Reuters cho biết phần đuôi máy bay và các bộ phận khác nằm rải rác dọc theo bờ sông Nile Trắng còn phần thân chính của máy bay đã đâm vào rừng, với các mảnh vỡ nằm rải rác xung quanh bờ sông trên diện rộng.

Đại sứ quán Nga đã xác nhận việc mất chiếc máy bay AN-12.

Một đài phát thanh địa phương của Sudan đăng tin trên Twitter rằng vụ tai nạn xảy ra tại khu vực cách sân bay chỉ 800 mét.

Sân bay quốc tế Juba tổ chức thường xuyên các chuyến bay thương mại, cũng như phục vụ hoạt động của máy bay quân sự và máy bay chở hàng viện trợ cho các vùng xa xôi không thể tới bằng đường bộ

Antonov An-12 là một loại máy bay vận tải sử dụng 4 động cơ phản lực cánh quạt, đây là phiên bản quân sự của mẫu máy bay Antonov An-10.

Nguyên mẫu đầu tiên chế tạo tại Irkutsk, bay vào tháng 12/1957, với động cơ phản lực cánh quạt Kuznetsov NK-4, hơn 900 chiếc đã được chế tạo với động cơ AI-20K gồm cả phiên bản dân sự và quân sự, việc sản xuất kết thúc vào năm 1973 tại Liên Xô. An-12BP trở thành mẫu máy bay vận tải và thả lính dù tiêu chuẩn của Hàng không Vận tải Quân sự Liên Xô từ năm 1959, đến năm 1974, chúng bị những chiếc Il-76 thay thế, nhưng khoảng 170 chiếc vẫn tiếp tục hoạt động. Hơn 100 chiêc vẫn được sử dụng trong lực lượng không quân của 9 quốc gia, và khoảng 190 chiếc hoạt động trong khoảng 70 hãng hàng không dân dụng trên thế giới

Duy An
Theo News

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm