05/07/2013 19:17 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện Arsenal đến Việt Nam là chuyến du đấu của một đội thể thao nước ngoài thu hút nhiều sự chú ý nhất từ trước tới nay. Đó là “nhiệm vụ chính trị”, một bữa tiệc, chuyện thuần túy kinh doanh, phục vụ người hâm mộ, để đội bóng Premier League quảng bá hình ảnh, và còn gì nữa?
“Không có nhiệm vụ chính trị nào ở đây cả, nó đơn thuần là một vụ làm ăn và nếu có thêm nữa, việc đưa Arsenal đến Việt Nam cũng được xem như gói kích cầu cho một (hay vài) nhân vật chóp bu, trước kỳ đại hội VFF khóa bảy. Cuộc vận động hành lang cho các cuộc đua, cũng là chuyện bình thường”, đã có ý kiến huỵch toẹt ra như thế của một nhân vật hiện vẫn còn đang đứng trong bộ máy VFF.
“Phàm đã là chuyện làm ăn, thì việc kì kèo bớt một thêm hai là bình thường. Thuận mua vừa bán thôi, khi lợi nhuận là cái đích cuối cùng mà họ hướng tới. Tôi không cho rằng việc ông giám đốc sân vận động Mỹ Đình ngã giá 1.5 tỷ đồng chi phí tổ chức trận đấu này là viển vông. Đến bó rau, con cá ngoài chợ cũng tăng giá nữa là…”, vị này cho biết thêm.
Bầu Đức (phải) và Phó chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank có công đưa Arsenal đến Việt Nam.. Ảnh: V.S.I
Nhiệm vụ chính trị với ai?
Trên mục Café 24h, báo Thể thao 24h, cách đây đôi tuần, tác giả Song An đã có những ví von rất dí dỏm, mà sắc lẹm, xung quanh chuyện Arsenal tới Việt Nam và phát biểu của ông chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ, rằng: “Đây không đơn thuần là một trận bóng giao hữu, mà còn là nhiệm vụ chính trị”. Chuyện giá vé, giá thuê sân cũng bị chính trị hóa. Tác giả kết luận, “nhiệm vụ chính trị” (nếu có) chỉ là với một số người, chứ không phải đối với bóng đá Việt Nam.
Bóng đá bản chất là một trò chơi, trước khi phát triển thành môn thể thao vua, rồi được nâng tầm thành ngành công nghiệp không khói hái ra tiền (tất nhiên là với các nền bóng đá phát triển, các giải đấu quy mô lớn, chứ chưa phải với Việt Nam), song tuyệt nhiên, không có cụm từ “chính trị” nào được đưa vào. Bản thân Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), tổ chức quản lý bóng đá toàn cầu, vẫn luôn khuyến cáo luôn rằng, các liên đoàn thành viên phải hoạt động độc lập với chính quyền. Vi phạm là phạt ngay.
Lý thuyết hay nguyên tắc là thế, còn thực tế thế nào, cũng còn tùy. Đã có không ít những trận đấu tầm cỡ quốc tế được tổ chức, ví như để chào mừng, kỷ niệm các mối quan hệ hợp tác giữa những quốc gia hay một trận đấu để hàn gắn những nỗi đau cũ… Ngoài ra, lịch sử từng ghi nhận, có cả một cuộc chiến tranh bóng đá nổ ra vào năm 1969 giữa El Salvador và Honduras, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 1970 (El Salvador thắng 3-2).
Những xung đột trong và sau trận đấu dẫn đến việc El Salvador đem quân tấn công Honduras, để lại vết thương quá lớn khi đã có ít nhất 2.000 người thiệt mạng. Bóng đá cũng được xem là phương tiện tuyên truyền cho Mặt trận giải phóng Algeria trong thời gian chiến tranh Algeria nổ ra… Về cơ bản, bóng đá tạo nên thứ ngôn ngữ toàn cầu để thế giới xích lại gần nhau hơn. Ví như việc Arsenal ở tận xứ sương mù lần đầu tiên đến Việt Nam vậy. Đấy là phạm trù văn hóa bóng đá.
Trên thực tế, Arsenal không phải là đội bóng danh tiếng duy nhất mà Việt Nam từng chào đón. Trước khi thầy trò huấn luyện viên Arsene Wenger đến đây, Mỹ Đình (hay trước đó là Hàng Đẫy, nhưng sân vận động quốc gia) cũng từng đón tiếp đội tuyển Olympic Brazil, câu lạc bộ Barcelona B hay xa hơn nữa là đội bóng lừng danh Juventus… Nhưng không biết ngày đó, các trận đấu có được ghép vào “nhiệm vụ chính trị” hay đơn thuần chỉ là phục vụ người hâm mộ?!
Dài dòng thế để thấy rằng, bóng đá càng phát triển, thì mối quan hệ hữu cơ của nó với chính quyền nước sở tại càng không thể tách rời. Tất nhiên, chính trị không được đưa vào để ép giá thuê sân, đẩy giá vé, báo lỗ hay phục vụ lợi ích nhóm. Việc giúp người hâm mộ rửa mắt là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, trong khuôn khổ một trận đấu bóng đá nặng tính thương mại, chúng ta cũng không nên kỳ vọng hão huyền, rằng đây là thời cơ để phát triển nền bóng đá như vị quan chức nọ nói.
Tiệc tùng thời bão giá
Chưa (và sẽ không) có con số chính thức nào được đưa ra, trong việc mời Arsenal đến Việt Nam, nhưng theo lời ướm của ông phó chủ tịch VFF, đồng thời cũng là yếu nhân trong phi vụ này, Lê Hùng Dũng, ban tổ chức đã tính đến con số trên dưới 50 tỷ đồng. Nó bao gồm phí ra sân phải trả cho Arsenal (bắt buộc), chi phí tổ chức trận đấu, cũng như những phát sinh khác. Và ông Dũng khẳng định luôn rằng, chắc chắn ban tổ chức sẽ lỗ nặng (khoảng 25 tỷ đồng)?!
Chuyện làm ăn, lãi lỗ là bình thường, sao lại phải la toáng lên?! Ông Lê Hùng Dũng vẫn được đồng đạo biết đến như nhân vật kiếm tiền giỏi nhất VFF và ngoài ra, còn có ông chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức, phụ họa nữa. Hai nhân vật này một khi đã kết hợp với nhau, kể cũng khó có chuyện lỗ được. Mất cái này thì lợi cái kia. Chuyện đắt rẻ vì thế cũng không nên đào sâu, bởi đó là việc riêng của nhà tổ chức.
Chỉ chắc rằng, “nhà có cỗ” sẽ không để con cháu đói, như lời phát biểu của ông giám đốc sân vận động quốc gia Mỹ Đình. No ba ngày Tết cũng được.
Trận giao hữu bóng đá giữa Arsenal và đội tuyển Việt Nam (thay vì đội tuyển các ngôi sao V-League hay đội tuyển Các ngôi sao Malaysia hay Indonesia được thành lập mỗi khi tiếp đón các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu) sẽ được tổ chức trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào ngày 17/7 tới đây. Theo thông tin mới nhất, Arsenal sẽ không có Santi Cazorla và Nacho Monreal, vì bận tập trung đội tuyển Tây Ban Nha đá Confederations Cup và được đặc cách nghỉ ngơi. Về phía chủ nhà, danh sách đội tuyển Việt Nam cũng đã được công bố cách đây không lâu và phần đông các cầu thủ được triệu tập lần này đều tỏ ra rất háo hức. Có nhiều mệnh giá vé bán ra, trong đó phổ biến ở các mức giá 700.000, 1 triệu đồng và 1,5 triệu đồng/vé, với sân vận động Mỹ Đình có sức chứa 40.000 ghế. Trừ đi 3.000 vé VIP (khách mời dự tính), tính nhanh, ban tổ chức trận đấu sẽ thu về khoảng 40 tỷ đồng nếu bán sạch vé. Đấy là chưa kể tiền thu từ bảng quảng cáo đặt trên sân, tiền bản quyền truyền hình… Con số 50 tỷ đồng dự chi, vì thế khó thể nói là lỗ. Những hoạt động phổ biến nhất trong những dịp như thế này mà đáng ra chủ nhà nên chú tâm như việc quảng bá, bán áo đấu hay các hoạt động “fan zone”, thì chúng ta lại ngó lơ. Đấy cũng là thất thoát! |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất