Chuyện chưa biết về Lá cờ Tổ quốc gắn gốm lớn nhất ở Trường Sa

13/06/2012 13:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tại đảo Trường Sa Lớn vừa khánh thành Lá cờ Tổ quốc gắn gốm lớn nhất VN và 4 bức tranh gốm với chủ đề Trường Sa - Biển đảo VN mến yêu. Tác giả và ý tưởng của những công trình này không ai khác chính là họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - Công dân ưu tú Thủ đô, tác giả Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Ngay khi trở về từ Trường Sa sau Lễ khánh thành, họa sĩ đã dành cho TT&VH cuộc trò chuyện.

 Sau Con đường Gốm sứ tại Hà Nội, HS Nguyễn Thu Thủy vẫn tiếp tục theo đuổi ý tưởng mang gốm tới nhiều địa danh của Tổ quốc. Và nơi mà chị nghĩ tới đầu tiên là quần đảo Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió. Ý tưởng của chị là thực hiện một lá cờ Tổ quốc gắn gốm cỡ lớn trên bề mặt đảo để từ trên không trung (từ vệ tinh, Google Earth hay máy bay) mọi người đều có thể nhìn thấy lá cờ sao vàng đỏ thắm của Việt Nam bằng chất liệu gốm sứ trên nền xanh cây cối của đảo Trường Sa Lớn. Ý tưởng này hình thành từ tháng 7/2011 và cuối tháng 12/2011 chị được Bộ Tư lệnh Hải quân mời ra Trường Sa để khảo sát vị trí làm cờ và tranh gốm.


Hình ảnh Lá cờ chụp từ trên cao. Ảnh Quang Thắng

Chị Thủy cho biết:

- Thật khó diễn tả hết niềm hạnh phúc và tự hào khi nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Và ngay khi ở Trường Sa tôi đã khảo sát vị trí làm cờ Tổ quốc và các bức tranh gốm. Thượng tá Đinh Văn Hải, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn đã đích thân đưa tôi cùng một đồng nghiệp đi khảo sát các vị trí thuận lợi trên đảo. Đồng chí Hải nhận xét rằng: “Đây là ý tưởng mới, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thông qua nghệ thuật. Dự án phát huy chất liệu gốm sứ truyền thống lâu đời của cha ông có tính bền vững và trường tồn với thời gian.”.

Trở về từ Trường Sa, một niềm vui khác đã đến ngay nữa. Chúng tôi tiếp tục nhận được sự ủng hộ về tinh thần và vật chất từ ngân hàng VP Bank để thực hiện dự án. Tất cả chúng tôi đều thấy tự hào vì đang được đóng góp cho Trường Sa và Tổ quốc thân yêu!

* Tôi có đọc trên báo chí thông tin về Lá cờ Tổ quốc bằng gốm này. Nhưng thực sự, chưa thể hình dung việc thi công nó như thế nào?

 - Bắt đầu từ cuối tháng 2/2012, chúng tôi đã bắt đầu triển khai làm gốm ở Bát Tràng và ghép tranh gốm, cờ Tổ quốc ở xưởng 39A Hồng Hà, nơi chúng tôi đã từng ghép tranh gốm cho Con đường Gốm sứ. Sau 4 cuộc họp và thảo luận với Bộ Tư lệnh hải quân, các nghệ sỹ đã nhận được những góp ý quý báu để chỉnh sửa và hoàn thiện phác thảo.

Trước đây, mái tòa nhà Hội trường ở trung tâm đảo (có kích thước 14m x 30m) là mái bằng có lợp tôn bên trên. Ngân hàng VP Bank đã tài trợ để dỡ mái tôn, chống thấm và xây dựng mái bê tông cốt thép vát chéo. Sau đó, chúng tôi đã gắn gốm trên mái nhà. 94 kiện gốm đã được vận chuyển bằng tàu hỏa, ôtô vào Nha Trang, TP.HCM và theo các chuyến tàu biển ra đảo Trường Sa Lớn. Lá cờ bằng gốm trên mái nhà có kích thước 12.40m x 25m. Diện tích bề mặt lá cờ là 310m2, được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic nhỏ (cỡ 3x3cm) nặng 3,5 tấn. Tại Lễ khánh thành, Tổ chức Kỷ lục VN trao bằng chứng nhận Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất VN.


Các nghệ sĩ đang hoàn thiện Lá cờ.

* Thế còn 4 bức tranh gốm được thể hiện thế nào, thưa chị?

 - 4 bức tranh gốm trên hai bức tường (cao 2.8m dài 9m) do tôi, Doãn Sơn, Hồng Lam và Bùi Viết Đoàn thể hiện.

Trong đó, hai bức tranh hướng về phía đường băng trung tâm đảo thể hiện lịch sử lâu đời của dân tộc VN gắn bó với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện nét đẹp văn hóa của ba miền Bắc-Trung-Nam và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; một bức ca ngợi vẻ đẹp hiên ngang của người chiến sỹ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đang canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc.

Hai bức tranh phía sau là cảnh làng quê VN thân thuộc với bờ ao, đụn rơm, gốc mít; một bức là hoa sen, hoa đào, hoa mai, gợi những hình ảnh thân quen hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của các chiến sỹ.

* Gốm sứ là chất liệu dễ vỡ, liệu Lá cờ và những bức tranh gốm có chịu nổi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ngoài trời và sóng gió ở Trường Sa?

- Tôi đã có những nghiên cứu về độ bền của men gốm khi tiếp xúc với muối biển qua các cuộc khai quật khảo cổ những con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Cau (Vũng Tàu), Hòn Dầm ( Kiên Giang), Bình Thuận. Sau nhiều thể nghiệm, gốm phủ men nặng lửa màu đỏ tươi sẽ đảm bảo chịu được mưa nắng ngoài trời, độ mặn của muối biển và không bị bay màu. Chất kết dính chúng tôi sử dụng là xi măng chịu mặn của Bộ Quốc phòng, có độ kết dính và chống muối biển ăn mòn rất cao. Tôi rất tâm huyết với Trường Sa và sẽ còn đóng góp nhiều ý tưởng mới. Vì vậy tôi sẽ còn ra Trường Sa nhiều để theo dõi và thực hiện công việc duy tu bảo dưỡng.

* Xin cảm ơn chị!

Như Trang (thực hiện)
  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm