(Thethaovanhoa.vn) -
"Những đứa con nuôi của bầu Đức" đã lỗi hẹn với nhiệm vụ đầu tiên của họ là đưa bóng đá Việt Nam có mặt ở VCK U20 Thế giới (quyền đó đã thuộc về Myanmar). Nhưng đó chỉ là một trong hàng loạt những mục tiêu nếu không muốn gọi nó là những giấc mơ của cả một nền bóng đá trong nhiều năm nữa.
Hãy nghe ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF, giải thích lý do vì sao ông và các cộng sự cấp cao ở VFF quyết tâm giao phó giấc mộng World Cup cho lứa cầu thủ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường:
Lứa cầu thủ trẻ tài năng Công Phượng (trái) và các đồng đội được lãnh đạo VFF kỳ vọng rất nhiều. Ảnh: Thanh Hà “Trong năm 2014, đội tuyển U19 Việt Nam đã gặp đội tuyển U19 Nhật Bản 4 lần, từ chỗ thua 0-7 ở Cúp Tứ hùng Nutifood, chúng ta đã chơi tốt dần lên ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng, và đến VCK U19 châu Á thì suýt nữa hòa được U19 Nhật Bản. Tôi tin là nếu U19 Việt Nam tiếp tục đá với U19 Nhật Bản thì sẽ có ngày chúng ta thắng được họ. Cũng tương tự như thế là chuyện đoạt vé tham dự World Cup, nếu World Cup 2018 lứa Công Phượng, Tuấn Anh không làm được điều đó thì vẫn còn World Cup 2022 kia mà”.
Nhưng muốn bơi ra biển lớn thì trước tiên phải vượt qua được những con sông ở Đông Nam Á. SEA Games sẽ là thách thức đầu tiên.
Các giải đấu ở khu vực dù không có nhiều giá trị về mặt chuyên môn khi đặt nó trên bình diện bóng đá thế giới nhưng đối với tự bản thân nền bóng đá Việt Nam thì nó lại có hệ lụy rất lớn về mặt tâm lý và kéo theo cả sự đầu tư tài chính.
Hy vọng là chúng ta sẽ có một kỳ SEA Games tốt trong năm nay để cả nền bóng đá tự tin chăm cho cái gốc là phát triển bóng đá trẻ. Chỉ một lò đào tạo mà giúp cả quốc gia làm nên chuyện lớn mới đây cũng chỉ có Tây Ban Nha dựa vào Barca.
Hoàng Huy