Sẽ cứu được một phần chùa Trăm Gian?

31/08/2012 10:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) -  Đình chỉ chức vụ Trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian, thành lập gấp một tiểu ban thanh tra để làm rõ trách nhiệm của những bên liên quan khác - đó là quyết định mới nhất từ UBND TP Hà Nội về sai phạm nghiêm trọng này.

Một cuộc họp báo đột xuất được Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức vào chiều qua (30/8) - chừng 5 ngày sau khi việc trùng tu chùa Trăm Gian trở thành “tâm bão” từ dư luận. Ngoài các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, còn có đại diện của Viện Bảo tồn Di tích - đơn vị dự kiến sẽ tham gia tư vấn chuyên môn cho việc “cấp cứu” cho ngôi chùa này - trả lời các câu hỏi của báo giới.

“Không dám chắc giữ được bao nhiêu % chùa cổ”

Ngay khi báo giới bắt đầu lên tiếng về trường hợp này, các chuyên gia của Viện Bảo tồn Di tích (BTDT) đã có mặt tại chùa Trăm Gian. Ngoài việc đóng góp ý kiến với đoàn thanh tra của Sở VH,TT&DL HN, công việc chính của đơn vị này là khẩn trương “nhặt nhạnh” và bảo vệ các rui, mè, cấu kiện gỗ... lâu năm đang bị vứt lăn lóc sau khi hạ giải.

“May mắn, những kết cấu gỗ cơ bản của chùa Trăm Gian vẫn còn giữ được hình dạng tương đối, đặc biệt là những phần mộng, trạm trổ... rất đặc thù. Sau khi khảo sát những kết cấu này, chúng tôi sẽ lên phương án tư vấn phục chế hoặc làm lại những phần đã hỏng sao cho giống với nguyên bản nhất” - ông Lê Thành Vinh, Giám đốc Viện BTDT, cho biết.


Chính quyền địa phương và Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội trả lời báo giới chiều 30/8.

Theo lời ông Vinh, một trong những thành phần bị hư hỏng tương đối tại các khu vực vừa bị xâm phạm là số ngói cổ. Do vậy, đơn vị phục chế sắp tới chắc chắn sẽ phải gia công lại một số lượng ngói theo nguyên mẫu tại chùa.

Cũng cần nói thêm, các hạng mục bị trùng tu “sai” tại chùa Trăm Gian là gác khánh và nhà Tổ có khá nhiều cấu kiện bằng đá cổ như chân tảng, bậc đá, thềm đá... Theo phản ánh của dư luận, các cấu kiện đá này đã bị vỡ nát gần hết trong quá trình thi công và chắc chắn không thể phục hồi.

“Hiện giờ, việc khảo sát vẫn được tiến hành. Bởi vậy, chúng tôi chỉ biết nói rằng sẽ cố hết sức - chứ không thể trả lời những câu hỏi như quá trình tu bổ diễn ra bao lâu, hoặc chùa Trăm Gian sau này sẽ giữ được bao nhiêu phần trăm so với trước đây” - ông Vinh nói thêm.

Được biết, trước cuộc họp báo này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài chính sẵn sàng chuẩn bị kinh phí bổ sung cho việc trùng tu lại chùa Trăm Gian theo tinh thần: “Phải làm ngay, dù có tốn tiền và phức tạp hơn”.


Chùa Trăm Gian cổ kính bị phá dỡ xây mới.

Sẽ không để chìm xuống

Song song với việc chuẩn bị các phương án để trùng tu lại chùa Trăm Gian, UBND Hà Nội cũng đã gấp rút thành lập một đoàn thanh tra để xem xét trách nhiệm của các bên. “Ngoài lỗi của nhà chùa và ban quản lý, chính quyền địa phương xã Tiên Phương và huyện Chương Mỹ cũng có trách nhiệm liên quan chính là cơ quan quản lý, chúng tôi cũng phải chịu một phần trách nhiệm” - ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, cho biết.

“Tôi nói với sư trù trì: Thầy cố gắng bình tĩnh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, thầy cũng nên chuẩn bị tâm lý trước, chắc chắn lỗi của thầy trong sự việc này không hề nhỏ đâu” - ông Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết thêm.

Trước đó, ngoài việc kết luận về những sai sót của sư trụ trì Thích Đàm Khoa khi tự ý tổ chức thi công, phía UBND Hà Nội cũng đã đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý Di tích chùa Trăm Gian của ông Tống Bá Lương, hiện đang là Phó chủ tịch xã Tiên Phương. Còn khi được hỏi về việc sốt sắng “tuyên truyền” bằng loa phóng thanh cho việc trùng tu chùa, ông Vũ Văn Doãn (Chủ tịch xã Tiên Phương) đưa ra lí do: Vì mùa mưa tới gần, chính quyền... quá lo lắng về việc chùa Trăm Gian xuống cấp và sắp đổ nên tích cực tạo điều kiện cho việc trùng tu này (!).

Ngoài việc chuẩn bị phương án khắc phục “sự cố chùa Trăm Gian” vừa qua, Sở VH,TT&DL Hà Nội cũng đã đề nghị các cơ quan liên quan cùng đề xuất giải pháp mới trong việc phân cấp quản lý các di tích lịch sử văn hóa trong thành phố. Theo ông Phạm Quang Long, vào thời điểm này, tại Hà Nội chỉ duy có nhất huyện Mê Linh đang thí điểm mô hình xây dựng một phòng quản lý di tích cấp huyện. Còn lại, toàn bộ các huyện khác vẫn chưa có phòng chuyên môn này.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm